Bị cấm ở một số địa phương, Grab Việt Nam vẫn khẳng định: Hoạt động hoàn toàn hợp pháp
(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu Grab dừng hoạt động tại 3 địa phương không nằm trong đề án thí điểm. Phản hồi về điều này, Grab Việt Nam cho rằng, Công ty này hoạt động "hoàn toàn hợp pháp"
Grab không can thiệp vào giá cước, cách vận hành, quản lý xe của các hãng taxi
Thực tế, trong thời gian qua, Grab Việt Nam đã triển khai dịch vụ GrabTaxi cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng.
Cho nên, việc bị cấm ở 3 địa phương trên ngay lập tức có những ảnh hưởng đến hoạt động triển khai dịch vụ này của Grab.
Phản hồi về lệnh cấm trên, đại diện Grab Việt Nam cho biết: "GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử"
Theo Grab Việt Nam: Dịch vụ GrabTaxi cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi thêm một phương thức kết nối thuận tiện giữa hành khách với tài xế taxi, bên cạnh các phương thức kết nối trực tiếp và gọi tổng đài.
"Dịch vụ này không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ là ước tính để hành khách tham khảo, căn cứ trên giá cước của các đơn vị taxi và dự kiến quãng đường di chuyển. Khách hàng vẫn trả số cước được hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi, theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", đại diện công ty này cho biết.
Cũng theo đại diện Grab Việt Nam: "Tại các địa phương mà Grab Việt Nam triển khai dịch vụ GrabTaxi, chúng tôi thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi đã được các Sở Giao thông vận tải địa phương cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi"
Grab Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông đã phản ánh những thông tin không đúng về bản chất của dịch vụ GrabTaxi, gây hiểu nhầm rằng GrabTaxi là một dịch vụ thuộc Đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải và không được phép triển khai ngoài phạm vi thí điểm.
"Sự hiểu nhầm này không những đã tạo ra rào cản rất lớn đối với các Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp taxi trong quá trình làm việc và hợp tác với Grab Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp pháp của Grab Việt Nam và các đối tác của chúng tôi", phía Grab Việt Nam nêu ý kiến.
Grab Việt Nam đang chấp hành đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự phản ánh thông tin chính xác từ các đơn vị báo đài và cơ quan truyền thông.
Nói về việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, đại diện phát ngôn của Grab Việt Nam cho rằng, Công ty này luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
"Chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phương tiện của các đơn vị đó có phù hiệu “xe hợp đồng” cấp bởi Sở Giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi thí điểm. Chúng tôi không cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải và phương tiện tại các địa phương không thuộc Đề án thí điểm", Grab Việt Nam khẳng định.
Dừng Grab ở 3 tỉnh, chuyên gia kinh tế, pháp luật nói gì?
Về việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Grab dừng hoạt động tại 3 địa phương, một số chuyên gia kinh tế cũng tỏ ý không đồng tình.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Nếu áp dụng công nghệ mới để liên kết giữa taxi với khách hàng thì không có cơ sở nào để các Sở GTVT địa phương xét duyệt, cấp phép.
"Có chăng, các hợp tác xã, hãng taxi chỉ cần thông báo tới Sở đã áp dung công nghệ Grab để Sở biết̃ , làm căn cứ khi có khiếu nại của khách hàng. Áp dung công nghê GrabTaxi không làm ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các hãng taxi, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một lựa chọn kết nối thuận tiện", chuyên gia này nói.
Còn theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế: "Ứng dụng kết nối lái xe với khách hàng là sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi đầu từ các doanh nghiệp nước ngoài như Uber, Grab, nhưng hiện nay đã lan tỏa rất mạnh sang các doanh nghiệp Việt Nam. Một số hãng taxi lớn của Việt nam đã tự xây dựng phần mềm kết nối riêng của mình để cạnh tranh và nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, không phải đơn vị taxi nào cũng đủ tiềm lực để xây dựng phần mềm kết nối riêng của mình. Vì thế, việc ngăn cản các doanh nghiệp, HTX taxi nhỏ sử dụng dịch vụ kết nối của Grab cần phải được làm rõ xem động cơ là gì, có phải nhằm bảo kê cho sự độc quyền trên địa bàn của một số hãng taxi nào đó hay không?
"Tôi được biết, đã có trường hợp một địa phương nằm trong phạm vi thí điểm xe hợp đồng điện tử báo cáo lên Bộ GTVT lý do từ chối triển khai GrabCar, đại ý là vì: chờ mãi không thấy Grabcar đến, nên đã cho doanh nghiệp khác triển khai và bây giờ hết chỗ cho GrabCar rồi!?", ông Long nêu câu hỏi.
H.Anh