Quảng Ninh:
Bí mật sau những cửa hàng “chỉ bán cho người Trung Quốc”
Gọi là bí ẩn bởi du khách Trung Quốc tấp nập nhưng người Việt không thể vào được. Doanh thu mỗi đoàn khách vào đạt hàng trăm triệu đồng, được chia cho các bên liên quan, nhưng rất khó để cơ quan thuế kiểm soát. Giới lữ hành cho rằng, những điểm bán hàng này là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi dưỡng toàn bộ hệ thống đón khách đường bộ Trung Quốc với giá tour... 0 đồng.
Không thẻ, miễn vào!
Trong vai những du khách vãng lai, chúng tôi ghé vào một số điểm bán hàng dành cho khách Trung Quốc tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu…, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, tại điểm bán hàng nào, chúng tôi cũng đều bị ngăn cản do không phải là khách của đoàn, Cty quen biết đã đặt trước; trong khi đó, những vị khách Trung Quốc, sau khi được các HDV chứng thực, đã được phát thẻ ra vào. Theo quan sát, các loại thẻ đều có dấu hiệu nhận biết khách của Cty nào, để tiện cho trả hoa hồng sau này.
May mắn, tại một điểm bán hàng ở Hùng Thắng, chúng tôi đã lọt nhờ trà trộn được vào đám đông khách Trung Quốc. Tại đây, có khá nhiều phòng trưng bày, bán các loại sản phẩm từ caosu, được giới thiệu sản xuất tại Việt Nam, với đủ các loại giá, trong đó có những sản phẩm lên tới hơn 100 triệu đồng. Theo một phiên dịch đi cùng, qua chất giọng, trình độ ngôn ngữ có thể khẳng định người giới thiệu sản phẩm là người Trung Quốc.
Theo những người trong nghề, hiện, hầu như điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP. Hạ Long đều có người Trung Quốc hoặc HDV Trung Quốc làm việc, giới thiệu sản phẩm cho du khách. Có điều, tính pháp lý của những nhân sự này đang là một câu hỏi vì tiếp cận để mua hàng thôi cũng khó, chưa nói, nếu lập đoàn thanh tra thì sẽ bị lộ.
Ước tính, trên địa bàn TP. Hạ Long có khoảng 10 điểm bán hàng “bí ẩn” này. Đặc biệt, điểm Ngôi nhà Mơ ước, phường Hà Khẩu, sau khi bị phạt, nay mang tên khác với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Ngôi nhà Mơ ước bị phạt 2 lần vì niêm yết, giao dịch đồng ngoại tệ trái phép, trong đó có một lần bị phạt 500 triệu đồng, nhưng cũng thoát được án phạt 800 triệu đồng một cách kỳ lạ. Và cho đến nay, các cơ quan chức năng cũng chỉ phạt được ở lỗi liên quan đến ngoại tệ, trong khi chưa thể động đến những khoản giao dịch mua bán với lượng tiền rất lớn.
Siêu lợi nhuận, ai kiểm soát?
Chúng tôi có trong tay một số đơn thanh toán nội bộ của một số điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại Hạ Long, với những khoản thu và chia lợi nhuận khá lớn.
Cụ thể, đơn thanh toán gần đây nhất của một điểm bán hàng cho thấy: Chỉ một đoàn 26 khách đã mua tới 334 triệu đồng tiền hàng. Số tiền trên được chia như sau: Cty đưa khách đến: Trên 77 triệu đồng và gần 3,4 triệu đồng cho việc dẫn 26 khách đến dù khách có mua hàng hay không (gọi là tiền đầu khách); lái xe: Hơn 10 triệu đồng và 70.000 đồng/đầu khách; HDV hơn 53,5 triệu đồng. Số còn lại - khoảng 190 triệu đồng thuộc về điểm bán hàng.
Trong đơn thanh toán của một điểm khác, tháng 2.2017, doanh thu từ một đoàn 27 khách đạt trên 245 triệu đồng thì phải trả cho Cty cung cấp khách trên 46,7 triệu đồng cùng trên 3,5 triệu đồng tiền đầu khách; trên 49 triệu đồng cho hướng dẫn viên và trên 7,3 triệu đồng cho lái xe...Trong khi đó, tại hầu hết các cửa hàng, lượng xe ra - vào nườm nượp, với những điểm đón hàng chục đoàn khách/ngày.
Tất nhiên, những khoản tiền trên, cả HDV, lái xe… không được “ăn” cả, mà phải chia lại cho những người, đơn vị liên quan, nhưng rõ ràng mức thu cực lớn, trong khi chưa chắc đã thể hiện trên hóa đơn, chứng từ nộp thuế.
Một lãnh đạo ngành thuế khẳng định, các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc đều nộp thuế, nhưng từ chối tiết lộ các khoản thu - chi, nộp thuế của các điểm bán hàng này vì luật không cho phép.
Theo một số HDV du lịch, nguồn thu từ các điểm bán hàng là nguồn chính để bù lỗ và kiếm lời cho cả một hệ thống đón khách đường bộ Trung Quốc với giá lỗ, thậm chí bằng không. “Với mức ăn chia như thế, giá tour bằng không vẫn có lãi - một HDV chia sẻ - “Ở các nước, khâu nào trong chuỗi dịch vụ cũng có hoa hồng, nhưng họ kiểm soát được nguồn tiền giao dịch của các điểm bán hàng vừa thu thuế đầy đủ, vừa hạn chế được sự thao túng, lũng đoạn thị trường”.
Như báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh, từ nhiều năm qua, các Cty lữ hành Việt Nam đua nhau hạ giá tour để nhận khách, dưới sức ép của các đối tác Trung Quốc, để đến hiện nay, giá giảm tới không đồng hoặc âm/khách/tour 3 đêm, 4 ngày. Hiện, mức giá tối thiểu cho một tour/khách ít nhất là 700 NDT (khoảng 2,4 triệu VND). Như vậy, để đảm bảo ít nhất là không lỗ, các đối tác hai bên phải tìm cách thu về mức giá trên. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ riêng tại Quảng Ninh, giao dịch tối thiểu để đón khoảng 360.000 lượt khách đường bộ Trung Quốc ghé thăm/năm lên tới trên 252 triệu NDT, tương đương hơn 856 tỉ đồng/năm. Vấn đề đặt ra: Ai quản lý được doanh số khổng lồ trên để thu thuế?
Những người am hiểu nội tình khẳng định: Quản được doanh số thật của các điểm bán hàng này cũng đồng nghĩa với việc đưa giá tour trở về giá thực, lập lại trật tự thị trường.
Theo Mạnh Hùng
Lao động