1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bị đóng cửa dây chuyền sản xuất vì… nâng cấp máy móc hiện đại hơn!

(Dân trí) - Đây là trường hợp xảy ra với một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Đồng Nai được đại biểu Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng. Thậm chí, một vị giám đốc, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng than phiền vì thường xuyên bị gây khó khăn, thường xuyên phải tiếp những đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bị kéo dài thời gian xin giấy phép…

Phát biểu tại phiên thảo luận về nội dung phát triển kinh tế xã hội tại hội trường sáng nay (9/6), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) ghi nhận, trong vòng một năm qua, với sự ra đời của Nghị quyết số 35 của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Song theo phản ánh của vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn mong mỏi những quyết tâm của Chính phủ nêu ra trong nghị quyết cần phải được thực hiện với tốc độ nhanh hơn, quyết liệt hơn và đạt kết quả cao hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ bức xúc trước tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu DN vẫn xảy ra phổ biến ở địa phương
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ bức xúc trước tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu DN vẫn xảy ra phổ biến ở địa phương

Theo đại biểu, trên thực tế, ở một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự đồng hành và tạo điều kiện cho DN phát triển. Một số DN làm ăn chân chính, quan tâm đến đầu tư, bảo vệ môi trường vẫn than phiền thường xuyên phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra “ghé thăm”.

“Cũng đúng thôi, bài học nhãn tiền về Formosa đã khiến các ngành, các cấp, các địa phương đồng bộ vào cuộc để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự chồng chéo, trùng lặp đã gây nên phiền hà, sách nhiễu đến cho DN, khiến DN khó tập trung được cho hoạt động kinh doanh” – ông Tuấn Anh nhận xét.

Vị đại biểu tỉnh Bình Phước dẫn chứng, một DN chế biến mủ cao su ở tỉnh này đã bị phạt và bị đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì một lý do là tự thay đổi hệ thống xử lý chất thải không đúng với quy định. Có nghĩa là dây chuyền xử lý chất thải mặc dù hiện đại hơn nhưng theo kết luận của đơn vị thanh tra là “không đúng quy định” nên DN bị xử lý.

Sau đó, cũng chính đơn vị thanh tra này ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất khi DN phản đối dữ dội. Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó, DN phải gánh chịu.

Ông Tuấn Anh dẫn thêm ví dụ về trường hợp của một vị giám đốc doanh nghiệp, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa trước. “Vị này than phiền với tôi về việc thường xuyên bị gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh, phải tiếp những đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bị kéo dài thời gian xin giấy phép, v.v”, ông kể lại.

Một số ví dụ điển hình nói trên đã phần nào cho thấy vô vàn khó khăn đang diễn ra phổ biến, gây mất niềm tin cho cộng đồng DN. “Vài sự tắc trách của một số cá nhân, bộ phận cơ quan chính quyền cũng có thể khiến DN khốn đốn, lao đao”, vị đại biểu nhìn nhận.

Điều này cũng đã được thể hiện gián tiếp trong báo cáo của Chính phủ khi Việt Nam chỉ xếp thứ 82/189 quốc gia về xếp hạng môi trường kinh doanh dù năm 2016 có tăng 9 bậc. Cũng theo báo cáo Chính phủ, trong năm qua và 4 tháng đầu năm 2017, số lượng DN đăng ký hoạt động đã tăng kỷ lục.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 39.580 DN thành lập mới nhưng đồng thời cũng có tới 4.057 DN hoàn tất thủ tục giải thể, 27.400 DN tạm ngừng hoạt động.

“Như vậy, cứ 10 DN ra đời thì gần 9 DN rời khỏi thị trường, rõ ràng chúng ta không thể lạc quan”, ông Tuấn Anh nhận xét.

Bích Diệp