Bí quyết làm giàu của “nữ hoàng” mộc nhĩ

Từ buôn nấm, chị Nguyễn Thị Huyền, 37 tuổi, ở thôn Thượng Thuận, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) chuyển sang trồng nấm và có những sáng tạo trong nghề.


Chị Nguyễn Thị Huyền cùng công nhân đặt phôi giống mộc nhĩ trước khi treo lên giàn. Ảnh:  Việt Tùng

Chị Nguyễn Thị Huyền cùng công nhân đặt phôi giống mộc nhĩ trước khi treo lên giàn. Ảnh:  Việt Tùng

Chị Huyền cho biết, trước khi đến với nghề trồng nấm, chị đã từng làm nghề buôn gia vị, hàng nông sản khô, trong đó có mộc nhĩ. Năm 2007, thấy ở các làng nghề mộc quanh vùng, mùn cưa cho chẳng ai thèm lấy, phải đốt bỏ, tiếc của chị quyết tâm học trồng nấm.

Chị Huyền tâm sự: “Sau gần 1 năm vừa buôn nấm, vừa đến các cơ sở lân la học hỏi, năm 2008, tôi quyết định dành cả khu vườn nhà để trồng nấm”. Khởi đầu chưa có vốn, kinh nghiệm còn non, chị chỉ trồng 5.000, rồi tăng lên 10.000, 20.000 bịch phôi/lứa. Sau 2 năm cần mẫn, vừa làm vừa học, tích lũy được ít vốn, năm 2010 gia đình chị xin thầu lại của UBND xã Song Phượng 2 mẫu ruộng bỏ hoang ven đê mở rộng quy mô sản xuất.

Nhưng trời đã không chiều lòng người, trong hai năm 2010-2011, hàng trăm nghìn bịch phôi được chị chăm sóc cẩn thận nhưng vẫn không ra nấm, thiệt hại gần 700 triệu đồng. Chị Huyền tìm ra nguyên nhân chính là do khâu hấp nguyên liệu, tính toán nhiệt trong lò hấp công nghiệp chưa chuẩn. Sau nhiều lần đánh đổi bằng tiền của, công sức, hiện chị Huyền đã tự tin với kỹ thuật, công nghệ làm nấm mộc nhĩ của mình, nhờ đó năm 2013 chị đã thắng lớn.

Với tính cách tò mò, ham học hỏi, không chịu khuất phục khó khăn, chị đã nghiên cứu và mạnh dạn sử dụng nguyên liệu bịch phôi cũ tái chế để trồng nấm. “Năm ngoái tôi trồng toàn bộ 350.000 bịch từ nguyên liệu tái chế, nhưng mộc nhĩ vẫn ra đều và năng suất còn cao hơn nguyên liệu mới” – chị Huyền tự hào cho hay.

Khâm phục, ngưỡng mộ trước tài năng của chị, nhiều người đã gán cho chị cái biệt danh khá mỹ miều “Nữ hoàng mộc nhĩ”.

Theo Việt Tùng
Dân Việt

Bí quyết làm giàu của “nữ hoàng” mộc nhĩ - 2