Bị “tố” tận thu phí, ngân hàng kêu “oan”
Giám đốc Ngân hàng số BIDV thừa nhận, cách thu phí của các ngân hàng hiện nay chưa thông minh, nhưng không có chuyện các ngân hàng đang “tận thu”.
Ngân hàng đang "tận thu"?
Mua một chai nước lọc với giá 10.000, vì không có tiền mặt nên ông N.H (Hà Nội) nên ông H được chủ cửa hàng gợi ý, chuyển khoản để thanh toán hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, sau một hồi cân nhắc, thay vì chuyển tiền cho người bán, vị khách hàng này đi vay tiền mặt.
"Tôi mua hàng mất 10.000 đồng, thanh toán bằng tiền mặt thì 10.000 đồng chỉ mất đúng 10.000 đồng. Nhưng nếu tôi thực hiện chuyển khoản thì tôi phải mất thêm khoảng 3.000 tiền phí giao dịch chuyển khoản, tức là 30% giá trị của món hàng. Vô lý quá. Vì vậy, tôi đã mượn ông lái xe 10.000 đồng để thanh toán chứ không chuyển khoản dù biết rằng hành động đó đang đi ngược với chủ trương của Chính phủ là tiến tới một xã hội phi tiền mặt", ông H. chia sẻ.
Câu chuyện của ông N.H không phải là cá biệt. Một thống kê gần đây cho thấy, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên. Đến cuối tháng 6, đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6%). Tuy nhiên, vẫn có tới hơn 80% giao dịch chi tiêu hàng ngày của người dân vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.
Nhìn nhận về thực tế này, Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện nay các ngân hàng đang đưa ra rất nhiều loại phí, khiến khách hàng ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng. Các loại phí phổ biến hiện nay như phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền, phí rút tiền…Điều này làm trở ngại cho quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, TS Hiếu cho biết, tại Mỹ, khi phát hành thẻ cho khách hàng không có một ngân hàng nào thu phí. Trong khi đó, tại Việt Nam dù phát hành thẻ cũng phải thu từ mấy nghìn đến mấy chục nghìn tiền phát hành thẻ. Bởi các ngân hàng Mỹ nghĩ rằng, việc phát hành thẻ ATM cho khách hàng là chuyện đương nhiên.
"Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng và các ngân hàng sử dụng chính số tiền đó để sinh lợi. Vì vậy, ngân hàng sẽ trả lại cho khách hàng bằng cách phục vụ ATM, phát hành thẻ ATM cho khách hàng nên không ngân hàng thu phí. Cũng không ngân hàng nào bắt khách hàng phải trả phí in sao kê tài khoản của khách hàng…", ông Hiếu bày tỏ.
"Tôi hiểu rằng, trong đề án tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng hãy ra khỏi "độc canh tín dụng" và tìm kiếm lợi nhuận từ phí dịch vụ. Điều đó tốt nhưng hình như ngân hàng đang "tận thu"", vị chuyên gia này thông tin thêm và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, ngân hàng càng nên hỗ trợ khách hàng, phí sử dụng tài khoản hãy giảm tới mức tối đa đến mức có thể. Thay vào đó, ngân hàng nên tăng cường các loại phí khác, đặc biệt là phí bảo lãnh – đó sẽ là nguồn thu tốt cho các ngân hàng.
Ngân hàng thu phí chưa thông minh
Dưới góc nhìn của một ngân hàng thương mại, Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng phản biện, việc thu phí hiện nay của các ngân hàng nhiều khi cảm giác như ngân hàng đang tận thu nhưng theo ông Thắng thực tế lại không phải như vậy.
Ông Thắng phân tích, hiện nay tỷ trọng thu từ phí của các ngân hàng Việt Nam, trong đó có cả ngân hàng lớn như BIDV không quá 10% trong tổng thu nhập của ngân hàng – đó là mức rất thấp. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của các ngân hàng là đang tìm kiếm nguồn thu từ các nguồn khác không phải từ phí.
Điểm thứ hai ông Thắng đưa ra, đó là một giao dịch chuyển khoản ngân hàng đã phải chi ra thấp nhất là 5.000 đồng. Như vậy, so với mức chi phí thu từ khách hàng, khoản phí thực nhận của ngân hàng là không có.
Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, cách thu phí của các ngân hàng hiện nay chưa thông minh. Tức là các ngân hàng đang cào bằng trong việc thu phí của tất cả các khách hàng thay vì có sự phân loại theo hướng thu ai, thu thời điểm nào và loại dịch vụ gì. Do đó, mới dẫn đến việc một giao dịch 10.000 đồng mà phí mất tới 30% giá trị món hàng – một con số khủng khiếp theo nhìn nhận của ông Thắng.
Cũng theo vị Giám đốc Ngân hàng số BIDV, các ngân hàng đã nhìn nhận ra vấn đề này và sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, nếu nói ngân hàng tại Việt Nam thu nhiều phí là cũng hơi "oan".
"Tôi có nghiên cứu cách thu phí tại các quốc gia khác. Đơn cử như Mỹ, họ thu ít loại phí nhưng "thu ra thu" và cách thu của họ khiến cho người tiêu dùng dễ chịu hơn. Ví dụ như phí quản lý tài khoản sẽ thu dựa theo mức duy trì số dư tài khoản của khách hàng…
Với Việt Nam, một phần cũng là do hoàn cảnh. Mọi người đều nói, thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp nếu thu một khoản tiền lớn một lúc thì người dân cũng rất e ngại. Do đó, các ngân hàng trong nước cần chia nhỏ các dịch vụ", ông Dũng phân tích.
Cũng phải thẳng thắn rằng, nhiều ngân hàng hiện nay đã đưa ra các gói giao dịch với phí 0 đồng tức là thanh toán không bị bó buộc bởi các phí giao dịch.
Tất nhiên ngân hàng sẽ có nguồn lợi khác. Đó là khi khách hàng chuyển sang sử dụng ngân hàng số nhiều hơn, ngân hàng sẽ có nguồn thu từ số dư của các tài khoản nhiều hơn, trên cơ sở đó ngân hàng có thể khai thác nguồn vốn nhàn rỗi đó.
"Thanh toán sẽ trở thành 1 loại hàng hóa bình thường chứ không phải nguồn thu lợi của ngân hàng. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng khác như bảo hiểm, bán chéo sản phẩm…", ông Dũng cho hay.