1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

BIDV: Những dấu ấn nổi bật trong năm 2017

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam có những cải thiện đáng kể: GDP tăng 6,81%, giải ngân FDI đạt 17,5 tỷ USD, VNIndex tiến sát 1000 điểm, trong đó có những đóng góp không nhỏ của ngành ngân: Huy động vốn toàn ngành tăng 16%; Tín dụng tăng 19%. Trong khối ngân hàng, đáng chú ý, Ngân hàng Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã ghi được nhiều dấu ấn, đóng góp chung vào kết quả của khối ngân hàng. Dưới đây là 10 điểm nổi bật trong kết quả sản xuất, kinh doanh của BIDV:


BIDV có một năm tăng trưởng ấn tượng

BIDV có một năm tăng trưởng ấn tượng

1. Hoàn thành thắng lợi vượt trội nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch

Tổng tài sản đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016; tiếp tục khẳng định vị thế Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt 934.111 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%, chiếm 12,5% Huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với 2016; trong đó cho vay nền kinh tế đạt 862.604 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, chiếm 13,12% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.

Hiệu quả hoạt động ngày càng bền vững; chênh lệch thu chi đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra...

Nộp Ngân sách Nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng, đứng trong top đầu các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước.

2. Thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sự phát triển của các địa phương

Chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 35, Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu năm, BIDV đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp cao).

BIDV tích cực kết nối, phát triển khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp... Nghiên cứu cải cách thủ tục cấp tín dụng hướng tới xây dựng quy trình gọn nhẹ, đơn giản phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp cùng các chương trình tín dụng linh hoạt về lãi suất, điều kiện tài sản bảo đảm.

BIDV cũng tích cực tham gia tài trợ, phối hợp tổ chức nhiều chương trình lớn của quốc gia; tham gia các Diễn đàn xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; tài trợ vốn cho các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia...

3. Cơ cấu lại toàn diện, mạnh mẽ hoạt động gắn với xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phục vụ khách hàng

BIDV đã xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại giai đoạn 2 (2016-2020) theo Đề án 1058 của Chính phủ, gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cơ cấu lại nền khách hàng với điểm nhấn tăng trưởng khách hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp nước ngoài; giảm dần tỷ trọng của khách hàng doanh nghiệp lớn. Trong đó, nền khách hàng cá nhân đạt hơn 10 triệu khách hàng, tương ứng trên 10% dân số, tăng 14% so với năm 2016. Nền khách hàng SME tăng trưởng 14%, đạt khoảng 236.000 khách hàng, chiếm 98% tổng số khách hàng doanh nghiệp BIDV, là đơn vị dẫn đầu hệ thống các Ngân hàng thương mại về quy mô hoạt động phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với phân khúc khách hàng FDI, năm 2017, BIDV đã ký kết hợp tác phát triển với với các tổ chức, ngân hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… nâng tổng số lượng khách hàng FDI đạt gần 3.000 khách hàng, gia tăng 20% so với năm 2016...

Sắp xếp, củng cố và phát triển mạng lưới kinh doanh nhằm gia tăng khả năng phục vụ khách hàng. Thành lập 39 Phòng giao dịch, nâng tổng số thành 191 chi nhánh và 854 Phòng giao dịch. Phát triển mạnh kênh phân phối hiện đại với 1.825 ATM và khoảng 56.000 POS; chính thức triển khai hệ thống Contact Center với chức năng tiên tiến, hiện đại; triển khai thành công Chi nhánh trực tuyến trên Facebook, đa dạng cách thức tiếp cận của khách hàng với ngân hàng...

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, BIDV đã hoàn thiện và đưa vào triển khai đề án “Chiến lược phát triển của BIDV tại Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2017 - 2021” nhằm nâng cao khả năng khai thác các tiềm năng thị trường; hỗ trợ đắc lực để thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

BIDV đã tích cực triển khai các biện pháp tăng vốn điều lệ theo lộ trình, thực hiện tiếp xúc, làm việc với các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng; xúc tiến chuẩn bị các công việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

BIDV cơ cấu lại toàn diện danh mục đầu tư theo hướng gia tăng hiệu quả với cơ cấu danh mục đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh dài hạn.

4. Hoạt động bán lẻ phát triển toàn diện, vượt bậc cả về quy mô, hiệu quả, chất lượng

Hoạt động bán lẻ của BIDV không ngừng được củng cố và vững chắc với các bước phát triển vượt bậc về quy mô, hiệu quả, chất lượng. Kết thúc năm 2017, Huy động vốn dân cư đạt: 523.643 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3%, chiếm 56% tổng Huy động vốn. Tín dụng bán lẻ đạt 238.526 tỷ đồng, tăng trưởng 33%, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng. Thu nhập ròng bán lẻ tăng trưởng 35% so với năm 2016.

Dịch vụ Ngân hàng điện tử có sự đột phá về số lượng giao dịch, đạt 41 triệu giao dịch, gấp đôi số lượng giao dịch năm 2016. Tổng cộng lượt khách hàng đăng ký mới dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2017 đạt trên 2,1 triệu lượt, tăng 37% so với năm 2016, trong đó tăng trưởng dịch vụ BSMS đạt cao nhất từ trước đến nay (khoảng 1 triệu khách hàng tăng mới). Số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua kênh NHĐT chiếm 45% tổng giao dịch chuyển tiền đi toàn hệ thống BIDV (trong đó số lượng giao dịch chuyển tiền đi của BIDV qua Napas đạt 3,3 triệu, tăng 3,5 lần so với năm 2016); BIDV xếp thứ 1 về số lượng và giá trị giao dịch, chiếm 22,25% tổng số lượng giao dịch toàn thị trường qua kênh Napas.

Hoạt động kinh doanh thẻ có sự tăng trưởng tốt: thu nhập thuần hoạt động thẻ tăng trưởng 37% so với 2016; doanh số thanh toán thẻ tín dụng tăng trưởng trên 47%; tổng doanh số sử dụng thẻ tăng trưởng khoảng 25%; mức tăng ròng thẻ nợ nội địa cao gấp 1,37 lần so với 2016.

Hoạt động bán lẻ của BIDV được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận như: lần thứ ba liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” và lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng có sản phẩm cho vay nhà ở tốt nhất Việt Nam” (Tạp chí The Asian Banker); lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu nhất” và “Ngân hàng có Sản phẩm dịch vụ Sáng tạo độc đáo năm 2017 với sản phẩm BIDV SmartBanking” (VNBA & IDG); “Ngân hàng có doanh số thẻ tín dụng phân khúc khách hàng phổ thông lớn nhất” và “Ngân hàng vận hành thẻ tín dụng hiệu quả nhất” (VISA); “Ngân hàng có doanh số giao dịch thương mại điện tử cao nhất” (Mastercard).

5. Thu nhập ròng hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ đạt kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập của BIDV

Hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ năm 2017 tạo được bước phát triển đột phá với kết quả kinh doanh xuất sắc: tổng thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ lần đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm qua, tăng trưởng 36,7% so với 2016.

Năm 2017, hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ tiếp tục được các tổ chức quốc tế ghi nhận, vinh danh với gần 20 giải thưởng uy tín. Trong đó, lần thứ 5 nhận giải thưởng quốc tế “Ngân hàng cung cấp các sản phẩm phái sinh tốt nhất Việt Nam” (Tạp chí Asia Risk); nhận giải thưởng “Nhà tư vấn phát hành trái phiếu tốt nhất Việt Nam 2017” (Tạp chí Finance Asia), nhận giải thưởng “Ngân hàng giao dịch trái phiếu tốt nhất Việt Nam 2017” (Tạp chí Global Banking and Finance), 12 giải thưởng dành cho dòng sản phẩm có thu nhập cố định”...


Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV trong năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV trong năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch

6. Hoạt động của khối công ty, liên doanh ổn định, tích cực với điểm nhấn kết quả kinh doanh tốt của BSC, BIC và sự ra đời của liên doanh BSL

Với sự phát triển khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017, hoạt động của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã đạt được những kết quả ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế của BSC đạt 190 tỷ đồng, hoàn thành hơn 220% kế hoạch năm.

Tổng công ty Bảo hiểm BIC đạt lợi nhuận trước thuế 186 tỷ đồng; đứng thứ 5 trong top 10 công ty bảo hiểm uy tín nhất Việt Nam;

Tháng 9/2017, BIDV đã tiến hành khai trương đưa vào hoạt động Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL) – liên doanh giữa BIDV và SuMi TRUST - ngân hàng tín thác hàng đầu Nhật Bản. Công ty liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới và sự thay đổi trên thị trường cho thuê tài chính Việt Nam.

Hoạt động của các đơn vị như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB), Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB) tiếp tục ổn định,...

7. Tiếp tục đổi mới mô thức quản trị, điều hành hệ thống; phân định thẩm quyền trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban điều hành; hoàn thiện các chính sách quản lý, cơ chế phân cấp ủy quyền; tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ, kiểm soát rủi ro an toàn hệ thống

Tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 và kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Tiếp tục đổi mới công tác quản trị điều hành tiến dần theo thông lệ quốc tế với việc tổ chức các phiên họp định kỳ của Ban lãnh đạo, các phiên làm việc để thảo luận, thông qua các giao dịch lớn, phức tạp; đảm bảo phân cấp và phân định rõ chức trách, nhiệm vụ giữa Hội đồng quản trị , Ban điều hành trong quản lý và điều hành hoạt động ngân hàng.

Công tác quản trị điều hành tập trung vào việc chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng cường kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tăng cường huy động vốn với chi phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản và an toàn toàn hệ thống; tập trung triển khai phương án cơ cấu lại lại BIDV giai đoạn 2 gắn với xử lý nợ xấu, trích dự phòng rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, tập trung tiết giảm chi phí hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; thực hiện nghiêm túc cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, tinh giản lao động, tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai Ngân hàng số…

Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch hoạt động trên thị trường; thực hiện kiểm toán và định hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế. Năm 2017, BIDV được các tổ chức định hạng toàn cầu như Moody’s, Standard & Poor’s đánh giá “tích cực”, “triển vọng”...

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Ngân hàng; vận hành an toàn, triển khai các dự án công nghệ hỗ trợ thông suốt mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngân hàng của BIDV

Tập trung triển khai các dự án CNTT có tầm ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành của BIDV, như: Dự án Chuyển đổi hệ thống Corebanking; các dự án phục vụ phát triển ngân hàng điện tử, hệ thống thẻ, dự án thay thế hệ thống Tài trợ thương mại, dự án trang bị mới hệ thống Quản lý khoản vay, trang bị hệ thống quản trị nhân sự tổng thể, hệ thống Webportal; dự án Khung quản trị dữ liệu toàn hàng, triển khai tích hợp MIS lần 1...

Tiếp tục phát huy vị thế là Ngân hàng giữ vững vị trí số 01 trong suốt 10 năm liên tiếp (từ 2007 đến nay) về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (VietNam ICT Index), BIDV đã chú trọng đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ Tài chính ngân hàng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2017, BIDV đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao như: BUNO – chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, Thanh toán qua Samsung Pay, Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 trên các kênh internet, di động và ATM, Dịch vụ nộp thuế Hải qua điện tử 24/7, Sản phẩm BIDV SmartBanking; Thanh toán sử dụng QR code; Thẻ dành cho giới trẻ Young+...

Đến nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ là 3,52 sản phẩm/1 khách hàng (tăng 6% so với năm 2016).

Các hoạt động hỗ trợ kinh doanh phục vụ thanh toán trong nước, quốc tế, hạch toán kế toán,... an toàn, liên tục và thông suốt trong môi trường an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp; vận hành đạt hiệu suất gần 100% và không phát sinh sự cố làm gián đoạn hoạt động trên toàn BIDV. Hệ thống Ngân hàng cốt lõi SIBS quản lý đạt trên10 triệu khách hàng; số lượng giao dịch trong năm 2017 đạt gần 2,5 tỷ giao dịch (tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2016), bình quân đạt khoảng 7,2 triệu giao dịch/ngày, trong đó xác lập kỷ lục với 16 triệu giao dịch trong ngày 29/12/2017.

Hệ thống công nghệ thông tin của BIDV được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận như: Giải thưởng Công nghệ thông tin – Truyền thông Asean 2017 (ASEAN ICT Awards 2017), lần thứ ba liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng Việt Nam tốt nhất về Công nghệ và Vận hành” do Tạp chí Asian Banking & Finance – ABF trao tặng; lần thứ ba liên tiếp nhận giải thưởng Sao khuê năm 2017 với Hệ thống đăng ký dịch vụ trực tuyến và Hệ thống quản lý hóa đơn VAT…

9. Hoạt động đối ngoại tạo lập những điểm nhấn tiêu biểu

Hoạt động của BIDV được ghi nhận tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Myanmar trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 2 quốc gia - là sự khẳng định vai trò, nỗ lực và những đóng góp của BIDV sau nhiều năm hợp tác, hiện diện tại các thị trường này.

BIDV cũng mở rộng và tăng cường hợp tác với các ngân hàng lớn trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Năm 2017, BIDV đã tích cực tham gia và góp phần vào thành công chung của các sự kiện đối ngoại của đất nước và của ngành Ngân hàng: Đồng tài trợ Hội nghị APEC 2017; Phát huy vai trò Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) lần thứ 47; tham gia tổ chức Diễn đàn thanh toán điện tử...

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán quốc tế, ngân hàng đại lý; duy trì quan hệ hợp tác với hơn 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu...

10. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động; bồi đắp giá trị văn hóa doanh nghiệp và thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng

BIDV tiếp tục duy trì môi trường lao động chuyên nghiệp, văn minh, vì sự phát triển con người; đảm bảo việc làm, thu nhập và cơ hội thăng tiến cho cán bộ nhân viên BIDV. Năm 2017, BIDV bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 1.129 cán bộ cấp cao, cấp trung; tổ chức 355 khóa đào tạo với 27.818 lượt cán bộ tham gia, trong đó có 68 khóa đào tạo online với 15.777 lượt cán bộ tham gia; tổ chức thành công khóa đào tạo “Lãnh đạo Ngân hàng tương lai” thứ 6 với sự tham gia của 86 học viên - là khóa học có kết quả đào tạo tốt nhất trong suốt 6 khóa đã tổ chức...

Với những nỗ lực đó, BIDV đã được vinh danh là “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017.

BIDV cũng đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập BIDV với quy mô toàn hệ thống và Lễ kỷ niệm tại 12 chi nhánh tiêu biểu; Hoàn thành nội dung cuốn sách Lịch sử BIDV 1957-2017; tổ chức Đại hội Chi bộ các cấp, Đại hội Công đoàn các cấp, Đại hội Đoàn thanh niên; tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ... Các hoạt động này góp phần bồi đắp giá trị văn hóa doanh nghiệp và tình đoàn kết trong ngôi nhà chung BIDV.

Với tấm lòng và trách nhiệm vì cộng đồng, bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, BIDV tiếp tục dành ngân sách hoạt động, quyên góp ủng hộ của cán bộ nhân viên, người lao động để triển khai thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực; bàn giao 412 phòng/lớp học và 25 công trình/chương trình giáo dục; 87 công trình/chương trình y tế; 323 căn nhà đại đoàn kết..v.v... Tổng kinh phí cam kết hỗ trợ trong năm 2017 là 350 tỷ đồng.

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm