1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:

Biểu giá điện “sửa tới, sửa lui” vẫn bị chê đắt đỏ

(Dân trí) - Người dùng 700kWh trở lên được cho là sẽ hưởng lợi từ điện một giá, nhưng có bao nhiêu hộ dân hiện nay ở Việt Nam dùng hầu hết tháng nào cũng 700 kWh/tháng? Con số này không nhiều!

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi?

Biểu giá điện “sửa tới, sửa lui” vẫn bị chê đắt đỏ - 1

Mức giá điện một giá bị đánh giá là cao, nhiều chuyên gia phản đối

Tại dự thảo về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án lựa chọn về biểu giá điện. Trong 2 phương án này, có phương án cho phép người dùng điện được lựa chọn một giá điện thay vì dùng bậc thang luỹ tiến.

Cụ thể, khách hàng được quyền chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá cũng có 2 phương án tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh, theo tính toán người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.

Ông Trần Văn Bình - chuyên gia về ngành điện nhận xét, nếu chọn bậc thang luỹ tiến như trong dự thảo, người dùng 700kWh trở lên thì sẽ phải dùng giá điện khoảng hơn 5.000 đồng/kWh.

“Đối tượng này chắc chắn được chọn họ sẽ dùng một giá, nhưng thử hỏi có bao nhiêu hộ dân hiện này ở Việt Nam dùng hầu hết tháng nào cũng 700 kWh/tháng? Con số này không nhiều”.

Nhiều chuyên gia về giá cũng phản đối phương án điện một giá, cho rằng phương án này không có lợi cho người tiêu dùng và mức giá đưa ra cao.

Giá vàng tăng, giảm nhanh như “lật mặt”: Ai là người chịu tổn thương nhất?

Đầu tiên là những người mua vàng thời điểm giá trên 60 triệu đồng đến cao điểm 62 triệu đồng/lượng ngày 8/8. Đỉnh của giá vàng chỉ duy trì trong ngày 8/8 và suy giảm mạnh từ ngày 9/8, đến ngày 12/8, giá vàng trong nước có cú trượt dốc kinh hoàng xuống ngưỡng gần 49 triệu đồng/lượng.

Như vậy, với những ai say máu làm giàu từ vàng thời điểm ngày 8/8, đến ngày 12/8, họ đã mất 13 triệu đồng/lượng. Tính đến thời điểm 10 giờ ngày 13/8, giá vàng mua vào nhích tăng lên 53,5 triệu đồng/lượng, người "say máu" vì vàng vẫn mất khoảng 8,5 triệu đồng/lượng.

Đối với những ai tay to mua vàng chục cây trở nên, chuỗi ngày qua là chuỗi tuần kinh hoàng, khi chứng kiến sự mất tiền lãi thậm chí âm vốn đến vài trăm triệu đồng trở nên chỉ trong 1 tuần mạo hiểm.

Phải công khai giá trúng thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19!

Trước thông tin một số địa phương thiếu thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19,  theo ông Bùi An Bình, Vụ Phó Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính: Hiện hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu đã có đầy đủ các quy định cho việc mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, gồm Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Riêng đối với trường hợp mua sắm trang thiết bị , vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch bệnh, cụ thể là dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, theo ông Bình, Bộ Y tế và các địa phương có thể đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu.

“Các chủ đầu tư thuộc các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện thẩm quyền của mình đã được quy định trong pháp luật về đấu thầu để mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid-19, không phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính”, đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp nói.

Bán 40 suất bún 300.000 đồng, chủ quán bị phạt 11,5 triệu đồng

Tuần qua, một thông tin cũng gây nhiều sự quan tâm và tò mò của độc giả là việc chủ quán bún ở TP Đà Nẵng bán 40 suất bún với giá 300.000 đồng (tức là giá mỗi suất khoảng 7.500 đồng) bị phạt hành chính với số tiền 11,5 triệu đồng.

Thực tế, chủ quán này bị phạt không phải do mức giá bán cao hay thấp mà là vì có hai hành vi vi phạm là:

- không thực hiện quyết định áp dụng tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ công cộng

- không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Vietnam Airlines lên kế hoạch lỗ 15.177 tỷ đồng

Về tin doanh nghiệp, phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Vietnam Airlines là tâm điểm tuần này. Tại tài liệu ĐHĐCĐ, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã trình kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng.

Theo CEO hãng bay quốc gia - ông Dương Trí Thành, lương phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị cắt giảm một nửa trong năm 2020. Khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Vietnam Airlines quyết định cắt giảm thu nhập bình quân của đội ngũ phi công, tiếp viên cũng như nhân viên mặt đất. Do đó, thu nhập cả năm của người lao động xấp xỉ chỉ bằng 40-50% cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập bình quân phi công năm 2020 giảm xuống còn 77 triệu đồng/tháng, giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên hàng không là 13,8 triệu đồng/tháng giảm 52%. Tương tự, các nhân viên mặt đất cũng phải giảm tới 55%, chỉ đạt 14 triệu đồng/tháng.