1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Biệt thự bỏ hoang nhiều không đếm xuể!

Quỹ đất của Hà Nội eo hẹp khiến thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình công cộng, giải quyết chỗ ở cho người dân nhưng hàng trăm ngôi biệt thự, căn hộ tại các khu chung cư, đô thị đẹp nhất, nhì Hà Thành vẫn để hoang.

Khu đô thị mới (KĐTM) Văn Quán và KĐT Xuân La hiện có cả trăm căn biệt thự tiền tỷ, có cái đã hoàn thiện, có cái đã xây xong phần thô, nhưng đều chưa có ai sử dụng. Hỏi ra đều có chủ cả nhưng vì chưa có ai ở, nên nhiều ngôi nhà đang bị rêu mốc xanh, mốc trắng, cỏ phủ hết cả lối đi.

Nhưng những ngôi nhà bỏ hoang ấy chưa thấm vào đâu so với số biệt thự bỏ hoang ở khu vực Mễ Trì, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng…

Anh Vi, bảo vệ ở Khu Mễ Trì, cho biết: “Các ngôi nhà bỏ hoang này không chỉ gây nên sự lãng phí tài sản xã hội, mà chúng tôi cũng rất vất vả với bọn nghiện hút, gái mại dâm... Lâu nay, chúng tôi đã căng sức ra mà cũng không tài nào kiểm soát hết được”.

Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân ở Mễ Trì Hạ, bức xúc: “Các ngôi nhà hoang ấy đã chiếm hết đất sản xuất, canh tác và đang là nỗi lo thường trực về an ninh của người dân chúng tôi, bởi nghiện ma túy luôn đồng hành cùng trộm cắp, thậm chí là cướp giật”.

Bước qua khoảng sân cỏ cao quá đầu gối để vào một ngôi biệt thự cạnh đường, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những gì chứng kiến. Chất thải la liệt, trên tầng 2, tầng 3, từ lòng nhà cho đến hành lang, khu phụ đều có kim tiêm và bao cao su đã sử dụng. Toàn bộ ngôi nhà bốc mùi xú uế.

Những ngôi nhà hoang liền kề trên đường Yên Phụ cũng trong tình trạng như vậy. Ông Vũ Xuân Trường, là người dân ở đây, cho biết: Những ngôi nhà này đã hoàn thiện từ vài năm trước, đều có chủ cả, nhưng chả thấy ai đến ở hay chăm sóc gì.

Còn Anh Hoàng Ngọc Thành, chủ nhà duy nhất mà chúng tôi gặp, đang sửa sang lại ngôi nhà của mình, cho biết: Các ngôi nhà ở đây đều đã xây xong từ vài năm nay rồi, và hầu hết đã được mua bán qua nhiều chủ. Như anh đã là chủ thứ 3 của ngôi nhà này.

Với những gì đã thấy, có thể khẳng định rằng, có một lượng diện tích nhà rất lớn đã bán cho những người có tiền đầu cơ, nhưng chưa sử dụng đến. Không chỉ người dân mà đa phần cán bộ Nhà nước đều ái ngại cho rằng: Nếu cứ đà này thì sẽ có một bộ phận lớn dân cư sẽ chẳng bao giờ có nhà. Tất cả những căn hộ chung cư, biệt thự kia chắc chắn chủ nhân là những người có tiền mua để dành, để đầu cơ. Còn người lao động, cán bộ công chức thì làm sao mua được.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng cho biết: Hiện nay, Hà Nội đã ban hành một số chính sách nhằm chống đầu cơ, nhưng vẫn thiếu thực tế nên rất khó xử lý. Người ta vẫn cứ ngấm ngầm mua bán trao tay, thậm chí mua bán trên giấy tờ nên việc chống đầu cơ là không tưởng.

Theo ông Công, đã đến lúc chính quyền thành phố nên điều chỉnh lại định hướng phát triển nhà ở cho đúng, nhằm đầu tư vào những chung cư phù hợp phục vụ đa số người thu nhập thấp, còn nhà cao cấp thì nên hạn chế.

Để ngăn chặn nạn đầu cơ nhà ở rồi để hoang, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng có ý kiến: Khi còn nhiều nhà bỏ không, chứng tỏ nhiều người mua chưa có nhu cầu về nơi ở.

Để khuyến khích người đến ở, ngoài sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, Nhà nước cần có chế tài ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ bất động sản bằng biện pháp thu thuế sử dụng đất, thuế sử dụng nhà.

Theo Hải Thanh
Báo VOV News/TNVN