Thông tin kinh tế nổi bật tuần:

Bảy lao động “nuôi” một công chức; Tăng kịch trần thuế môi trường xăng

(Dân trí) - Thuế môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít từ đầu năm 2019 - đây là thông tin gây chú ý nhất tuần qua bên cạnh những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay công bố của Tổng cục Thống kê về đối tượng hưởng lương ngân sách.

Xử lý hàng loạt cá nhân sai phạm trong 12 dự án yếu kém ngành công thương

Tại cuộc họp xử lý tồn tại, yếu kém với 12 dự án, doanh nghiệp ngành công thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết nhiều cá nhân có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Hiện nay, công tác tiến hành kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, sai phạm đã có một số kết quả đối với các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Thuế môi trường với xăng tăng lên mức kịch trần từ ngày 1/1/2019

Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019.

Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới
Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới

Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít. Dầu hỏa sẽ tăng thuế môi trường từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít; Dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; Dầu nhờn và mỡ nhờn cũng tăng từ mức 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại vẫn cho rằng việc tăng thuế với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường. Theo đó, với những mặt hàng có tác động tới thị trường, Chính phủ nên có đánh giá tác động đầy đủ cả hiệu ứng xã hội sẽ bao quát, đầy đủ hơn.

Đường sắt đô thị đội vốn tỷ USD: Lại tăng vay nợ nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình gửi Chính phủ về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý là, kết quả rà soát kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài 2016-2020 cho thấy, tổng nhu cầu vốn nước ngoài dự kiến là hơn 359 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hạn mức Quốc hội giao chỉ là 300 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn đã “vượt trần” Quốc hội cho phép là hơn 59 nghìn tỷ đồng.

Trong số 59 nghìn tỷ đồng “vượt trần” này, số vốn phát sinh tại các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 29 nghìn tỷ; Dự án đường bộ cao tốc chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp là hơn 13,1 nghìn tỷ đồng...

Cứ 7 lao động phải “nuôi” 1 công chức, viên chức và người hưởng lương

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/07/2017, cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, mức tăng 11,3% so với năm 2012.

Cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương (ảnh minh hoạ)
Cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương (ảnh minh hoạ)

Nếu so sánh với tổng số lao động hơn 26,9 triệu lao động, bình quân cứ 7 lao động đang làm việc sẽ phải nuôi một cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khối đơn vị hành chính, sự nghiệp tại Việt Nam tính đến thời điểm ngày 01/07/2017 có số công chức, cán bộ và người hưởng lương vào khoảng 3,8 triệu người, tăng hơn 11,3% so với năm 2012.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Làm giảm thu ngân sách, tăng chi phí trả nợ vay của Việt Nam

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý, việc tăng lãi suất đồng USD và hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động lên ngân sách và nợ công của Việt Nam trên hai phương diện.

Thứ nhất, Mỹ đã áp thuế lên một số mặt hàng thương mại của Việt Nam tương tự như Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu từ hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, đồng nhân dân tệ đã giảm giá và có thể còn tiếp tục phá giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang gây áp lực lên tỷ giá trong nước theo hướng giảm giá VND, từ đó tác động tới chi phí trả nợ vay của Chính phủ.

“Đại gia” xăng dầu Nhật nói về thủ tục để mở trạm xăng thứ 3 ở Hưng Yên

Tại buổi khai trương trạm xăng dầu thứ ba sáng nay tại Khu công nghiệp Thăng Long II, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, đại diện Công ty THHH xăng dầu Idemitsu Q8 cho biết họ phải trải qua nhiều thủ tục để xin giấy phép.

Theo ông Tsurusaki, Trưởng đại diện Văn phòng Idemitsu Kosan tại Hà Nội, để mở được trạm xăng thứ ba này, Idemitsu Q8 đã phải trải qua nhiều bước như nộp hồ sơ xin nhiều loại giấy phép, thẩm tra của Ủy ban kinh tế,…

“Chúng tôi luôn luôn tôn trọng pháp luật của Việt Nam nhưng nếu có thể đẩy nhanh tiến độ trong quá trình xin giấy phép được thì rất tốt”, ông Tsurusaki nhấn mạnh.

Giá trị giao dịch bất động sản tăng “đột biến”, TPHCM yêu cầu công an vào cuộc

Theo UBND TPHCM, vừa qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng người dân, nhà đầu tư nhỏ, lẻ chuyển hướng sang mua nhà ở riêng lẻ và đất nền.

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng đầu cơ, thao túng với thông tin dự án sai lệch rồi đẩy giá để hưởng chênh lệch, dẫn đến giá trị giao dịch các loại bất động sản này tăng một cách “đột biến”, có nơi lên tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

UBND thành phố đã yêu cầu Công an TP phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật để thổi giá nhà đất hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong môi giới, giao dịch bất động sản.

Bích Diệp (tổng hợp)

Bảy lao động “nuôi” một công chức; Tăng kịch trần thuế môi trường xăng - 3