Biệt thự bỏ hoang sẽ xuống cấp, gây mất an toàn

Mặc dù đã có một số biện pháp can thiệp song số lượng biệt thự bỏ hoang tại Hà Nội vẫn không hề giảm. Đây không chỉ là một sự lãng phí lớn mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người dân chuyển đến sinh sống sau này.

Biệt thự im lìm, “trơ gan cùng tuế nguyệt”

Trong khi có được một ngôi nhà “chính chủ” dù vô cùng nhỏ bé vốn là niềm mơ ước của biết bao lao động tỉnh lẻ, trong khi nhiều người phải chấp nhận cảnh sống trong những căn nhà chật hẹp, tù túng, ngóc ngách, đường đi đôi khi chỉ vừa một chiếc xe máy duy nhất… thì hàng trăm ngôi biệt thự, căn hộ cao cấp lại đang được bỏ hoang khắp các đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng đầu năm 2011, trong số 16 dự án của 11 chủ đầu tư được kiểm tra gồm khoảng 2.684 căn biệt thự thì còn khoảng 698 căn (chiếm gần 35%) vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang.

Mới đây, theo báo cáo nghiên cứu của công ty CBRE Việt Nam, trong quý 2/2013 trên địa bàn HN có khoảng 9.000 căn biệt thự mới hoàn thiện, nhưng có tới 60% là không có người ở.

Những biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang, trơ gan cùng tuế nguyệt thế này không hiếm tại Hà Nội
Những biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang, "trơ gan cùng tuế nguyệt" thế này không hiếm tại Hà Nội

Đó có thể là những ngôi biệt thự đã được chủ đầu tư hoàn thiện xong, chúng khoác lên ngoài vẻ đẹp như mơ song trái ngược với vẻ ồn ào tấp nập thường thấy của các khu đô thị có dân cư sinh sống, các căn biệt thự này rơi vào cảnh im lìm, “vắng như chùa bà Đanh”. Vì chủ nhân không chịu chuyển đến sinh sống nên những căn biệt thự, những căn hộ cao cấp này đành chịu cảnh “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Lại có không ít các dãy nhà liền kề, căn biệt thự được đưa vào thi công hàng mấy năm trời nhưng vẫn cứ ì ạch tiến độ, mãi chưa xong phần thô hoặc vừa hoàn thành xong phần thô thì được các chủ đầu tư “vứt chỏng chơ”, để mặc cho công trình “dầm mưa dãi nắng”.

Trước đây, việc triển khai các đề án xây dựng biệt thự được coi là cách thức cải thiện và nâng cao tầm vóc, hình ảnh của Thủ đô. Thế nhưng, sau thời hoàng kim, sau “cơn sốt ảo” nhà đất, những dự án này chìm vào bóng tối. Đặc biệt khi bất động sản ngày càng khó khăn, hết “lao dốc” rồi “đóng băng” thì các khu biệt thự, căn hộ cao cấp cũng lâm cảnh “chết dần chết mòn”.

Biệt thự để…. trồng rau, nuôi gà

Tình trạng xây thô rồi bỏ hoang thời gian dài, rêu mốc phủ kín, cỏ dại um tùm, công trình xuống cấp trầm trọng đã khiến những khu đô thị cao cấp một thời từng được hi vọng là nơi ở lý tưởng cho giới “thượng lưu” với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, sang trọng dần dần trở nên nhếch nhác đến “nhức mắt”. Tại nhiều khu nhà xây thô bỏ hoang, người dân xung quanh còn tận dụng để làm nơi kinh doanh tạm bợ hoặc trồng rau, nuôi gà.

Nhà bỏ hoang được tận dụng để trồng rau
Nhà bỏ hoang được tận dụng để trồng rau

Trên các trang kinh doanh nhà đất, các rao vặt liên quan đến việc bán lại, cho thuê biệt thự hoặc nhà liền kề xây thô xuất hiện ngày càng nhiều. Mức giá đưa ra khá rẻ (thậm chí có nơi giá thuê rẻ hơn thuê phòng trọ) song tìm được người bỏ tiền ra thuê cũng không phải chuyện đơn giản. Đó là bởi dù giá rẻ, nhà rộng song ít người dám “bạo gan” sống trong một căn nhà mà xung quanh đều hoang hóa, cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông đều kém thuận lợi. Ở không thôi đã khó chứ nói gì đến việc kinh doanh tại chốn “không người”.

Trước sự lên tiếng của dư luận, năm 2012, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đó, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể bị áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Thời điểm thông tin này được công khai đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận, trong đó không ít ý kiến đồng tình bởi việc bỏ hoang các biệt thự là một sự lãng phí lớn của xã hội, nó còn gây mất mỹ quan đô thị và là tụ điểm nảy sinh tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay đề xuất này vẫn chưa đi vào thực tế và tình trạng bỏ hoang vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang vẫn còn là con số “khủng” khiến cả xã hội “đau đầu”.

Nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng), việc bỏ hoang các khu nhà liền kề, biệt thự tiền tỷ này không chỉ là một sự lãng phí lớn về tiền bạc mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và sự an toàn của những người chủ ngôi nhà sẽ chuyển đến ở sau này.

Ông Cường cho biết, nhà cao tầng có một số hệ thống kỹ thuật đồng bộ, theo nguyên tắc chúng phải đi kèm với công tác bảo trì, bảo hành. Nếu chưa lắp đặt, người dân dọn đến mới lắp đặt hệ thống kỹ thuật thì là một chuyện, còn nếu đã lắp đặt xong hết rồi nhưng người dân không dọn đến ở thì lại là chuyện khác. Bởi nếu hệ thống kỹ thuật này được lắp đặt sớm mà không đưa vào vận hành, bảo trì thì có thể sẽ bị hỏng hóc, xuống cấp gây nguy hiểm (ví dụ như đường điện, đường nước không còn đảm bảo đủ an toàn cho người sử dụng).

Ông giải thích, tùy theo thời gian chủ đầu tư hợp đồng với người mua nhà mà đơn vị thi công công trình có trách nhiệm phải bảo trì cho hệ thống kỹ thuật của công trình đó, thông thường trong vòng 1 năm. Ví dụ khi bên thi công lắp đặt xong, 1 năm là đến thời gian bảo trì nhưng nếu việc lắp đặt đã hoàn thiện rồi mà 1 năm vẫn chưa có người dọn tới ở, sau vài ba năm mới có người chuyển đến thì tức là đã hết thời gian bảo trì theo luật định và bên thi công không chịu trách nhiệm gì nữa, thiệt thòi lúc này hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu công trình.

“Một số kết cấu có lớp chống thấm, các áo tường thì vật liệu cũng đảm bảo hơn, còn nếu chỉ xây thô thì nẩm mốc, rêu lẫn vào trong tường, sau này chủ nhà sử dụng cũng sẽ bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng có sự khác biệt phụ thuộc vào nhà cao tầng hay thấp tầng”, ông nói.

Đặc biệt, nhà đã hoàn thiện xong mà không có người đến ở thì rất nhanh hỏng. Do điều kiện khí hậu Việt Nam, nhà làm xong mà cứ đóng cửa, không thông thoáng thì thường ẩm thấp, xuống cấp rất nhanh. Tình trạng này dẫn đến nhiều thiệt hại như: ảnh hưởng đến chất lượng công trình, độ an toàn của chủ nhà.

Ông Cường đưa ra lời khuyên, trước khi chuyển về những ngôi nhà, biệt thự bỏ hoang lâu ngày để ở, chủ sở hữu nên kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng hệ thống kỹ thuật của ngôi nhà vẫn còn đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Theo Thanh Thu
Vietq