Doanh nghiệp "nhỏ" đang chi khoản "to" cho phí lót tay
(Dân trí) - Trong năm 2015, có 42,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải trả các khoản phí phi chính thức. Đồng thời tần suất chi ngoài là khá tương đồng giữa hai vòng điều tra với khoảng 70% các doanh nghiệp cho biết họ chi 2-5 lần trong năm trước khi điều tra.
Đánh giá trên được đưa ra trong báo cáo Khảo sát đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam 2015 thông qua cuộc điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng nay (9/11).
Theo kết quả điều tra hơn 2.600 DNNVV tại 10 tỉnh thành trung ương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... có 42,7% DN cho biết trong năm 2015 họ đã phải trả các khoản phí phi chính thức để duy trì sản xuất và phát triển.
Cụ thể, DN chi tiền lót tay nhằm mục đích tiếp cận các dịch vụ công, giải quyết vấn đề thuế, hải quan... Tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” năm 2015 là 18,75% số DN tham gia khảo sát; tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015. “Các nguyên nhân khác” có tỷ lệ phí phi chính thức tăng cao từ 35- 38%, trong đó nhiều chi phí không hề giảm như: chi phí “để giải quyết các vấn đề liên quan đến hải quan", “Để có được giấy phép và chứng chỉ” và “Để dành được hợp đồng cung cấp cho chính quyền” có sự thay đổi là không đáng kể.
Trong số các DN có chi ngoài, theo khảo sát của CIEM, có 41,2% DN cho biết khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Lý do chính là do những khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của Chính phủ tăng lên đòi hỏi các DN có biện pháp đối phó; sự cạnh tranh tăng lên, dẫn đến sự cần thiết phải tăng các khoản chi phi chính thức để có thể tồn tại.
Theo con số CIEM đưa ra, có 58% số DN có chi ngoài trong năm 2013 tiếp tục chi trong năm 2015. Thêm vào đó, 30% các DN không chi ngoài trong điều tra năm 2013 lại có chi ngoài trong điều tra năm 2015. Điều này nhấn mạnh rằng một tỷ lệ đáng kể các DN trong những thời điểm nào đó thấy rằng chi ngoài là cần thiết cho phát triển của họ.
Đặc biệt, các DN thuộc khu vực chính thức (đã thành lập công ty, có mã số thuế) có chi ngoài thường xuyên hơn mục đích là để đối phó với cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân quan trọng của việc chi ngoài vẫn không được tiết lộ, bởi nếu căn cứ vào kết quả khảo sát thì việc chi ngoài cho các mục đích về cấp giấy phép, thủ tục thuế, hải quan, để đạt được hợp đồng với Chính phủ… lại chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với việc chi ngoài cho “lý do khác”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM, nếu căn cứ vào tỷ trọng trên để nói rằng các thủ tục hành chính hải quan, giấy phép… đã được cải thiện đáng kể, qua đó giảm tối đã khoản “chi ngoài” của DN là chưa chính xác, vì thực chất không phải DN nào cũng phải làm các thủ tục về hải quan, xuất nhập khẩu.
Đại diện của Viện CIEM nhìn nhận: Kết quả điều tra cũng mang lại lo ngại hơn về các khoản chi ngoài khi các DN, họ tin rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng chi ngoài trong tương lai để đối phó với những khó khăn trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước và để theo kịp với sự cạnh tranh.
"Thế nhưng, chi ngoài không cho thấy tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các DN không thực hiện hành vi này. “Điều này ngụ ý rằng, việc hợp tác giữa Chính phủ và các hiệp hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc “phá vỡ vòng luẩn quẩn tiêu cực” này”, báo cáo của CIEM đánh giá.
Một điểm đáng quan ngại khác trong báo cáo là trong khi tỷ lệ các DN thực hiện đầu tư đã tăng lên so với điều tra năm 2013, song để được các khoản tín dụng chính thức vẫn là một trở ngại lớn, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh. Trên 70% các DN được điều tra không tiếp cận được với khoản vay chính thức, khả năng tiếp cận tín dụng của DN trong giai đoạn 2011 – 2013 là 45%, thì trong năm 2015 chỉ còn 24% DN tiếp cận được tín dụng.
Giáo sư Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới cho hay: "Trong khi lý thuyết về “bôi trơn bộ máy”, chi lót tay tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và các giao dịch và giúp thúc đẩy hiệu quả ở các nước có thể chế yếu. Tuy nhiên giả thuyết “hạt cát trong ổ trục bánh xe” lại cho chi phí phi chính thức sẽ làm tăng thêm chi phí cho các DN và nền kinh tế, và vì vậy sẽ làm giảm năng suất".
Nguyễn Tuyền