1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bế tắc, chính phủ Síp lại muốn đánh thuế 15% tiền gửi của dân

(Dân trí) - 4 ngày sau khi bị quốc hội bác bỏ, chính phủ đảo Síp hôm qua lại một lần nữa đề xuất đánh thuế tiền gửi. Theo đó những khoản tiền gửi trên 100.000 USD có thể bị đánh thuế 15%. Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu trong hôm nay.

Trong phiên họp đêm qua, quốc hội đảo Síp đã thông qua các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng tài chính đang khiến uy tín của nước này sụt giảm nghiêm trọng.

Người dân đảo Síp đang rất lo lắng trước bất ổn kinh tế
Người dân đảo Síp đang rất lo lắng trước bất ổn kinh tế

Ngoài ra việc thành lập “quỹ đoàn kết quốc gia” và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nhằm tránh tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền cũng được phê chuẩn. Síp hiện đang cần huy động 5,8 tỷ euro để có thể được vay 10 tỷ euro từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và liên minh châu Âu (EU).

“Quỹ đoàn kết quốc gia” sẽ cho phép chính phủ nước này phát hành trái phiếu khẩn cấp dựa trên các tài sản quốc gia để huy động vốn. Các tài sản này bao gồm doanh thu từ việc bán khí đốt trong tương lai cũng như việc quốc hữu hóa các quỹ hưu trí.

Theo kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, những tài sản tốt trong các ngân hàng sẽ được tách riêng ra một nhóm, các tài sản xấu sẽ nằm bị đưa vào một nhóm. Trước đó các quan chức tài chính châu Âu đã hối thúc việc chính phủ Síp chia nhỏ 2 ngân hàng lớn nhất nước này là Cyprus Popular Bank (CPB) và Bank of Cyprus Plc thành những ngân hàng “tốt” và “xấu”.

Các khoản tiền gửi được bảo hiểm, dưới mức 100.000 euro theo quy định của EU – sẽ được giữ ở các ngân hàng “tốt” và được bảo đảm giá trị. Trong khi đó các khoản tiền gửi không được bảo hiểm sẽ bị chuyển vào các ngân hàng “xấu” và bị phong tỏa cho đến khi việc bán tài sản được thực hiện. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin của 4 quan chức khu vực eurozone cho biết.

Nhưng giải pháp bất ngờ nhất lúc này chính là việc chính phủ Síp lại đệ trình trở lại kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền trên 100.000 euro. Theo hãng tin AFP, quyết định này đã được phát đi trên kênh truyền hình quốc gia của đảo Síp.

“Họ (những người gửi tiền trên 100.000 euro) sẽ phải đợi nhiều năm trước khi biết được tỷ lệ phần trăm tiền gửi họ sẽ lấy lại được là 30%, 40%, 50% hay 60%. Các vấn đề này đang được xem xét”, ông Averof Neofytou, phó chủ tịch đảng cầm quyền Disy của Tổng thống Anastasiades phát biểu trong cuộc tranh luận tại quốc hội.

“Cùng lúc đó quyết định ủng hộ dự thảo luật khó khăn này sẽ bảo đảm an toàn cho 361.000 người gửi tiền trong tổng số 371.000 người hiện nay”.

Đáng chú ý hơn nữa là dù cách đây 4 ngày, đề xuất áp mức thuế 9,9% đối với các khoản tiền gửi lớn hơn 100.000 euro đã bị quốc hội bác bỏ, thì này chính phủ Síp còn muốn nâng mức thuế suất lên 15%. Dự kiến trong ngày hôm nay đề xuất này sẽ được các nghị sỹ bỏ phiếu.

Chia sẻ trên trang Twitter, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades tỏ ra bế tắc: “Hạ viện sẽ sớm được triệu tập để đưa ra các quyết định khó khăn. Sẽ có những khả năng đau đớn nhưng đất nước phải được giải cứu”.

Theo AFP, đề xuất trên đã được Phòng thương mại Síp, liên đoàn các chủ sử dụng lao động cũng như các ngân hàng lớn kêu gọi quốc hội xem xét trong bối cảnh thời hạn chót 25/3 để cứu nền kinh tế ngày một đến gần. Trong đêm qua, khoảng 200 người biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội mà chủ yếu là nhân viên của ngân hàng Laiki, những người đang có nguy cơ thất nghiệp, cũng kêu gọi các nghị sỹ xem lại đề xuất này.

Giữa lúc đó, áp lực từ các lãnh đạo EU đối với chính phủ Síp tiếp tục tăng. Chủ tịch nhóm các nước eurozone Jeroen Dijsselbloem cho biết vẫn đang đợi những đề xuất mới từ Nicosia trước khi hoàn tất kế hoạch của mình. “Tình hình rõ ràng đang rất bất ổn. Chúng tôi đang đợi Síp đưa ra những đề xuất thay thế”, Dijsselbloem phát biểu với hãng tin ANP của Hà Lan.

Trong khi đó Thủ tướng Đức Merkel khẳng định tại Berlin rằng bà muốn Síp tiếp tục là một trong số 17 thành viên của eurozone nhưng cảnh báo nước này “không nên làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của các thành viên eurozone khác”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm