Vietnam Airlines có Chủ tịch mới

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới

(Dân trí) - Sau khi ông Phạm Ngọc Minh nghỉ hưu theo chế độ, ông Đặng Ngọc Hòa được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines từ ngày 10/8/2020. Trước đó, ông Hòa làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật.

Sau 4 lần thay đổi lịch, sáng 10/8, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) chính thức tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng không.

Covid-19 "truy quét", gây lỗ nặng

Trong tài liệu ĐHCĐ mới công bố, lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) nhìn nhận, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc và lan rộng trên thế giới vẫn khó lường đã làm thay đổi toàn bộ kinh tế thế giới so với các dự báo từ cuối năm 2019, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 1
Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 2
Đây là ĐHCĐ chưa từng có khi diễn ra trong đại dịch, tất cả các đại biểu đến dự ĐHCĐ được phun khử trùng, phòng dịch chặt chẽ

Đối với ngành hàng không, dịch Covid-19 đã thúc đẩy Chính phủ các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm cô lập, giảm thiểu tác động đến sức khỏe người dân. Các biện pháp hạn chế này làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn thế giới.

Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) dự báo, năm 2020 lượng khách luân chuyển trên toàn thế giới giảm 54,7% so với năm 2019, doanh thu mất 419 tỷ USD và các hãng hàng không lỗ trên 84 tỷ USD (trong khi mức lãi cả năm 2019 ước 25,9 tỷ USD). Dự tính, 11,2 triệu lao động trong ngành hàng không thất nghiệp. 

Đáng chú ý, hãng hàng không quốc gia Việt Nam trình kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 3
ĐHCĐ Vietnam Airlines sáng 10/8. ĐH được tổ chức trực tuyến, kết nối nhiều điểm cầu do dịch Covid-19

Hãng này dự kiến sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Úc; bắt đầu khai thác trở lại các đường bay khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ đầu tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3-5 chuyến/tuần và bắt đầu dần ổn định khai thác từ tháng 12.

Trong 7 tháng cuối năm 2020, dự kiến tổng thị trường hàng không nội địa phục vụ khoảng hơn 18 triệu lượt khách, tương đương 90% cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, khách tổng thị trường nội địa đạt 34,95 triệu lượt, thấp hơn 20% so với cùng kỳ; giá bình quân có khả năng giảm khoảng 30%.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 4
Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Tại ĐHCĐ này, VNA tập trung vào các nội dung quan trọng, bao gồm: Báo kế hoạch SXKD năm 2020; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2019 và định hướng năm 2020; Báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát (BKS) năm 2019 và định hướng năm 2020; Báo cáo tiền lương, thù lao của các thành viên HĐQT, BKS năm 2019 và kế hoạch năm 2020; Báo cáo chủ trương bán các tàu A321CEO; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và phương án phân phối lợi nhuận; Phương án kiện toàn HĐQT và BKS.

CEO Vietnam Airlines: "Cắt lỗ" bằng mọi cách có thể

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 5
Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

Theo CEO hãng bay quốc gia - ông Dương Trí Thành, lương phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị cắt giảm một nửa trong năm 2020. Khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Vietnam Airlines quyết định cắt giảm thu nhập bình quân của đội ngũ phi công, tiếp viên cũng như nhân viên mặt đất. Do đó, thu nhập cả năm của người lao động xấp xỉ chỉ bằng 40-50% cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập bình quân phi công năm 2020 giảm xuống còn 77 triệu đồng/tháng, giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên hàng không là 13,8 triệu đồng/tháng giảm 52%. tự các nhân viên mặt đất cũng phải giảm tới 55%, chỉ đạt 14 triệu đồng/tháng.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 6

Lãnh đạo VNA cho biết, các tháng cuối năm Tổng công ty tiếp tục điều hành các giải pháp về nguồn lực như: tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương; làm việc không trọn thời gian để phù hợp với quy mô sản xuất. Dự kiến kế hoạch sử dụng bình quân trong năm 4.785 lao động, giảm 26%.

Trước đó, hồi tháng 4, có tới 80% lao động mặt đất buộc phải ngừng việc; Tháng 5 và tháng 6/2020: 50% lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động/nghỉ không hưởng lương. Từ tháng 7: đưa dần lao động vào làm việc trở lại phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bán được 3 máy bay, thu về 28 triệu USD

Về công tác đầu tư, HĐQT VNA cho biết: Tổng giá trị thực hiện đầu tư năm 2019 dự kiến là 752 tỷ đồng, đạt thấp so với kế hoạch, chỉ 14% do chưa hoàn thành các nội dung lớn: Chủ trương dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, góp vốn bổ sung vào JPA; các dự án xây dựng gặp vướng mắc về các thủ tục quy hoạch hồ sơ pháp lý đất đai và giao đất.

Đối với chủ trương bán 5 tàu bay A321 CEO, quá trình thực hiện bán đấu giá đã hoàn tất theo quy đúng quy định. Tính đến thời điểm tháng 6/2020, Tổng công ty đã bàn giao 3 tàu, đã thu được 28 triệu USD.

Không chi trả cổ tức

Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng VNA - cho biết: Kết quả sản xuất kinh doanh 2019, tổng doanh thu và thu nhập của công ty mẹ là 74.694 tỷ. Báo cáo hợp nhất là 100.316 tỷ.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 7

Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng VNA

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, kết quả dự kiến cho những năm tiếp theo sẽ không có lợi nhuận, sẽ chỉ trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi ở mức tối đa tương đương 3 tháng theo đúng quy định để tạo nguồn chi trả, thực hiện cho các hoạt phúc lợi động tiền lương, hỗ trợ cho người lao động trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Hiền cho biết VNA không thực hiện trích quỹ đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận chưa phân phối từ kết quả kinh doanh năm 2019 phù hợp với diễn biến thực tế của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu khiến sản lượng và quy mô kinh doanh suy giảm mạnh, dòng tiền của Tổng Công ty rơi vào tình trạng thâm hụt nên không có nguồn tiền để chi trả cổ tức.

"Việc không chỉ trả cổ tức để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính tình hình kinh doanh của tổng công ty là phù hợp với thông lệ quốc tế, khi xem xét gia hạn, giảm giá, giãn chế độ thanh toán đối với các công ty. Số dư trích quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2019 là 779 tỷ" - ông Hiền nói.

Theo Kế toán trưởng VNA, Tổng Công ty đã rà soát và cắt giảm các dự án đầu tư, ưu tiên dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh nên không thực hiện việc trích lập quỹ đầu tư phát triển.

Những câu hỏi "nóng" của cổ đông 

Vấn đề Covid-19 gây thiệt hại, kế hoạch trả nợ, định hướng kinh doanh... là những câu hỏi được hàng loạt cổ đông nêu ra với Ban chủ tọa Đại hội.  

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 8

Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi về tình hình dịch Covid-19 và SXKD của VNA 

Theo ông Dương Trí Thành, 2020 là một năm rất đặc biệt. Vietnam Airlines có một đại hội rất đặc biệt, phải tổ chức trực tuyến, phải đeo khẩu trang, Covid-19 hiện hữu trong tất cả các câu hỏi của cổ đông. Covid-19 đã đi vào lịch sử loài người. Dịch bệnh này tác động còn lớn hơn cả chiến tranh.

Vì sao dịch lan rộng trong thời gian ngắn như thế?

Ông Dương Trí Thành cho biết, nếu không có hàng không thì dịch không thể lan nhanh được, chắc chỉ vài nước. Trong khi đó mạng xã hội, làm lan toả sự lo lắng sợ hãi. Chính phủ quyết định cách ly xã hội, hạn chế đi lại, đó là sự tự vệ. Chúng ta ở nhà không đi đâu hết và hàng không là ngành đầu tiên phải dừng lại.

Trên bầu trời chỉ có 3 máy bay hoạt động 

Trả lời về vấn đề khai thác bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, CEO Dương Trí Thành cho biết đây là thời kỳ chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. 

"Từ 0h ngày 1/4, bầu trời Việt Nam mỗi ngày chỉ có 3 chuyến bay, lịch sử Việt Nam chưa bao giờ như thế, ngay cả hồi chiến tranh cũng không ít như thế. Các đường bay quốc tế đến nay vẫn dừng, chỉ trừ bay hồi hương, giải cứu, vận chuyển hàng hoá" - ông Thành cho hay.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 9
Ông Dương Trí Thành trả lời các câu hỏi của cổ đông

Ông Thành cho rằng đây là các biện pháp cần để phòng ngừa dịch bệnh. Chính phủ toàn cầu coi đây là nhiệm vụ. Ngành hàng không kỷ niệm 100 năm vào năm 2019 thì dịch Covid-19 này tác động lớn nhất.

Ngay trước khi dịch bệnh, hàng không toàn cầu đã dự báo từ 2020 trở ra cũng là phải có cách mạng từ công nghệ đến tài chính. Covid-19 đã đẩy nhanh tiến trình này như một xu hướng tất yếu. Toàn cầu cũng ảnh hưởng, có 20 báo cáo cập nhật, mỗi lần đến hiện nay đều xấu đi.

VNA cũng có 15 báo cáo gửi đến cơ quan Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, trong đó có vấn đề về sản xuất kinh doanh của VNA. Toàn cầu bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng lớn nhất là châu Á Bình Dương. Vì sao? Vì đây là khu vực mà ngay trước dịch bệnh đã tiềm ẩn những khó khăn trước sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ, sự phát triển ồ ạt dẫn đến hạ tầng thiếu.

Phục hồi thế nào phải do vắc-xin

Việt Nam có tiềm năng lớn, bởi trong giai đoạn tháng 5 đến ngày 28/7, thị trường đã phục hồi đến 90%, duy nhất trên toàn cầu ghi nhận sự tăng trưởng này. Thế giới đánh giá Việt Nam đang toả sáng. Ngay cả thị trường Nhật cũng chỉ được 70%, còn Trung Quốc là 60%. Song theo ông Dương Trí Thành, phục hồi thế nào phải do vắc-xin và khả năng của các Chính phủ phòng chống dịch này.

Về phía VNA, hãng quán triệt cụ thể theo đường lối của đảng, hãng luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, xảy ra là phải sẵn sàng ứng phó, nhưng cũng không hoảng loạn, sẵn sàng mọi nguồn lực để phục hồi và vượt qua.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 10
Các đại biểu tham dự ĐHCĐ ở một điểm cầu trực tuyến

Trong báo cáo tháng 5, Tổng công ty đã xác định, thị trường nội địa đến quý 4/2020 sẽ phục hồi, nhưng bằng sự nỗ lực thì tháng 7/2020 đã phục hồi mạnh, nhưng phải chấp nhận giá vé bình quân thấp. Sự phục hồi chưa được lâu thì tới làn sóng 2, nó không dập tắt nhưng lại đi xuống.

Theo ghi nhận, thứ 7 vừa qua (8/8), Vietnam Airlines chỉ bay 102 chuyến, giảm hơn 5 lần so với thời điểm phục hồi, chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2019. Theo ông Thành, khi có dịch ở Đà Nẵng, Chính phủ lệnh "đóng cửa", tất cả các khu vực có liên quan đều tạm dừng. Song, VNA luôn sẵn sàng cho phục hồi, nhìn xa ra để thấy tương lai.

Vietnam Airlines đang thừa 72% phi công, tiếp viên

Chia sẻ về thị trường quốc tế, ông Thành cho biết, các hãng hàng không thế giới dự kiến năm 2024 mới phục hồi, nhưng thị trường quốc tế của Việt Nam thuận lợi hơn nên sang đầu 2022 đã có thể phục hồi. 

Chia sẻ về cách ứng xử với đại dịch, ông Thành cho hay, nhiều kịch bản được đưa ra, trong đó, nguyên tắc để tiến tới tương lai là đang tái cơ cấu đội tàu bay. Bởi tại thời điểm ngày hôm nay (10/8), Vietnam Airlines đang thừa 72% phi công, tiếp viên và kỹ thuật có liên quan tới tàu bay. Việc này sẽ còn tiếp tục kéo dài và máy bay chỉ còn phương án cất đi.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 11
Một cổ đông đặt câu hỏi với Ban lãnh đạo VNA

CEO Vietnam Airlines cho rằng, việc đầu tiên khi tái cơ cấu là máy bay đã có đơn hàng thuê, mua về sẽ phải hoãn, đẩy về tương lai, hoặc nếu không cần thiết thì hủy. Tất cả tài sản khác cũng phải tái cấu trúc, cái nào cần thì giữ, không thì sẽ bán. Phương án cụ thể thế nào sẽ nằm trong 1 kế hoạch lớn của tổng công ty.

Ngoài việc thoái vốn tổng công ty, các công ty thành viên, công ty con, công ty liên kết cũng có kế hoạch cụ thể để cổ phần hoá, thoái vốn.

Ông Thành cũng cho biết, cần phải đổi mới công nghệ trong thời điểm hiện tại. Đây là ý tưởng xuyên suốt và kiên định để đảm bảo an toàn, cạnh tranh hiệu quả.

Hãng càng lớn, tổn hại càng nhiều

Trả lời câu hỏi về khả năng phục hồi của VNA, ông Dương Trí Thành cho biết: Thời kỳ trước dịch bệnh đến hết tháng 1/2020, chúng tôi đã đạt được những thay đổi rất lớn, từ năm 2016 khi cổ phần hoá, các năm 2016- 2017-2018 đều có lợi nhuận tăng cao.

Hết năm 2019 tới tháng 1/2020 VNA ở trạng thái vững mạnh, phát triển. Thị phần của VNA lớn, luôn đạt mục tiêu chiếm lĩnh, dẫn đầu thị trường. Đây cũng là sứ mệnh của VNA.

Ông Thành khẳng định: Covid - 19 xảy ra thì hãng nào càng lớn, chi phí cố định lớn thì con số tổn hại càng lớn. Việc vượt qua khủng hoảng thì phụ thuộc vào tiềm năng, năng lực. VNA có nhiều thuận lợi, có thị trường nội địa lớn.

Nhiều hãng "hàng xóm" như Singapore Airlines hay ở Thái Lan, Malaysia… còn không có thị trường nội địa. Nước ta ổn định phát triển, dân số 100 triệu người là điểm thu hút đầu tư, tiềm năng ổn định.

Có chuyển hướng sang đẩy mạnh vận chuyển hàng hoá thiết bị y tế, hàng tươi sống?

Ông Dương Trí Thành trả lời: Tại thời điểm trước, đội máy bay thân rộng bay đi châu Âu 3-4 chuyến, chỉ chở khẩu trang, thiết bị y tế nhưng bây giờ hết rồi. Vì giờ không còn khẩn cấp nữa nên họ đi đường biển hết, không khai thác đường hàng không.

CEO hãng bay quốc gia nhấn mạnh: "Làm gì thì làm để bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài đảm bảo sức khoẻ, chúng tôi còn phải đảm bảo giờ bay thường xuyên để người lao động giữ được nghề".

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 12

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam trình tại ĐHCĐ kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng 

Về việc có hay không chuyển hướng vận tải hàng hoá, ông Thành cho biết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hiện chưa triển khai hẳn về vận tải hàng hóa nhưng cũng làm được một phần.

VNA cạnh tranh như thế nào trong thời gian tới?

Ông Dương Trí Thành cho biết: VNA có nhiều điểm mạnh, có Vasco, Jetstar Pacific phối hợp với nhau tạo ra giá thành thấp, cạnh tranh. Dây chuyền của VNA rất đồng bộ, là hãng hàng không 60 năm hình thành phát triển.

"Chúng tôi cũng có thế mạnh về sự chuyên sâu chuyên nghiệp trong ngành nghề. VNA cũng có đội ngũ hùng hậu nhất, cung cấp nhân lực cho ngành hàng không. Thế mạnh lớn nữa khi Chính phủ là cổ đông lớn, đã có những hành động rất cụ thể" - CEO Dương Trí Thành nhấn mạnh. 

Đến thời điểm này, VNA đang gấp rút có những quyết định cuối cùng về việc tăng vốn. Theo ông Thành, việc giải cứu các hãng hàng không thì trên thế giới cũng làm, bởi đây là ngành thiết yếu, cả toàn cầu cần.

"Đây là nền tảng phát triển giao thương, phát triển du lịch. Nếu không có hàng không, thử tưởng tượng như Việt Nam thời kỳ đầu Covid-19 không đi đâu được cả. Nhu cầu về di chuyển, du lịch hiện rất lớn nhưng bị nén lại. Ngành hàng không sẽ được giải cứu. Chính phủ sẽ có biện pháp cụ thể" - ông Thành tin tưởng.

Ông Thành một lần nữa nhấn mạnh với cổ đông: Thực sự hàng không đối mặt với khó khăn chưa bao giờ lớn như vậy. Chúng tôi phải cập nhật hàng ngày, mỗi ngày chờ bản tin 18h về số ca nhiễm, thông tin về quyết định của địa phương rồi nghe ngóng chuyến bay giải cứu đến Mỹ, Canada. Chính sách các sở tại. Cập nhật hàng ngày hàng giờ. Chúng tôi tin tưởng VNA sẽ vượt qua, phát triển.

Chủ sở hữu lớn nhất của VNA có hành động gì?

Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh: Các báo các của VNA lên cấp có thẩm quyền đều được ghi nhận và có phản hồi. Hiện, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục trình cấp cao hơn Chính phủ để có phương án hỗ trợ Vietnam Airlines trong thời gian tới. Cụ thể, phương án sẽ là cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn chủ sở hữu thêm 8.000 tỷ đồng.

Cần có phương án hỗ trợ, bởi theo ông Minh, tương lai của Vietnam Airlines, và ngành hàng không là vô cùng bất định. Tuy nhiên, theo vị này, điều quan trọng hơn lúc này với các nhà đầu tư là thái độ của lãnh đạo Vietnam Airlines với tình hình trước mắt. Ứng phó với việc này, ông Minh cho biết, Ban lãnh đạo VNA luôn chủ động cập nhật tình hình, chủ động phương án ít xấu nhất để ứng xử.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 13
Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh

Ông Minh nhấn mạnh luôn sẵn sàng cho các giải pháp phục hồi, kể cả các thị trường nhỏ nhất. Mục tiêu phấn đầu rõ ràng nhất của Vietnam Airlines lúc này là giữ thị phần nội địa. Có thời điểm, chúng tôi phát triển thị phần nội địa trên 55%, đây chính là mục tiêu phấn đấu rõ ràng của Vietnam Airlines trong thời gian tới.

Nguồn tiền suy giảm, VNA làm gì với các khoản vay?

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Trước khi có Covid-19, VNA kinh doanh hiệu quả. Cuối 2019, lượng tiền dự trữ tài khoản 4.000 tỷ đồng. Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng, dòng tiền bị suy giảm. Việc cân đối nguồn vay dài hạn, ngắn hạn bị ảnh hưởng không.

Vậy VNA làm gì khi bị suy giảm dòng tiền để xử lý trách nhiệm với các khoản vay? Theo ông Hiền, VNA tranh thủ sử dụng hiệu quả hạn mức tín dụng ngắn hạn, dư nợ vay ngắn hạn tăng lên 4.600 tỷ đồng đến tháng 6/2020.

Đối với các khoản vay trung dài hạn, ông Hiền cho biết VNA chủ động đề nghị xin giãn hoãn tiến độ. Khoảng 2.400 tỷ đồng tiền giãn hoãn tiến độ; tổ chức đàm phán với các nhà cho vay để giãn. Các ngân hàng trong nước cam kết giãn hoãn khoảng 775 tỷ đồng. Đây là thực hiện đúng theo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19.

"Những vấn đề dòng tiền, nợ vay, chúng tôi sẽ cân đối, đàm phán, phù hợp khả năng chi trả, ứng phó với dịch bệnh. Chắc chắn dư nợ vay dâng lên" - ông Hiền khẳng định.

Cũng theo Kế toán trưởng VNA, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối năm 2019 là 1,6 lần, rất đẹp. Trước đây là 5,6 lần, giờ là 2,4 lần tính đến đến giữa năm 2020, cuối năm nay dự kiến 12-14 lần.

"Con số này là bình thường với mức lỗ dự kiến của chúng ta. Nếu như cuối năm với số lỗ như vậy, vốn chủ sở hữu 4.000 tỷ, số vay là hơn 30.000 tỷ. " - ông Hiền nói và cho biết VNA phải để lại lợi nhuận phân phối để cân đối cho năm sau, chứ không phải là năm sau không có lợi nhuận. Tuỳ theo tình hình phục hồi, có thể có lãi nhưng phải bù lỗ.

Cũng theo ông Hiền, trong một lần phát biểu ông từng nói nếu không có sự hỗ trợ, hết tháng 8 thì VNA cạn tiền. "Tôi nói câu này vào đầu tháng 6. Vậy đến nay cạn chưa? Về cơ bản, cuối tháng 8 cơ bản là cạn nhưng tại sao vẫn duy trì dòng tiền được. Lí do là vì tháng 6,7 hàng không phục hồi nhanh, dịch bệnh được kiểm soát. Dòng tiền tích cực hơn so với dự kiến" - ông Hiền cho hay.

Đẩy lùi khả năng đảm bảo dòng tiền, cuối tháng 8 có thể chưa kiệt hoàn toàn. Mặc dù dòng tiền tháng 6,7 có cải thiện nhưng với làn sóng thứ hai, dòng tiền xấu đi hơn. Dự kiến tích cực vào tháng 8 nhưng thực tế lại suy giảm mạnh mẽ tương ứng tháng 4,5.

Kế toán trưởng VNA cũng cho rằng, mặc dù dòng tiền được cải thiện, song dòng tiền sẽ xấu đi vào tháng 8 và những tháng tiếp theo. Đặc biệt, tháng 8 là tháng được dự báo là tích cực nhất, nhưng lại suy giảm mạnh do làn sóng thứ 2. Dòng tiền của VNA đang được cân đối, tính toán và xây dựng phương án xử lý hàng ngày, bởi nó thay đổi rất nhanh.

Con số đến 30/6, VNA có 107 tàu bay, trong đó, có tàu bay sở hữu 58, thuê 49. Vì VNA chủ yếu sở hữu tàu bay thân hẹp, thân rộng đi thuê, nên quan điểm của VNA là tận dụng ưu thế đội bay để phù hợp với nhu cầu thị trường. Liên quan tới chủ đề vị thế VNA ở sàn chứng khoán, nhìn từ góc độ tài chính, một trong những điểm nhà đầu tư quan tâm là VNA là doanh nghiệp đảm bảo tính minh bạch cao trên thị trường.

VNA luôn đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kế toán, minh bạch, đây cũng là điểm tạo sự bền vững cho doanh nghiệp. Nếu so sánh, giá cổ phiếu VNA hôm nay (10/8) đang là 23.700 đồng, đúng 1 năm trước là 33.700 đồng, ghi nhận mức độ suy giảm 30%. Trong khi mức phổ biến của các hàng không là 40 - 60%, thậm chí có hàng là 100%. Nếu trong tình trạng khủng hoảng bởi dịch bệnh, mà giá cổ phiếu không biến động thì theo ông Hiền đó mới là không bình thường.

Giảm “sốc” tiền lương, phi công hết thời 300 - 400 triệu đồng/tháng

Theo ông Dương Trí Thành, các chi nhánh nước ngoài của Vietnam Airlines đóng cửa, toàn bộ cán bộ ở 19 chi nhánh nước ngoài sơ tán về Việt Nam để phòng tránh dịch. Lúc đó dự kiến chỉ 3-6 tháng, nhưng hiện đã kéo dài hơn.

Toàn bộ nhân viên ở văn phòng nước ngoài, cơ bản ở các nước phát triển đã nhận được lương của chính phủ nước đó trợ cấp. Tổng số liền nhận được vào khoảng 2 triệu USD tiền hỗ trợ. Sự hỗ trợ này có tiếp tục nữa hay không thì chưa rõ. Bởi một số nước mới hỗ trợ lần 1 từ tháng 3 - 9.

Còn ở Việt Nam, các cán bộ nhân viên ở văn phòng làm việc gián tiếp, lúc cao điểm cũng ngưng việc 80%, công với việc giãn cách và làm việc thì không tới văn phòng.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 14
Phi công hết thời nhận lương 300-400 triệu đồng/tháng

Đặc thù của VNA theo ông Thành là dù tháng 5-7 rất phấn khởi khi lịch bay đều, nhưng phi công, tiếp viên, kỹ sư đến tâm dịch thì vẫn coi như là mùa dịch bệnh. Số lượng bay về phải cách ly lúc nào cũng có vài trăm người.

Đây là áp lực lớn, nhưng theo ông Thành, những người ngưng việc trong giai đoạn đó áp dụng theo chế độ Nhà nước với lương tối thiểu, người nào ngừng hẳn công việc thì hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Khi sản lượng bay hồi phục tháng 6-7 thì cũng phân công san sẻ giờ bay, trước 80-90 giờ, nay còn 40-50 giờ để có thu nhập trang trải chi phí.

Đáng chú ý theo ông Thành, trong quý 2, lãnh đạo các Ban đi làm nhiều hơn, nhưng quyết định chủ động không nhận tiền lương để gương mẫu giảm chi phí, cùng nhau vượt qua khó khăn.

“Dù khó khăn, nhưng cũng phải giữ được lao động, trong đó nguồn lực quan trọng là phi công. Phi công người Việt đang hưởng mức lương trên 50% so với trước, nhưng mức thu nhập giảm 60-80%. Không còn con số thu nhập 300 - 400 triệu đồng như trước, hiện tại chỉ còn vài chục triệu đồng” - ông Thành nói và chia sẻ thêm: Trong số 1.200 phi công, có 300 phi công người nước ngoài. Phi công nước ngoài trước lương cao hơn người Việt, nhưng hiện cũng hưởng theo chế độ phi công Việt Nam.

"Siêu ủy ban": Cảm ơn nỗ lực của VNA!

Tại Đại hội, đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ với VNA trước những khó khăn từ đại dịch Covid-19. Ủy ban này ghi nhận nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo VNA trên tất cả các vị trí trong việc vừa cố gắng phục hồi, vừa cắt giảm chi phí, giãn hoãn nợ.

"Với tư cách là cổ đông lớn, chúng tôi cám ơn những nỗ lực đó" - đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ và nhấn mạnh: "Năm 2019 đạt được kết quả rất tốt, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên sang đầu năm 2020, VNA gặp nhiều khó khăn vid dịch. Chúng tôi nhất trí với kế hoạch điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh do VNA đệ trình".

Đại diện cơ quan sở hữu VNA cũng cho biết hy vọng thời gian tới với sự đồng hành của cổ đông, đối tác, quyết tâm của Chính phủ đối với các giải pháp khôi phục ngành hàng không thì chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng có một số gợi ý đối với VNA:

Thứ nhất, nhất trí với quan điểm mà lãnh đạo VNA đã trình bày, kiên định mục tiêu, linh hoạt trong điều hành. Kiên định là hãng hàng không quốc gia dẫn dắt thị trường nhưng tận dụng tối đa sự phục hồi, giảm thiểu chi phí, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Thứ 2, Ủy ban Quản lý vốn kỳ vọng VNA sẽ xây dựng các phương án sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ.

Thứ ba, Ủy ban Quản lý vốn tiếp tục phối hợp các cổ đông khác, cả ngắn và dài hạn về phương án xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các vấn đề như tái cấu trúc đội tàu bay, tái cấu trúc khoản vay, tái cấu trúc hệ thống tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, điều Ủy ban Quản lý vốn rất quan tâm là phải đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn. Không thể vì bất kỳ lí do gì mà có sơ xuất, hậu quả là rất nghiêm trọng, tác động sẽ càng tiêu cực.

"Chúng tôi xin được nhắc lại quan điểm của Ủy ban quản lý vốn đó là luôn đồng hành hỗ trợ những doanh nghiệp được giao cho Ủy ban quản lý vốn. Doanh nghiệp có phát triển thì phần vốn nhà nước mới được bảo đảm phát triển" - vị đại diện khẳng định.

VNA kiện toàn HĐQT nhiệm kỳ mới

Trong khuôn khổ ĐHCĐ, hãng hàng không quốc gia đã triển khai quyết miễn nhiệm các thành viên HĐQT gồm 3 người, trong đó có ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, ông Minh nghỉ hưu theo chế độ.

Đại hội tiến hành bầu cử để bổ sung 3 thành viên HĐQT, trong đó có tân Chủ tịch HĐQT. 

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới

Với 100% số phiếu bầu, ông Đặng Ngọc Hoà chính thức trở thành tân Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines từ ngày 10/8/2020. Trước khi được bầu làm Chủ tịch VNA, ông Đặng Ngọc Hoà (sinh năm 1972) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Phát biểu trước Đại hội sau khi trúng cử, tân Chủ tịch Vietnam Airlines thay mặt HĐQT cảm ơn lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ đông và đại diện cổ đông đã công tâm tham gia bầu bổ sung các thành viên HĐQT cũng như Ban Kiểm soát tại Đại hội.

Vietnam Airlines có Chủ tịch mới - 15

Tân Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa

“Trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, chúng tôi hiểu trọng trách này lại càng lớn lao, đòi hỏi nỗ lực bằng mọi giá để giữ vững thành quả mà các thế hệ đi trước đã gây dựng và đưa Vietnam Airlines phát triển bền vững thời gian tới” - ông Đặng Ngọc Hoà nói.

Tân Chủ tịch VNA cũng nhấn mạnh lại nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Tổng công ty là đảm bảo an toàn tuyệt đối về mặt khai thác cũng như an toàn sức khỏe cho hành khách và người lao động. Đồng thời phục hồi sức khỏe tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy phù hợp với bối cảnh mới và khôi phục, củng cố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Nói lời chia tay tại ĐHCĐ, nguyên Chủ tịch VNA Phạm Ngọc Minh cho biết thực tế ông đã có phát biểu chia tay với HĐQT Vietnam Airlines từ 5 tháng 9 ngày 12 giờ trước.

“Mặc dù đã chia tay nhưng do sự phức tạp của đại dịch Covid-19 nên dù về hưu nhưng phải đề cao nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Tại thời điểm rất khó khăn này, tôi tin tưởng VNA đội ngũ lãnh đạo cán bộ nhân viên được đào tạo, có trí tuệ và nỗ lực sẽ vượt qua khủng hoảng, trụ vững và phát triển với tinh thần màu cờ, sắc áo của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Chúc cho VNA luôn sải cánh vươn cao” - ông Minh chia sẻ.

Cũng tại ĐHCĐ hôm nay, 100% cổ đông nhất trí việc gia hạn thời gian là thành viên HĐQT của CEO Dương Trí Thành cho đến kỳ ĐH tới (ĐHCĐ bất thường năm 2020) theo ý kiến của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Lí do của việc gia hạn này vì diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cần duy trì đội ngũ lãnh đạo điều hành.