Quảng Ninh: Lại thêm một cửa hàng chỉ ưu tiên khách Trung Quốc
Vừa qua dư luận xôn xao về việc một số cửa hàng ở Đà Nẵng đã thẳng thừa từ chối khách Việt mà chỉ bán hàng cho khách Tung Quốc, Hàn Quốc... Theo phát hiện của Lao Động, tại Quảng Ninh cũng có trường hợp tương tự.
Một số cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch tại TP.Hạ Long thẳng thừng từ chối đón khách không phải do các Cty du lịch quen biết dẫn tới. Đồng thời, để bán được hàng, có cửa hàng đã sử dụng người Trung Quốc giới thiệu sản phẩm một cách xuyên tạc sự thật nhằm tạo sự hấp dẫn cho các món hàng.
Hoạt động bí ẩn
Khoảng 15h ngày 8/1, khi từng đoàn xe chở khách du lịch, hầu hết là khách Trung Quốc lần lượt ghé vào một cửa hàng gần bến phà Bãi Cháy cũ, chúng tôi cố tìm cách theo chân dòng du khách thâm nhập vào cửa hàng nhưng bất thành. Một số nhân viên của cửa hàng chặn lại và yêu cầu xuất trình thẻ vào dành cho du khách.
Một nhân viên giải thích rằng, cửa hàng chỉ đón khách của các Cty đã đăng ký trước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi bước vào trong cửa hàng, các nhân viên làm việc với hướng dẫn viên của các đoàn để phát thẻ vào cho từng du khách. Mỗi đoàn khách của mỗi Cty khác nhau thì lại có thẻ màu sắc khác nhau, để tiện theo dõi trong việc “hợp tác dẫn dắt khách”.
Những nhân viên của cửa hàng này còn cho biết, nếu chưa có thẻ thì ít nhất phải được hướng dẫn viên bảo lãnh thì mới được phép vào bên trong. Không vào được cửa chính, chúng tôi tìm sang cửa phụ - nơi kinh doanh cà phê. Tuy nhiên, những nhân viên ở cửa này cũng không cho phép đi sâu vào bên trong và cũng không cho ngồi uống cà phê tại chỗ, mà phải đem ra ngoài uống.
Bị nhân viên cửa hàng này từ chối, chúng tôi tìm đến cửa hàng T.S.T, nằm trong khu đô thị Hùng Thắng, phường Hùng Thắng. Đây được biết đến là một trong những cửa hàng “bí ẩn” lớn nhất Hạ Long, bởi người dân xung quanh cho biết, khách vào tấp nập mà không biết mua - bán gì, trong khi người “lạ” không thể tiếp cận được.
Lợi dụng lúc các nhân viên đang phát thẻ vào cho khách, chúng tôi trà trộn vào đám đông cùng theo vào. Do hầu hết đều là khách Trung Quốc, nên những nhân viên rải từ ngoài vào tận trong không phát hiện ra chúng tôi, dù cũng có một số ánh mắt e dè những rồi lại thôi khi một trong nhóm chúng tôi nói tiếng Trung khá chuẩn.
Đi vòng vèo qua mấy hành lang, cuối cùng du khách được dẫn vào một phòng chuyên để giới thiệu sản phẩm, trước khi bắt đầu hành trình tham quan mua sắm.
Xuyên tạc để "câu” khách
Tại đây, một nhân viên người Trung Quốc (theo nhận định của chuyên gia tiếng Trung, qua hình thức, giọng nói, trình độ tiếng Trung) đứng thuyết trình trên 20 phút về các loại sản phẩm làm từ mủ cao su, như gối, đệm…
Chưa rõ chất lượng các loại sản phẩm trên siêu hạng đến đâu như lời quảng cáo của nữ nhân viên ngoại quốc trên, nhưng việc gắn những sản phẩm đó với mối quan hệ Việt – Trung khiến một số du khách tò mò.
Theo nhân viên này, một chiếc gối làm từ mủ cao su có giá 850 NDT (khoảng 2,5 triệu đồng). Tuy nhiên, mua một sẽ được tặng một, mà chiếc được tặng là quà của Chính phủ Việt Nam, chứ không phải của cửa hàng. Theo lời giải thích của chị này với du khách, thì sau vụ việc người Trung Quốc bị tấn công ở miền Trung Việt Nam liên quan đến giàn khoan 981, quan hệ hai nước hiện đã tốt đẹp hơn. Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh chào đón du khách Trung Quốc, và món quà trên là một trong những cử chỉ mong muốn bù đắp tình cảm cho du khách Trung Quốc. “Nhưng, hôm nay là ngày cuối cùng tặng những món quà đó” – nữ nhân viên trên nhắc đi nhắc lại.
Sau chương trình giới thiệu sản phẩm, nhân viên nhà hàng dẫn du khách đi tham quan, mua sắm ở các phòng trưng bày sản phẩm rộng lớn ở gần đó. Chúng tôi cố gắng chụp trộm một vài kiểu ảnh nhưng bất thành, vì các nhân viên túc trực ở khắp nơi và vừa giơ điện thoại lên thì bị chặn lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên TP.Hạ Long có ít nhất 3 điểm chỉ bán hàng cho khách đã được các Cty du lịch đặt tour trước, mà thực tế là chỉ bán cho khách Trung Quốc.
Những điểm bán hàng này gần như chỉ mở cửa khi xe tour đưa khách đến. Không hiểu, tại một số điểm chúng tôi không thể tiếp cận được, liệu có các nhân viên Trung Quốc hành nghề và xuyên tạc sự thật để “câu” khách như ở Tân Sinh Thế hay không?
Chưa kể, cơ quan nào có thể quản được chất lượng, giá cả các mặt hàng để giúp du khách không bị lừa?.
Theo Nguyễn Hùng
Lao động