1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định: Giá mì lao dốc, nông dân làm công cốc

(Dân trí) - Nếu như năm ngoái, giá mì (sắn) vào chính vụ đạt 1,4 - 1,6 triệu đồng/tấn thì năm nay chỉ còn 900.000/tấn, giảm 500.000 đồng/tấn. Với giá này, người trồng mì ở tỉnh Bình Định may lắm bán hòa vốn. Vụ mì này coi như người nông dân làm công cốc…

Giá mì (sắn) giảm mạnh, người trồng mì ở Bình Định gặp khó
Giá mì (sắn) giảm mạnh, người trồng mì ở Bình Định gặp khó

Từ giữa tháng 10 đến nay, nông dân trên địa bàn Bình Định khẩn trương thu hoạch mì để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá mì lao dốc không phanh khiến người trồng mì kém vui. Đặc biệt, do năm nay nắng hạn kéo dài làm cho năng suất mì giảm khiến nông dân càng thêm khó khăn.

Huyện Phù Cát được xem là vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy chế biến tinh bột mì Phù Mỹ với diện tích hơn 2.550 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Hanh... Những năm qua, nhờ xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao các giống mì cao sản nên hầu hết diện tích mì ở đây được trồng các giống mì mới như: KM 94, KM 98, KM 140... cho sản lượng tăng cao. Thế nhưng, giá mì tươi năm nay giảm mạnh, thu nhập giảm làm người trồng mì rất lo lắng. Nếu nhà máy không có chính sách hỗ trợ người trồng mì e rằng rất khó để giữ vững vùng nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy hoạt động đúng công suất.

Nông dân Nguyễn Đình Phú (ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) thu hoạch mì
Nông dân Nguyễn Đình Phú (ở thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) thu hoạch mì

Nông dân Đào Văn Chung (ngụ thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát), trồng 2 ha mì, cho biết: “Năm ngoái, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1,4 triệu - 1,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó đảm bảo sản lượng mì. Nhưng năm này, mì chỉ ở mức 900 ngàn đồng/tấn, giảm đến 500 ngàn đồng/tấn. Với mức giá này, nông dân trồng mì tại địa phương chỉ từ hòa vốn, thậm chí lỗ vốn”.

Giá mì thấp đã đành, nhưng năm nay, do thời tiết hạn hán kéo dài nhiều vùng khô hạn nên mì bị chết cháy, số còn sống thì năng suất cũng thấp, chữ lượng tinh bột giảm. Theo ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, năm thời tiết thuận lợi, năng suất mì phải đạt 26 - 28 tấn/ha nhưng năm nay, nắng hạn kéo dài làm cho năng suất mì thấp chỉ còn 18 - 20 tấn. Hiện giá thu mua của các thương lái tại rẫy dao động từ 800 - 900 ngàn đồng/tấn mì tươi, giảm từ 300 - 500 ngàn đồng/tấn so với đầu vụ thu hoạch năm trước. Theo tính toán của nông dân, với mức giá này, 1 ha mì trồng trong thời gian từ 10 - 11 tháng nông dân chỉ thu được từ 16 - 18 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất như: phân bón, công lao động, vận chuyển tăng cao nên hầu hết người trồng mì lãi rất thấp, thậm chí bị thua lỗ.

Đến thời điểm này, nông dân trồng mì ở huyện Tây Sơn cũng đang tập trung thu hoạch trên 2.700 ha mì nguyên liệu. Tuy nhiên, do năng suất thấp, hàm lượng tinh bột kém, giá mì lại giảm nên ai cũng rầu rĩ. Ông Thi Văn Lợi (ngụ thôn 1, xã Tây Giang), nói: “Năm nay, gia đình tôi trồng được 4 sào mì nhưng do nắng nóng kéo dài, cây mì cho năng suất thấp, chất lượng tinh bột giảm thương lái cũng chê. Giá mì bèo bọt nên nhiều hộ xắt lát phơi khô để dành chăn nuôi heo, bò”.

Do giá mì quá thấp, một số hộ nông dân trồng mì xắt lát phơi khô, dự trữ làm thức ăn chăn nuôi
Do giá mì quá thấp, một số hộ nông dân trồng mì xắt lát phơi khô, dự trữ làm thức ăn chăn nuôi

Lý giải về nguyên nhân giá mì tươi giảm mạnh, ông Đỗ Văn Tâm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định cho rằng: Do thị trường xuất khẩu tinh bột mì gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc giá nhập khẩu tinh bột hạ thấp. Bên cạnh đó, do nắng hạn kéo dài nên nhiều diện tích mì trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, hàm lượng tinh bột hầu hết chỉ đạt dưới 20%, dẫn đến giá thu mua của nhà máy thấp.

“Từ giữa tháng 10 đến nay, Công ty mua mì nguyên liệu của nông dân với các mức giá gồm: mì có hàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1,42 triệu đồng/tấn; mì có hàm lượng tinh bột 25% giá 1,22 triệu đồng/tấn; mì hàm lượng tinh bột dưới 20% giá 920 ngàn đồng/tấn” - ông Tâm nói.

Hiện nay, để chia sẻ một phần khó khăn cho bà con nông dân tại các vùng nguyên liệu mì, các nhà máy mì lớn trên địa bàn tỉnh cam kết đảm bảo thu mua hết lượng mì nguyên liệu thu hoạch sau lũ. Đồng thời, hỗ trợ thêm tiền công vận chuyển mì đối với những vùng xa nhà máy. Ngoài ra, các công ty cũng đang xúc tiến với các đối tác, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới để nâng mức thu mua mì nguyên liệu, đảm bảo sản xuất có lãi.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm