BĐS Hà Nội lộ rõ hình thái kinh doanh mới
Kết quả khảo sát thị trường BĐS Hà Nội trong quý 3 của CBRE Việt Nam công bố ngày 12/10/2010 cho thấy số căn hộ được tung ra thị trường trong quý 3/2010 tại Hà Nội đã giảm gần 60% so với 3 tháng trước đó.
Hàng loạt các công trình hạ tầng của Hà Nội vừa mới hoàn thành như cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương nối dài không chỉ giúp rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại mà còn tạo điều kiện để ác dự án đất nền, nhà ở tại các khu vực này tăng giá.
Thêm vào đó là Thông tư 16 hướng dẫn nghị định 71/CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10, cho phép uỷ quyền công chứng tài sản nhà ở hình thành trong tương lai cũng góp phần khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) sôi động trở lại.
Nhà ở có mức giá trung bình lên ngôi
Kết quả khảo sát thị trường BĐS Hà Nội trong quý 3 của CBRE Việt Nam công bố ngày 12/10/2010 cho thấy số căn hộ được tung ra thị trường trong quý 3/2010 tại Hà Nội đã giảm gần 60% so với 3 tháng trước đó.
Nguyên nhân là do nhiều chủ đầu tư quyết định lùi kế hoạch chào bán dự án của mình sang quý 4 hoặc đầu năm tới, đặc biệt là những chủ đầu tư của các dự án lớn, với hy vọng giá căn hộ hoặc đất nền sẽ tăng nhanh sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được thông qua trong những tháng cuối năm 2010. Dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng khoảng 3.000 căn hộ được tung ra thị trường, nâng tổng nguồn cung năm 2010 lên 16.000 căn.
Mặc dù nguồn cung giảm mạnh trong thời gian qua, song trên thị trường thứ cấp, giá chào bán khá ổn định với mức tăng/giảm vào khoảng 1 - 2,5% so với quý trước. Chỉ với việc Cầu Vĩnh Tuy thông xe vào cuối tháng 9 vừa qua, khu đô thị mới Sài Đồng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm trước kia được bán với giá trên dưới 40 triệu đồng/m2, nay đã tăng thêm từ 20-30% so với trước.
Mặc dù mức giá tăng, nhưng hầu hết các căn hộ tại khu vực này đều đã có chủ. Chủ một văn phòng môi giới nhà đất Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Trước khi thông cầu, giá đất tại khu vực khoảng trên dưới 30 triệu/m2, nhưng nay khoảng 60-70 triệu/m2. Nguyên nhân là do sau khi thông cầu đã khiến cho việc đi lại dễ dàng hơn”.
Đề cập về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội trong nửa cuối năm 2010, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: Phân khúc nhà ở có mức giá trung bình được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất.
Theo các số liệu thống kê, rõ ràng phân khúc căn hộ trung bình vẫn trụ vững vị trí hấp dẫn nhất so với các phân khúc khác. Trong đó, mọi chú ý tập trung vào loại căn hộ diện tích nhỏ và ngân sách hợp lý trong khoảng từ 800 triệu đến 1.5 tỷ đồng/căn (tương đương khoảng 42.000 USD - 79.000 USD/căn). Mức giá này được đánh giá là khá hợp lý cho những người có thu nhập ổn định, mua trả góp cho ngân hàng.
Ghi nhận này có thể thấy trong chiến dịch bán nhà đợt 1, gồm 99 căn hộ, có mức giá trung bình trước thuế là 21,5 triệu đồng/m2, tại khu căn hộ chung cư Lê Văn Lương Residentials - CT7D thuộc khu ĐTM Dương Nội (quận Hà Đông) vào cuối tuần qua. Khoảng 500 khách hàng đã có mặt trước cửa sàn giao dịch để xếp hàng đặt mua căn hộ. Và sau khoảng 4 giờ đồng hồ, các căn hộ đã bán hết.
Tương tự khu Canal Park thuộc dự án Ha Noi Garden City với diện tích 31,69 ha (nằm ở phía Đông Hà Nội, thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên), do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) và Handico12 làm chủ đầu tư cũng đã được mở bán hồi cuối tháng 9/2010 với giá từ hơn 1.000 USD - 1.500 USD/m2.
“Đô thị sinh thái” - Tâm điểm nối tiếp
Ảnh chụp công viên vườn Tùng tại Ecopark
Hiện nay, khi mà quy định từ vành đai 2 trở vào, chiều cao các tòa nhà bị hạn chế, quỹ đất trong nội thành ngày càng chật, việc đầu tư ra các khu vực vành đai 3, vành đai 4 sẽ mang lại lợi nhuận cao do quỹ đất còn rộng...
Dưới góc nhìn của dân kinh doanh, sở dĩ bất động sản khu phía Đông đang hấp dẫn người dân và nhà đầu tư là thực tế và triển vọng phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng cũng như mức giá của nó. “Giữa một bên là việc bỏ lượng vốn lớn, các mức giá dường như đã chạm trần với một bên là sự tham gia tương đối dễ dàng, giá còn khả năng lên tiếp, thì bên nào hấp dẫn đầu tư hơn?!” - chủ một sàn giao dịch BĐS so sánh.
Việc mở rộng các tuyến đường, thông xe cầu đã mang lại diện mạo mới cho thủ đô, giúp cho người dân thuận lợi hơn trong việc di chuyển. Tình trạng tăng giá tại các tuyến đường mới mở đã phản ánh đúng tâm lý của người dân về nhu cầu mua bán và kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Dũng Minh - Giám đốc bộ phận bán hàng của Savills Việt Nam: “Nguồn cung căn hộ trên thị trường Hà Nội sẽ rất dồi dào trong thời gian tới, điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn tương ứng với nhu cầu và túi tiền của họ hơn. Chính bởi vậy, khách hàng hiện nay đang ngày càng tỏ ra kỹ tính và “sành” hơn khi lựa chọn mua nhà.
Họ không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu xem ngôi nhà tương lai của họ trông sẽ như thế nào mà còn quan tâm đến quy hoạch tổng thể của cả dự án, uy tín của chủ đầu tư, nhà thầu, tiến độ và chất lượng bàn giao căn hộ. Một ngôi nhà đẹp với thiết kế hiện đại và tinh tế dường như vẫn chưa đủ, mà môi trường sống thư giãn, thoải mái, an toàn và tiện lợi mới đang là ưu tiên lựa chọn của nhiều người”.
Một khảo sát gần đây nhất của CBRE cũng cho thấy rất nhiều gia đình trẻ quan tâm tới môi trường sống tại đô thị. Họ bày tỏ nhu cầu sống trong một đô thị xanh, tiện nghi và đẳng cấp, nơi ngôi nhà không chỉ để ở mà còn để thư giãn, nghỉ ngơi, nhưng phải gần thủ đô và chỉ mất 20 - 40 phút chạy xe tới nơi làm việc.
Dự án KĐT sinh thái Ecopark ra đời trong thời gian vừa qua như để giải tỏa “cơn khát đô thị xanh” của người dân. Dự án hiện đang cung cấp cho thị trường những sản phẩm “khá tinh tế và kỹ lưỡng” từ thiết kế bên trong đến không gian sống bên ngoài. Sự đón nhận tích cực của thị trường đã khẳng định những bước đi đúng đắn của chủ đầu tư khi đầu tư mạnh mẽ vào các hạng mục cây xanh và cảnh quan nhằm tạo sự khác biệt so với các dự án cung cấp sản phẩm cùng phân khúc.
Đây là dự án được đánh giá sẽ trở thành trung tâm của chùm đô thị phía Đông và đóng vai trò tạo đà phát triển mạnh mẽ cho trục kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng.
PV