Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Nhiều nông dân trồng bí đao ở tỉnh Quảng Nam đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng bán giá chỉ từ 1.800-2.000 đồng/kg.

Những ngày này, nông dân chuyên trồng bí đao tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) và xã Cẩm Kim (TP Hội An) tỉnh Quảng Nam đang vào độ thu hoạch. Dù được mùa nhưng giá bí lại giảm mạnh, chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg (giá thu mua tại ruộng).

Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao - 1

Bí đao hiện đang vào vụ thu hoạch nhưng giá chỉ 1.800-2.000/kg.

Giá quá thấp, nên dù bí sai quả và đến lúc thu hoạch nhưng nhiều người dân vẫn quyết định để nguyên trên giàn đợi giá tăng cao mới hái bán ra thị trường.

Ông Trần Văn Binh (thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho hay, gia đình ông trồng hơn 3 sào bí đao, công đầu tư hơn 5 triệu đồng/sào, chưa kể công chăm sóc hơn 4 tháng trời.

Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao - 2

Bên cạnh đó thương lái cũng ít thu mua nên nông dân càng thêm lo lắng.

Năm nay bí sai quả, với 3 sào ông Binh có thể thu về hơn 10 tấn bí. Tuy nhiên, giá bán ra quá thấp, hiện chỉ 1.800- 2.000 đồng/kg, thương lái thu mua cũng hạn chế nên người dân càng thêm lao đao.

Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao - 3

Theo nông dân tại đây, vài năm trở lại đây tình trạng được mùa mất giá diễn ra liên tục, họ hy vọng sẽ có đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo ông Binh, vài năm trở lại đây tình trạng bí đao được mùa rớt giá diễn ra liên tục, nhiều hộ dân cũng chuyển đổi sang trồng cây khác xen kẽ nhưng vẫn bị ép giá thê thảm. Diện tích bí đao hiện tăng hơn mọi năm, do người dân làm du lịch ở Hội An thất nghiệp rồi về quê làm nông nhiều hơn.

Bí đao được mùa mất giá.

"Hiện chúng tôi chỉ bán cầm chừng vì giá quá thấp, một phần để già sẽ hái về cất trong kho hoặc để nguyên trên giàn chờ giá lên. Nhưng hiện nay do dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ cũng khó khăn, hạn chế hơn, giá cả lại thấp nên tôi rất lo lắng, sợ để lâu thì bí hỏng mất. Năm ngoái cũng phải mang đi đổ rồi, để lâu bán không được nên hư thối hết", ông Binh chia sẻ.

Đang tất bật thu hoạch bí bán cho thương lái, ông Lê Trung Võ (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho hay, đầu vụ giá bí đao là 7.000-8.000 đồng/kg, sau đó rớt giá liên tục và hiện tại giá bí chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg.

Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao - 4

Bí đao trĩu cành nhưng giá quá thấp, người dân dự định để già rồi hái về dự trữ chờ giá lên, bí già có thể để từ 4-5 tháng nhưng nếu quá lâu sẽ hư thối.

"Bí đao trước thường xuất bán tại các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, nhưng hiện do ảnh hưởng dịch nên đầu ra cũng khó hơn. Thương lái thu mua vẫn có nhưng ít hơn, giá cũng thấp nên người dân muốn dự trữ bí, đợi giá lên.

Bí già có thể để lâu từ 4-5 tháng, nhưng lâu quá thì sẽ hỏng phải đổ bỏ. Nông dân chúng tôi hy vọng có đầu ra ổn định cho các loại nông sản, hoặc có loại cây trồng thay thế, chứ giá cứ giảm liên tục thế này thì làm ăn gì nữa!", ông Võ thở dài ngao ngán.

Bí đao rớt giá lúc lỉu trên giàn, nông dân Quảng Nam lao đao - 5

Nông dân buồn rầu nhìn vườn bí trĩu quả nhưng giá thấp và thiếu đầu ra.

Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên cho biết: "Hiện nay, diện tích trồng bí đao xanh, bí chanh của người dân trên địa bàn xã tương đối rộng, hơn 15 ha và chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, tự phát chưa có sự liên kết.

Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá thành thấp nên việc tiêu thụ bí đao của người dân gặp không ít khó khăn. Xã cũng chưa có giải pháp gì để hỗ trợ việc tiêu thụ bí cho người dân trong thời điểm này".

Được biết, huyện Duy Xuyên có khoảng 1.600 ha rau củ quả các loại, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước. Theo người dân, do nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chững lại và có phần giảm xuống nên rau quả rớt giá mạnh.

Ông Đặng Văn Minh (58 tuổi, trú xã Cẩm Kim, TP Hội An) buồn bã chia sẻ: "Tôi đã trồng bí đao 5 năm qua, năm nay bí đao đến thời kỳ thu hoạch thì giá lại thấp chỉ có 1.800 đồng/kg nhưng vẫn ít người hỏi mua. Nếu bán không được thì phải hái mang về nhà hoặc để thối ngoài đồng thôi".

Hiện nay nông dân chỉ hy vọng giải quyết số bí đao còn tồn đọng tại vườn, bù lại vốn đầu tư cũng như công sức bỏ ra chăm bón. Xa hơn, họ mong có loại cây trồng hiệu quả thay thế để không còn lặp lại cảnh được mùa mất giá.