Bị lợi dụng để lừa đảo, Maritime Bank lại từ chối làm bị hại

Bị 3 đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 12 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng Maritime Bank lại từ chối làm bị hại.

Bị hại - người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây nên. Định nghĩa này đọc qua thấy đã rõ ràng và dễ hiểu, song khi áp dụng vào từng vụ án cụ thể lại cho thấy có những ranh giới “mờ”, khó xác định.

Bị hại, người tranh kẻ chối từ

Tháng 3 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà trong đó Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank - MSB) đã bị các bị cáo lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong vụ án này, hai bên liên quan đều từ chối làm bị hại.

Sơ lược vụ án như sau: 3 đối tượng Đặng, Tín, Hiển đã thoả thuận được với chị Nguyễn Ngọc B cho họ “thuê” 12 tỷ đồng. Khi đó, chị B (Kế toán trưởng Công ty Dương Hùng) và Đặng (Giám đốc Công ty Dương Hùng) tới MSB - Chi nhánh TP. HCM để mở tài khoản. Tuy nhiên, sau khi tiền chị B chuyển vào tài khoản Công ty Dương Hùng, 3 đối tượng trên đã ra Hà Nội, tới MSB - Chi nhánh Cầu Giấy để yêu cầu mở bảo lãnh cho hợp đồng mua bán sắt, ký quỹ bằng toàn bộ số tiền 12 tỷ đồng trong tài khoản Công ty. Sau khi MSB phát hành bảo lãnh, các đối tượng nói trên đã yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh và Ngân hàng đã giải ngân khoản tiền nói trên. Hai nhân viên MSB bị truy tố vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP. Hà Nội, Điều 12 trong Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng có trách nhiệm “kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố pháp lý” và “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”. Đồng thời, nguồn gốc tiền chuyển vào tài khoản Công ty Dương Hùng là của chị B do MSB chịu trách nhiệm quản lý. Các bị can lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng đã làm giả hồ sơ, mua bán lừa đảo, rút tiền từ tài khoản mở tại MSB. Do vậy, bị hại trong vụ án là MSB - Chi nhánh Cầu Giấy.

Bị lợi dụng để lừa đảo, Maritime Bank lại từ chối làm bị hại  - 1
MSB đã bị các bị cáo lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, nhưng lại chối từ danh nghĩa bị hại

Tuy nhiên, đại diện theo ủy quyền MSB tham dự phiên tòa cho rằng, MSB không phải là bị hại, MSB thực hiện đúng quy trình đối với nghiệp vụ bảo lãnh. Với dịch vụ tài khoản, khách hàng có thể chuyển khoản qua ủy nhiệm chi hoặc rút tiền mặt qua séc và về nguyên tắc, phải có hai chữ ký của giám đốc (Đặng) và kế toán trưởng (chị B) mới có thể thực hiện giao dịch nói trên. Nhưng với dịch vụ bảo lãnh, Ngân hàng chỉ đòi hỏi chữ ký của giám đốc (Đặng) là đủ để phát hành bảo lãnh.

Theo MSB, các bị can nhắm đến cá nhân chị B, nhằm lấy tiền của chị B, chứ không phải Ngân hàng. Nếu không có tiền của chị B nộp vào để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh, thì không bao giờ Ngân hàng bảo lãnh và phát hành thư bảo lãnh. Trong vụ án này, MSB không phải là đối tượng bị lừa đảo, MSB chỉ là trung gian nhận tiền theo hợp đồng và trả tiền theo hợp đồng.

Là bị hại đồng nghĩa với mất tiền, bởi vậy, cả MSB và chị B đều tìm cách để chối từ danh nghĩa “bị hại”. Nhưng 3 bị cáo nói trên thực hiện hành vi lừa đảo nhằm vào ai? MSB hay chị B? Lời khai của 3 bị cáo chưa đủ để các cơ quan tố tụng xác định bị hại. TAND TP. Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung.

Ở một vụ án khác, Lý Thị Trúc Quỳnh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã 2 lần bị TAND TP. Hà Nội kết án tù chung thân cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án khiến Quỳnh phải ra tòa lần thứ 2, luật sư và đại diện của Công ty Lavina đã đối đáp gay gắt với đại diện Viện KSND nhằm xác nhận là bị hại của Quỳnh. Theo cáo trạng, đầu năm 2010, ông Hoàng Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Lavina và Quỳnh có thỏa thuận về việc tìm người mua xe Camry LE trị giá 59.000 USD. Ngày 9/1/2010, Quỳnh tới Công ty Lavina bảo ông Hoàng cho mượn xe cho khách xem, bản thân Quỳnh ngồi tại Công ty Lavina để làm tin. Đến 18 -19h cùng ngày, Quỳnh bảo do tắc đường xe không về kịp nên hẹn ông Hoàng hôm sau trả xe. Thực chất, Quỳnh đã đem chiếc xe này bán cho anh Trần Lê N (phố Hàng Đào, Hà Nội) lấy 48.000 USD.

Hai bị hại, Công ty Lavina và anh N đều yêu cầu được nhận chiếc xe Camry LE. Công ty Lavina cho rằng, Quỳnh chỉ là môi giới, tìm khách mua xe cho Lavina và bị Quỳnh có hành vi gian dối, lấy xe, đem bán cho người khác. Bởi vậy, Lavina yêu cầu được nhận lại chiếc xe. Còn anh N, người đã mua xe với giá rẻ đề nghị được trả thêm tiền cho đúng với giá thị trường để nhận xe. Trong khi đó, Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, thỏa thuận giữa Lavina và Quỳnh là thỏa thuận dân sự, mua bán xe bằng miệng và đã có hiệu lực, do Lavina đã bán xe cho Quỳnh nên Quỳnh phải trả cho Lavina số tiền tương đương 59.000 USD, Lavina trao trả hồ sơ hải quan cho anh N.

Đại diện Viện KSND và đại diện Lavina đã có phần đối đáp gay gắt khi đại diện Viện KSND cho rằng, trong Luật Tố tụng hình sự đã có quy định để giải quyết các vấn đề dân sự, giữa Lavina và Quỳnh đã có thỏa thuận mua bán xe, tuy bằng miệng song đã có hiệu lực. Nhưng theo đại diện Lavina, Viện KSND tự mâu thuẫn với chính mình, nếu giao dịch giữa Lavina và Quỳnh là giao dịch dân sự, thì Lavina không thể là bị hại trong vụ án như cáo trạng đã nêu, đồng thời, không thể truy tố Quỳnh vì tội lừa đảo do không có hành vi lừa đảo. Cuối cùng, sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử tuyên trả chiếc xe Camry LE cho Công ty Lavina và buộc Quỳnh bồi thường số tiền tương đương 48.000 USD cho anh N.

Rủi ro lách luật

Ngân hàng, định chế tài chính với tài sản lớn, tiền mặt sẵn có thường là đích ngắm và có thể là bị hại, có thể bị lợi dụng để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Thực tế từ các vụ án lừa đảo cho thấy, xác định hành vi lừa đảo nhằm tới ai, tức ai là bị hại, ngân hàng hay khách hàng của ngân hàng không đơn giản.

“Hệ thống luật pháp Việt Nam đây đó còn những bất cập, song về cơ bản, những điều luật không phải là nguyên nhân gây ra tranh cãi, mâu thuẫn giữa các đương sự, giữa đương sự với cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề là ở cách giải thích và vận dụng luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nó đòi hỏi cách giải thích, vận dụng luật một cách nhất quán, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận của các bên và ai là người quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm”, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư (Basico) nói.

Trở lại vụ án xảy ra tại MSB, luật sư Hải cho rằng, chị B đã lách luật. Thay vì đầu tư theo cách chính thống như ủy thác cho ngân hàng cho vay để lấy lãi, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản…, thì chị B lại cho các bị cáo “thuê” 12 tỷ đồng nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Vì tham thêm một chút tiền lời nên chị B đã bị lừa và chị B phải chịu hậu quả xảy ra do thực hiện hành vi lách luật. Đây cũng là bài học cho các cá nhân tham gia những giao dịch chưa được pháp luật thừa nhận.

Ngân hàng, một định chế trung gian có mối quan hệ với nhiều đối tượng thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi lừa đảo cũng cần nâng cao chất lượng hệ thống, thực hiện chặt chẽ quy trình nghiệp vụ, trình độ nhận thức pháp luật và rủi ro cho cán bộ - nhân viên.

Theo Hoàng Duy
ĐTCK