1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

BIDV, Vietcombank, VietinBank gây bất ngờ

Thảo Thu

(Dân trí) - Tổng lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank đạt trên 46.448 tỷ đồng, tương ứng 2 tỷ USD quy đổi. Tuy nhiên, chất lượng tài sản các nhà băng dường như có phần xấu đi.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm. Trong khi một số ngân hàng tư nhân như Techcombank, LPBank, TPBank, ABBank… cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại thì nhóm ngân hàng quốc doanh cho thấy con số ngược lại.

So với cách đây 2 năm, lợi nhuận quý I của BIDV, VietinBank, Vietcombank tăng hơn gấp đôi.

Vietcombank ngôi đầu lợi nhuận nhưng thấp nhất 4 quý

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố của Vietcombank, quý II năm nay, ngân hàng tiếp tục giữ "ngôi vương" lợi nhuận với 9.047 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cách biệt lớn so với những ngân hàng còn lại.

Chưa kể, nhà băng này còn "khoản để dành" lớn khi tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng luôn đạt mức cao nhất hệ thống.

Mức tăng của Vietcombank cao hơn mức cùng kỳ năm trước nhưng thực tế lại thấp nhất 4 quý trở lại đây, cho thấy phần nào sự giảm tốc.

Còn tại BIDV, lợi nhuận trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận xếp thứ 2 nhưng mức tăng lợi nhuận lại thấp nhất trong số 3 ngân hàng quốc doanh đã công bố báo cáo tài chính.

Quý I liền trước, BIDV là ngân hàng quốc doanh bứt phá mạnh nhất, với mức lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng gần 53%, lên 5.940 tỷ đồng.

BIDV, Vietcombank, VietinBank gây bất ngờ  - 1

Nửa đầu năm, 3 ông lớn quốc doanh lãi 2 tỷ USD (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.550 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ, xếp thứ 3 trong nhóm quốc doanh công bố báo cáo tài chính. Phần lớn các mảng kinh doanh của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng dương trong quý II.

Tính chung 2 quý đầu năm nay, Vietcombank đạt 20.056 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ. Con số này ở BIDV là 13.862 tỷ đồng, tăng 26%. Còn ở VietinBank là 12.531 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 8%.

Như vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng có vốn Nhà nước đạt trên 46.448 tỷ đồng, tương ứng 2 tỷ USD.

Chất lượng tài sản xấu đi?

Vietcombank đạt lợi nhuận cao nhất, nhưng cũng là đơn vị duy nhất trong 3 nhà băng sụt giảm tổng tài sản.

Tổng tài sản Vietcombank đến hết ngày 30/6 đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, giảm tới 6% so với đầu năm.

BIDV có tổng tài sản lớn nhất toàn ngành, đạt trên 2,12 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% sau 6 tháng.

Còn ở VietinBank, tổng tài sản đạt trên 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,9%.

*Chỉ tiêu tổng tài sản các ngân hàng (đơn vị: triệu tỷ đồng)

 Ngân hàng  Tại 30/6/2023 Tại 31/12/2022 Thay đổi (%)
 Vietcombank 1,704 1,812- 6
 VietinBank 1,86 1,8 2,9
 BIDV 2,124 2,12 0,2

Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng cũng là khoản chi phí quan trọng. Danh mục cho vay khách hàng được phân loại làm 5 nhóm, tương ứng với khả năng thu hồi nợ khác nhau. Ngân hàng phải trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro.

VietinBank là đơn vị duy nhất trong 3 nhà băng sụt giảm ở chỉ tiêu này, còn 29.228 tỷ đồng, tức giảm 1,8%. Còn lại tại Vietcombank, dự phòng rủi ro khách hàng tăng 52,3%, lên 37.737 tỷ đồng. Ở BIDV, khoản dự phòng là 29.619, tức tăng 3,6%.

Chất lượng tài sản của các ông lớn quốc doanh có phần xấu đi. Theo đó, cả 3 ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng.

BIDV, Vietcombank, VietinBank gây bất ngờ  - 2

Chất lượng tài sản của các ngân hàng có phần xấu đi (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại VietinBank, nợ xấu tăng 9,5% so với cuối năm trước, ở mức 17.309 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng hơn 50% nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng nhẹ, từ 1,24% lên 1,27%.

Số dư nợ xấu của BIDV tăng hơn 47%, lên 25.970 tỷ đồng. Một nửa trong đó là nợ nhóm 5 với gần 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,59%, tăng so với mức 1,16% cuối năm trước.

Nợ xấu của Vietcombank trên tổng dư nợ khách hàng ở mức thấp nhất trong 3 nhà băng, nhưng vẫn tăng 25,1% so với cuối năm ngoái, lên 9.783 tỷ đồng. Nợ xấu tăng tại nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4, trong khi giảm ở nhóm 5, khiến tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 0,68% cuối năm ngoái lên 0,83%.

Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất?

BIDV là nhà băng đang cho vay nhiều nhất. Số dư cho vay khách hàng đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng tại cuối quý II, tăng 7% so với đầu năm và thực hiện được một nửa hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ. Tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng 4,9% trong nửa đầu năm, đạt hơn 1,54 triệu tỷ đồng.

Xếp thứ 2 trong nhóm cho vay nhiều là VietinBank. Số dư cho vay khách hàng của nhà băng này đạt gần 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2022. VietinBank hút 1,31 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 4,9%.

Số dư cho vay khách hàng của Vietcombank đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 2,9%. Tiền gửi của khách hàng tăng 6,7%, lên gần 1.3 triệu tỷ đồng.

Agribank - nhà băng còn lại nhóm quốc doanh - hiện chưa công bố kết quả kinh doanh. Năm ngoái, đơn vị này lãi trước thuế năm 2022 đạt 22.087 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước đó, đứng thứ 5 về lợi nhuận toàn ngành, sau Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm