1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Bẫy” căn hộ giảm giá

Khách hàng mua căn hộ thời điểm này nên chọn những dự án đã hoặc sắp đưa vào sử dụng; chủ đầu tư có uy tín, năng lực tài chính bảo đảm…

Hàng loạt căn hộ giảm giá gần đây giúp nhiều khách hàng hưởng lợi vì có thể được lựa chọn nhà ở tại vị trí tốt, vừa túi tiền. Tuy nhiên, trong xu thế này, nhiều dự án kém hiệu quả, chủ đầu tư yếu năng lực tài chính cũng lợi dụng để “mượn gió, bẻ măng”.   

 

Làn sóng giảm giá lần 3

 

Tính đến cuối tháng 8/2012, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đã có đến 3 làn sóng giảm giá. Đợt đầu tiên là vào cuối năm 2009 đầu 2010, lúc Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nổ “phát pháo” hạ giá bán căn hộ, mở đường cho các đợt giảm giá tiếp theo của nhiều dự án khác trên cả nước. Tại dự án Hoàng Anh River View ở phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM, Công ty HAGL đã giảm giá căn hộ đến 40%, từ 2.300 USD xuống còn 1.350 USD/m2.

 

Khách hàng tập trung tại dự án Good House để đòi quyền lợi từ chủ đầu tư
Khách hàng tập trung tại dự án Good House để đòi quyền lợi từ chủ đầu tư

 

Cuối năm 2011, thị trường BĐS lại một lần nữa chứng kiến hàng loạt dự án căn hộ đua nhau giảm giá. Trong đó, dự án An Tiến trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè - TPHCM chấp nhận giảm giá 20-25% so với trước.

 

Trong làn sóng giảm giá lần 3 vừa qua, sau nhiều năm ôm hàng, những nhà đầu tư thứ cấp ở các dự án đã tiếp tục giảm từ 20% đến 30% để cắt lỗ. Trước đây, trong tổng cộng 576 căn hộ của dự án Hoàng Anh River View, HAGL bán lẻ cho khách hơn 300 căn, còn 270 căn bán sỉ cho 3 công ty là An Bình Land, Đại Tín Á Châu và Công ty CP Đầu tư - Phát triển Sacom với giá khoảng 24 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường khó khăn, mới đây, 2/3 công ty đã mạnh tay bán tháo các căn hộ đã hoàn thành này với giá chỉ 18,1 triệu đồng/m2 để cắt lỗ.

 

Động thái của 2 công ty này lập tức kéo theo nhiều nhà đầu tư thứ cấp, chủ dự án căn hộ khác đua nhau xả hàng bằng việc mạnh tay giảm giá căn hộ, tính chiết khấu lớn cho khách hàng có nhu cầu thực tế...

 

Cố đấm ăn xôi

 

Theo con số ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, tính đến quý III/2012, TPHCM có khoảng 94.000 căn hộ, phân khúc bình dân chiếm khoảng 40%. Trong đó, khoảng 50% căn hộ đã hoàn thành, 50% còn lại chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, số lượng căn hộ tồn kho còn rất lớn, trong đó nhiều dự án chỉ xong phần móng, thậm chí mới trên bản vẽ.

 

Nhiều chuyên gia địa ốc cho biết hiện nay có tình trạng một số dự án kém hiệu quả, chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang lợi dụng xu hướng giảm giá chung của thị trường căn hộ để tung hàng. Tuy nhiên, khách hàng mua những căn hộ này sẽ không biết đến khi nào được nhận, bởi dự án chưa rõ lúc nào mới hoàn thành.

 

Mới đây, hàng loạt tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư tại một số dự án trên địa bàn TPHCM cho thấy nhiều trường hợp mua căn hộ từ thời điểm thị trường giảm giá lần 1 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận nhà, thậm chí đòi lại tiền góp vốn cũng không được.

 

Các dự án đang xảy ra những tranh chấp như vậy gồm: Vạn Hưng Phát, tọa lạc tại 2 mặt tiền đường Tạ Quang Bửu và Bông Sao, phường 5, quận 8; Good House, nằm ở 113 Trương Đình Hội, phường 16, quận 8; Ngọc Phương Nam, vị trí tại 125/20 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8...

 

Theo các chuyên gia địa ốc, nếu tính số tiền mà mỗi khách hàng bỏ vào dự án thì không nhiều nhưng với số đông thì lại rất lớn. Không chỉ thế, nhiều chủ đầu tư ma mãnh còn “cố đấm ăn xôi” vì khoản tiền thu lợi từ việc huy động vốn góp của khách hàng. Chẳng hạn, khi chủ đầu tư thu 100 tỉ đồng của khách hàng, với mức lãi ngân hàng như hiện nay thì trong vòng 2 năm, họ đã có thể bỏ túi hàng chục tỉ đồng tiền lời. Trường hợp bị đòi lại tiền thì chủ đầu tư cứ kéo dài thời gian trả nợ đến khi nào khách hàng chịu không nổi, chấp nhận mất 20%-30% trên tổng số tiền đã góp vốn.

 

“Như vậy, làm ăn kiểu nào thì các chủ đầu tư dạng này vẫn có lời, còn thiệt hại phía khách hàng lãnh đủ. Do đó, khách hàng mua căn hộ thời điểm này nên chọn những dự án đã hoặc sắp đưa vào sử dụng; chủ đầu tư có uy tín, năng lực tài chính bảo đảm...” – một chuyên gia khuyến cáo.

 

Thị trường BĐS vẫn gặp khó

 

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết dù đã có thông tin về việc ngân hàng giảm lãi suất, BĐS được đưa ra khỏi danh mục hạn chế cho vay vốn… nhưng dự báo thị trường nhà đất 6 tháng cuối năm 2012 vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

 

Theo đó, số lượng BĐS giao dịch thành công không nhiều bởi khách hàng vẫn tiếp tục chờ hạ giá. Số lượng giao dịch 6 tháng đầu năm giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch…

 

Theo Tường Nguyên

NLĐ