1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Biến động giá tiêu dùng trên quy mô toàn quốc

(Dân trí) - Thị trường hàng tiêu dùng trên cả nước đang có xu hướng tăng giá, có địa phương “điệp khúc” tăng giá lương thực, thực phẩm lặp đi lặp lại 2, 3 ngày/lần. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết mức tăng này không đột biến và vẫn nằm trong vòng kiểm soát.

Hà Nội: Giá thực phẩm tiếp tục biến động
 
Sau hơn 1 tuần cơ quan chức năng xác nhận tình hình tăng giá trên thị trường thực phẩm Hà Nội, khảo sát tại các chợ nội thành như: Vĩnh Phúc, Tam Đa, Cầu Giấy, Thành Công… PV Dân trí ghi nhận diễn biến thị trường tiếp tục có những biến động về giá.
 
Tại chợ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), chỉ duy nhất thịt bò giữ giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, ngoài ra các loại thực phẩm tươi sống khác đều tăng thêm 10% so với hồi đầu tháng 11.
 
Chị Lan - ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, cho biết: “Tăng giá nhanh nhất là thịt lợn, người ta bảo là đang có dịch tai xanh nên rất khan hàng. Hôm nay đi chợ (9/11) tôi phải tiêu tốn thêm 50.000 đồng so với mấy hôm trước, trong khi đó nhu cầu ăn uống thì không thể đừng…”.
 
Biến động giá tiêu dùng trên quy mô toàn quốc - 1
Thịt lợn là loại thực phẩm tăng giá nhanh nhất trên thị trường Hà Nội (ảnh: Quỳnh Anh)
 
Chợ Tam Đa (quận Tây Hồ), nhiều loại thực phẩm khô cũng “rục rịch” tăng giá. Các tiểu thương cho rằng đây là tình hình chung trong bối cảnh giá thực phẩm đầu vào tăng nên bán ra cũng không thể không tăng.
 
Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng trong diện bình ổn như dầu ăn, đường, nước mắm, thủy hải sản, đồ khô… vẫn được bán theo cam kết từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, mặt hàng thịt tươi sống có dấu hiệu tăng nhẹ.
 
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lý giải: “Sở dĩ giá các loại thịt tươi sống trong hệ thống siêu thị có dấu hiệu tăng là do giá thu mua mặt hàng này đang bị đội giá lên”.
 
Theo gợi ý của ông Phú, để đạt được mục tiêu kiềm chế sự tăng giá trong hai tháng cuối năm, Sở Công Thương và thành phố nên chỉ đạo liên tục để quỹ hàng hóa không bị đứt đoạn, gây ảnh hưởng tâm lý không tốt trong người dân.
 
Một số chuyên gia cho hay, trong thời điểm hiện nay, sự biến động giá trong hệ thống siêu thị không đáng lo ngại, bởi bản thân các siêu thị sẽ phải kìm giá ở một mức độ nào đó, cộng với các chính sách khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng. Điều quan trọng là cung hàng hóa phải dồi dào để phục vụ thị trường tự do, tránh gây tâm lý dự trữ hàng trong dân.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Sự tăng giá này giống như tình hình cùng kỳ các năm trước và mức tăng không đột biến. Hiện, giá lương thực thực phẩm tại Hà Nội đang tăng nhưng vẫn nằm trong vòng kiểm soát.
 
Riêng đối với các siêu thị giá cả đang có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên dù diễn biến thị trường bên ngoài như thế nào thì cũng phải tuân thủ quy định giá của Chính phủ, đặc biệt là 9 nhóm ngành hàng thực phẩm nằm trong danh mục trọng yếu là lương thực (gạo tẻ), thịt gia súc gia cầm, trứng, đường, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ…”.
 
TPHCM: Giá cả “căng như dây đàn”
 
Nhiều mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá tại TPHCM ở mức cao không chỉ làm cho các bà nội trợ đau đầu mà cả các siêu thị, chợ cũng gặp khó trong việc kinh doanh.
 
Nhiều siêu thị cho biết, sẽ tăng giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu, đồ tiêu dùng trong mức 5 - 15% như đồ hộp, nước uống đóng chai, gạo, dầu ăn, mỳ gói… Đặc biệt, các nhóm hàng nhập khẩu như mỹ phẩm, bánh kẹo nhập khẩu có mức tăng cao hơn.
 
“Lương chưa tăng mà sao giá cả tăng kinh khủng quá. Đi vào siêu thị mua những mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn phải xếp hàng. Nửa tháng nay chi tiêu trong gia đình tôi đã “đội” rất rõ”, chị Quỳnh Anh, ngụ quận Bình Thạnh than thở sau buổi đi mua sắm tại siêu thị Co.opMart.
 
Ngoài việc tung ra các chương trình khuyến mãi như để “lấn án” tình hình giá cả, nhiều siêu thị phải áp dụng hình thức bán hàng có giới hạn để tránh tình trạng đầu cơ, gom hàng.
 
Biến động giá tiêu dùng trên quy mô toàn quốc - 2
Các siêu thị TPHCM phải "cầm chừng" sức mua của khách (ảnh: Hoài Nam)
 
Siêu thị Big C quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1 kg đường mỗi lần. Tại Co.op Mart, mỗi khách hàng cũng chỉ được mua 2 lít dầu ăn, 2 kg đường/lần mua…. Theo các siêu thị, đây là biện pháp đối phó tình trạng đầu cơ hàng bình ổn giá từ một số cửa hàng bán lẻ mua đi bán lại.
 
Trước tình hình giá cả biến động như trên, đại diện Sở Công thương TPHCM cho hay, việc chi tiêu của người dân cũng như việc kinh doanh của các siêu thị gặp nhiều khó khăn. Trong thời điểm này sẽ khó tránh việc các cửa hàng bán lẻ sẽ gom hàng, đầu cơ các mặt hàng bình ổn.
 
Đà Nẵng: Bà nội trợ chóng mặt vì tăng giá
 
Không phải vùng mưa lũ nhưng người dân Đà Nẵng vẫn chóng mặt với tình trạng giá cả leo thang từng ngày.
 
Theo một số tiểu thương, đợt mưa lũ tại Nam Trung bộ vừa qua đã khiến đường sá bị ách tắc dẫn đến nhiều xe vận chuyển rau, củ, quả từ Đà Lạt ra bị kẹt. Chưa hết, các đầu mối cung cấp rau xanh thường xuyên cho Đà Nẵng là Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực ngoại thành cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều đợt mưa kéo dài khiến rau xanh bị hư hỏng và trở nên khan hiếm.
 
Biến động giá tiêu dùng trên quy mô toàn quốc - 3
Giá các loại rau củ quả tăng vù vù (ảnh: Thành Chung)
 
Cũng do mưa nhiều, việc ra khơi khó khăn nên giá một số mặt hàng thủy hải sản trên địa bàn đã tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, tôm sú biển loại ngon có giá 350.000 đồng/kg, tôm sú nuôi có giá 180.000 đồng/kg, tôm bạc 250.000 đồng/kg đều tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; một số loại cá biển khác như: cá thu, cá ngừ... cũng nhích lên từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
 
Ông Nguyễn Duy Thanh, cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết: “Lượng rau xanh ngoại tỉnh nhập về chợ này hiện giảm khoảng 40% so với trước mưa lũ. Bình thường, mỗi ngày rau, củ, quả từ các tỉnh phía Nam và phía Bắc về chợ khoảng 18 xe (270 tấn), trái cây về 9 xe (135 tấn) nhưng mấy ngày vừa qua chỉ còn 12 xe (180 tấn), trái cây về 6 xe (90 tấn)”.
 
Hiện giá lương thực, thực phẩm tại các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu (Thừa Thiên Huế) đều đồng loạt tăng nên sức mua giảm. Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều tiểu thương đắp chăn nằm ngủ trên sạp hàng vì ít người mua.
 
“Ở đây bán chủ yếu là sinh viên bữa nay giá lên cao, nhiều em ra mua khi hỏi giá thì lắc đầu quay về. Hàng đợt này ế ẩm lắm, chú đừng hỏi nữa mà tôi thêm đau lòng” - chị Lê Thị Ty, một tiểu thương bán gạo cho biết.
 
Tại tỉnh Quảng Nam giá gạo tăng 2, 3 ngày một lần khiến người tiêu dùng chóng mặt! Chị Phạm Thị Nhương (một chủ hàng bán gạo sỉ tại Hội An) cho biết: “Từ gần nửa tháng nay, cứ cách 2 - 3 ngày là tăng một giá. Như gạo lúa quê mình trước đây chỉ có 8.000 đồng/kg, tăng lên 8.400 đồng/kg, rồi lên 9.000 đồng, đến bữa nay (8/11) đã là 12.000 đồng/kg”.
 
Giá các mặt hàng thực phẩm ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã không ngừng tăng cao trong những ngày mưa lũ và tính đến ngày 8/11, mặc dù mưa lũ đã dứt, nhưng giá thực phẩm thì vẫn rục rịch tăng thêm.
 
Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP Nha Trang, những mặt hàng tăng giá vẫn chủ yếu là các loại rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống. Giá các loại rau nhìn chung tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó Giám đốc Siêu thị Maximax Nha Trang, cho biết: Những ngày qua, các mặt hàng thực phẩm bán ra tại siêu thị tăng 50% so với bình thường, đa số khách hàng mua rau, củ, quả. Tại siêu thị, nhiều mặt hàng khác vẫn giữ giá ổn định, riêng các loại rau xanh thì tăng từ 10 - 20%...
 
Hơn 1 tuần nay, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường Nghệ An đều tăng giá. Ghi nhận của PV tại chợ Vinh giá cả các mặt hàng thực phẩm đều có xu hướng nhích dần: Dầu ăn tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/can 5 lít, đường tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg... Chị Nhi (tiểu thương ở chợ Vinh) cho biết: “Đường và dầu ăn tăng liên tục, chỉ trong vòng 2 ngày nay đã tăng 4 lần”.
 
Tại siêu thị Intemex một số mặt hàng vẫn ổn định giá nhưng các mặt hàng như thực phẩm tươi, rau và dầu ăn đều tăng từ 10 - 15%.
 
Ông Dương Thanh Hùng - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Chi Cục quản lý thị trường Nghệ An cho hay: “Hiện giá cả thị trường Nghệ An đang có dấu hiệu chững lại và tăng không đáng là bao so với thời điểm trước và giữa mưa lũ”.
 
Tại Hà Tĩnh: Khảo sát một lượt tại chợ thành phố Hà Tĩnh cho thấy, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá. Nhiều loại rau như rau muống, rau khoai, rau cải, các loại rau sống tăng gấp đôi, các mặt hàng tạp hoá cũng tăng khá cao.
 
Tính từ ngày lũ lụt đến nay, đây là lần thứ 2 mỳ tôm tăng giá, từ 60.000 đồng lên 62.000 đồng và nay là 67.000 đồng/thùng. Riêng dầu ăn, đã tăng đến lần thứ 3, từ 26.000 đồng lên 28.000 đồng và nay là 30.000 đồng/lít.
 
Tại các huyện vùng lũ, vùng xa trung tâm, đời sống người dân càng trở nên khó khăn hơn không chỉ vì giá mà còn không đủ thực phẩm xanh để cung cấp cho người dân.
 
Tại các chợ và siêu thị ở Quảng Ngãi, hầu như giá cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng nhẹ, trung bình khoảng từ 5 - 10%. Nguyên nhân tăng giá các mặt hàng là do ảnh hưởng mưa bão, áp thấp nhiệt đới và cũng cận kề Tết Dương lịch.
 
Nhóm Phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm