1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bí thư Đinh La Thăng: “Ngân hàng mà chỉ cạnh tranh bằng cho vay lấy lãi là… vứt đi”

(Dân trí) - “Đáng ra doanh thu phải từ dịch vụ như các ngân hàng nước ngoài thì mình chủ yếu thu từ lãi suất. Năng lực cạnh tranh quyết định bởi sản phẩm. Ngân hàng mà chỉ cạnh tranh bằng cho vay lấy lãi là vứt đi”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Sáng 17/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM… đã có buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Khi nghe con số doanh thu dịch vụ 15%, Bí thư Đinh La Thăng liền yêu cầu lãnh đạo SHB phải có lộ trình làm sao để tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Theo Bí thư Thăng, không riêng gì SHB, cái yếu nhất của các Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) nước ta là quá chú trọng và chỉ dựa vào nguồn thu tín dụng mà bỏ quên các dịch vụ như thanh toán quốc tế, chuyển tiền, kinh doanh ngoại hối…

Bí thư Đinh La Thăng: “Ngân hàng mà chỉ cạnh tranh bằng cho vay lấy lãi là… vứt đi” - 1

Bí thư Đinh La Thăng trò chuyện với khách hàng giao dịch tại SHB

“Đáng ra doanh thu phải từ dịch vụ như các ngân hàng nước ngoài thì mình chủ yếu thu lãi. Năng lực cạnh tranh của ngân hàng quyết định bởi sản phẩm. Phải làm sao nói đến SHB là người ta nghĩ ngay đến sản phẩm gì đặc trưng, khác biệt chứ không phải chỉ nhớ có ông bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB). Ngân hàng mà chỉ cạnh tranh bằng cho vay lấy lãi là vứt đi. SHB cần tăng tỉ trọng dịch vụ ngân hàng lên gấp 3 lần hiện nay là 45-50%. Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng nếu quyết tâm thì làm được”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bí thư Đinh La Thăng cũng liên tục đưa ra các câu hỏi cũng như gợi ý cho chiến lược kinh doanh của SHB. Ông Thăng đề nghị SHB nên chú trọng đến việc hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ; quan tâm đến quá trình khởi nghiệp; giúp thương mại các ý tưởng, sáng chế khoa học...

Ông Thăng cho biết, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Xác định kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy kinh tế đất nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hiện rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ gặp khó khăn trong khâu tiếp cận vốn.

Bí thư chỉ đạo ngân hàng thương mại cần tập trung và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ... tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, khuyên SHB nên khởi xướng thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, tham gia vào làn sóng khởi nghiệp…

TPHCM đi đầu cả nước thì các ngân hàng cũng mạnh dạn, đột phá. Từ đó, góp phần hoàn thiện thể chế, áp dụng cho cả nước. TPHCM là nơi có khát vọng làm giàu, khát vọng kinh doanh hơn hẳn chỗ khác, đồng tiền trong dân rất mạnh mà chưa huy động được. Phải tạo niềm tin, khát vọng để họ bỏ tiền ra làm giàu. Hơn nữa, TPHCM có lực lượng trí thức cực kỳ lớn, nguồn chất xám, nhân lực chất lượng cao, có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi thì không lý do gì năng lực cạnh tranh của TPHCM lại thấp. Tuy nhiên, nuốn năng lực cạnh tranh của TPHCM cao thì bản thân các doanh nghiệp, ngân hàng phải cao.

Bí thư Đinh La Thăng: “Ngân hàng mà chỉ cạnh tranh bằng cho vay lấy lãi là… vứt đi” - 2

Bí thư Đinh La Thăng gợi mở nhiều hướng kinh doanh cho SHB

“Hãy góp phần cùng TPHCM tạo ra làn sóng khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ, thậm chí đối với học sinh cấp 2, 3. Phải là thành phố khởi nghiệp, đất nước khởi nghiệp thì mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa được”, Bí thư Thăng khẳng định.

“Nói đến SHB không phải chỉ nói đến bóng đá vì ở đó có ông bầu bóng đá mà phải có cái gì đó riêng của mình. Tôi đề nghị nâng slogan hiện nay từ “Đối tác tin cậy, giải pháp phù hợp” thành “Đối tác tin cậy, giải pháp tối ưu” mới chuẩn”, Bí thư Thăng gợi ý.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB đã xin địa chỉ của những sinh viên có bằng sáng chế mà chưa được thương mại hóa để giúp phát minh đó được đi vào cuộc sống. Ông Hiển hứa sẽ thực hiện “Ngay và Luôn” theo đúng tinh thần của Bí thư Thăng.

TS Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, trong hệ thống Ngân hàng TMCP của Việt Nam, trên 70% nguồn thu từ tín dụng, 30% còn lại bao gồm kinh doanh ngoại hối (10%) và dịch vụ khác (gồm thanh toán quốc tế, chuyển tiền, giữ hộ, thu hộ) chiếm khoảng 20% trở xuống. Ngân hàng nào hoành tráng lắm thì nguồn thu dịch vụ cũng chỉ 20%, còn trung bình 10-15%.

Nguồn thu của Ngân hàng TMCP ở Việt Nam khác các ngân hàng nước ngoài. Cơ cấu lợi nhuận nhà băng ngoại ngược lại với nước ta. Ngân hàng nước ngoài chỉ có 20% nguồn thu từ tín dụng, nhưng 80% từ dịch vụ. Chủ trương, định hướng của NHNN Việt Nam là chuyển dần nguồn thu từ tín dụng qua dịch vụ.

Quang Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm