Biệt thự hoang: Của để dành, quyết không giảm giá

Mặc dù bị bỏ hoang nhưng nhiều chủ biệt thự tại các khu đô thị mới vẫn hét giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, thậm chí còn tỏ vẻ thờ ơ, không muốn bán.

Các khu đô thị mới Yên Hòa, Mễ Trì, Văn Quán, Linh Đàm,... đã đi vào hoạt động từ rất lâu nhưng tỷ lệ nhà biệt thự, liền kề để chưa được đưa vào sử dụng chiếm rất cao. Nhiều ngôi biệt thự hàng triệu đô đã xây xong thô, bỏ hoang gần 5 năm nay không có người tới ở. Chúng được cỏ dại và rác thải bao vây. Chủ nhà cẩn thận thì xây tường cao, còn lại bỏ không, thành chỗ tụ tập của các tệ nạn xã hội.

 

Không ít nhà ở vị trí đẹp lọt vào tầm ngắm của người mua, nhưng để liên hệ được với chủ nhà không phải là dễ dàng.

 

Trong vai người mua nhà, sau nhiều lần truy tìm thông tin, chúng tôi đã liên hệ được với chủ nhà một căn biệt thự đang bỏ hoang tại khu đô thị mới Mỹ Đình 2. Tỏ ý nhiệt tình muốn mua, chúng tôi gạ chủ nhà bán nhưng vẫn không thành công. Chủ nhà cho hay, ông không có ý định bán ngôi nhà này dù không có nhu cầu ở. Hiện tại, do gia đình đang sống tại quận Ba Đình, chưa có ý định chuyển về dưới đó nên đành bỏ không. Nếu muốn mua, mức giá ông đưa ra cho căn biệt thự hơn 180m2 vuông này 250 triệu đồng/m2, đồng thời từ chối mặc cả cũng như không gặp nếu chỉ để tìm hiểu thông tin.

 

Tương tự như vậy, tại khu đô thị mới Yên Hòa, một ngôi biệt thự ở vị trí đẹp ngay mặt đường cũng được chủ nhà hét giá tới 350 triệu đồng/m2. Theo tính toán, một ngôi biệt thự rộng trên 200m2 có giá hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, người mua nhà sẽ phải thuê công nhân dọn dẹp, xây dựng hoàn thiện và đầu tư nội thất với số tiền phụ trội 1-2 tỷ đồng.

 

Tại khu đô thị Văn Quán, chủ quán ốc tên Thương đang thuê lại căn biệt thự, cho hay, chị thuê ngôi nhà này làm quán cách đây hơn hai năm với giá 5 triệu đồng/tháng. Nhà hoàn toàn không có gì, kể cả điện nước, chị đều phải mắc từ phía nhà hàng xóm. Trước khi mở quán, chị cũng phải mất hơn 1 tuần dọn dẹp mọi cỏ dại, rác rưởi và gạch vỡ tại đây, đồng thời cũng sơn lên gạch thô cho sáng nhà.

 

 
Những ngôi biệt thự bỏ hoang có giá hàng trăm triệu/m2 mà chủ nhà không muốn bán (ảnh D.A)
Những ngôi biệt thự bỏ hoang có giá hàng trăm triệu/m2 mà chủ nhà không muốn bán (ảnh D.A)

 

"Nhà này chủ nhà khó tính lắm, không ở cũng không muốn bán. Mình là người quen mới thuê được. Vừa có tiền mà vừa có người trông nhà hộ, chủ nhà mới đồng ý đấy. Ông chủ giàu lắm, có tới vài cái nhà biệt thự như này", chị Thương chia sẻ.

 

Cũng theo chị Thương, thời gian qua đã có không ít người nhòm ngó muốn mua lại để mở nhà hàng nhưng chủ nhà đều từ chối. Cách quán chị thương không xa cũng có 2-3 biệt thự bỏ không, nhiều tờ rơi trước nhà ghi rõ: Muốn mua nhà này, và để lại số điện thoại liên hệ.

 

Khảo sát của phóng viên tại các khu đô thị mới, các căn biệt thự bỏ hoang được chủ nhà hét giá cao gấp nhiều lần so với những căn đang có người ở. Điển hình như biệt thự khu đô thị Mỹ Đình 2 giá dao động từ 150 - 180 triệu đồng/m2. Khu đô thị Văn Quán, một biệt thự rộng 204m2, nhà xây thô hoàn thiện, mặt tiền rộng, sổ đỏ chính chủ đang được rao bán 156 triệu đồng/m2. Căn hộ rộng 180m2, mặt hồ Văn Quán, giá bán 32 tỷ đồng, có thương lượng. Còn khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, giá biệt thự xây thô khoảng 170 triệu đồng/m2.

 

Tại khu đô thị mới Yên Hòa, một văn phòng nhà đất đang rao bán căn biệt thự 200m2 hướng Tây Bắc, sổ đỏ chính chủ, đã hoàn thiện nội thất xịn giá 37 tỷ đồng. Những căn chưa có sổ đỏ giá mềm hơn như một căn diện tích như trên giá chỉ 33 tỷ đồng.

 

Tính đến 30/6, theo báo cáo của UBND TP, hiện trên địa bàn Hà Nội số lượng biệt thự bỏ hoang lên đến 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng, giá vẫn ngất ngưởng hàng trăm triệu/m2.

 

Ông Lưu Công Huy, giám đốc một sàn bất động sản ở Yên Hòa, nhận định, tỷ lệ biệt thự liền kề bỏ hoang nhiều do tình trạng "đại gia" mua để đầu cơ, làm của để dành. Không ít khách hàng có nhu cầu mua biệt thự ở vị trí đẹp bỏ hoang nhưng sàn ông vẫn không thể môi giới được, thất bại từ phía chủ nhà không nhiệt tình.

 

Thời điểm thị trường bất động sản "sốt", nhiều biệt thự ở Linh Đàm, Pháp Vân, Mỹ Đình,... được mua đi bán lại qua nhiều chủ, đội giá mỗi căn cũng tăng hàng chục tỷ đồng. Chính vì thế, khi thị trường xuống giá ảm đạm như hiện nay, họ không thể bán giá thấp hơn được, đành cho thuê hay bỏ không như vậy.

 

Tình trạng biệt thự bỏ hoang tại nhiều dự án không còn là vấn đề mới. Mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng đối với các biệt thự bỏ hoang. Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Tuy nhiên, để ngăn chặn biệt thự hoang vẫn còn là vấn đề nan giải.

 

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc sàn Info cho hay theo thông lệ quốc tế, có 2 cách để hạn chế thị trường đầu cơ bất động sản cũng như giảm số lượng bất động sản không được sử dụng. Cách thứ nhất là Nhà nước đánh thuế rất cao các diện tích dư thừa hoặc các bất động sản thứ hai trở lên khiến bất động sản trở thành "tiêu sản".

 

Cách thứ hai là chỉ cho phép sở hữu bất động sản trong khoảng thời gian hữu hạn, ví như chính quyền Trung Quốc chỉ cấp đồng loạt thời hạn sở hữu trong vòng 70 năm với nhà ở; các loại nhà hàng, khách sạn, tửu điếm thì được cấp cho phép sở hữu trong vòng 40 năm; thuê hoặc mua đất cho sản xuất công nghiệp là 50 năm... Sau thời hạn đó, tùy theo loại hình bất động sản và vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chính quyền có thể xem xét gia hạn hoặc từ chối gia hạn cho chủ sở hữu.

 

Ông Nam nhận định, trong tình trạng hiện nay, nếu như chính sách thuế bất động sản vẫn giữ nguyên và bất động sản không "sinh ra" thì mãi mãi không chấm dứt được tình trạng bỏ hoang biệt thự, căn hộ như thế này.

 

Theo Duy Anh

VEF