Bầu Thắng bất ngờ rút khỏi ghế Chủ tịch KienLong Bank
(Dân trí) - Để đáp ứng quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng, nhiều doanh nhân đã chọn ghế ngân hàng thay vì doanh nghiệp, tuy nhiên, bầu Thắng đã chọn giữ ghế Chủ tịch Đồng Tâm chứ không phải là KienLong Bank.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4 tới tại Kiên Giang.
Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) dự kiến sẽ giới thiệu danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới (2018-2022) với 6 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập, 4 thành viên không điều hành và 1 thành viên điều hành.
Đáng chú ý là danh sách đề cử, ứng cử có tới 8 người nhưng không có ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), hiện đang là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Sự rút lui của bầu Thắng khỏi HĐQT KienLong Bank được cho là nhằm đáp ứng quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng, yêu cầu cá nhân không được đồng thời vừa là lãnh đạo ngân hàng vừa là lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện tại, ngoài KienLong Bank thì bầu Thắng còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Đồng Tâm.
Mặc dù bản thân bầu Thắng không nắm cổ phần ngân hàng song con trai ông là Võ Quốc Lợi lại sở hữu 4,68% cổ phần tại KienLong Bank.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tới cũng sẽ vắng bóng ông Võ Văn Châu, đang là Phó Chủ tịch HĐQT của KienLong Bank. Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Võ Văn Châu cũng đã rời ghế Tổng giám đốc KienLong Bank sau gần 4 năm phụ trách.
Danh sách 8 ứng viên là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của KienLong Bank gồm có: bà Trần Tuấn Anh là người điều hành của ngân hàng, Lê Khắc Gia Bảo, Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương, Phạm Trần Duy Huyền, Mai Hữu Tín, Lê Trung Việt là những nhân vật không phải là người điều hành của KienLong Bank. Ngoài ra còn 1 Thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Văn Trọng.
Cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ tới đây, HĐQT KienLong Bank dự trình sẽ sử dụng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (mỗi cổ phiếu nhận 800 đồng), tổng số tiền để chia cổ tức cho cổ đông vào khoảng 237 tỷ đồng.
Thù lao HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2017 được ĐHĐCĐ phê duyệt ở mức 9,6 tỷ đồng, tương đương 800 triệu đồng/tháng. Con số thực chi là 9,28 tỷ đồng và vẫn còn 322,5 triệu đồng chưa chi. Trong năm 2018, HĐQT đề xuất nâng mức thù lao lên 10,8 tỷ đồng, tương đương 900 triệu đồng/tháng.
Báo cáo của ban lãnh đạo KienLong Bank cho thấy, đến cuối năm vừa qua, ngân hàng này có tổng tài sản đạt 37.327 tỷ đồng, tăng 22,6% so với 2016; huy động vốn tăng 25,7%, tăng trưởng tín dụng 24,9% và tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,06% xuống 0,84%, lợi nhuận trước thuế đạt 252,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 201,7 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng có 4.164 tỷ đồng số dư tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác, tăng 1.074 tỷ đồng (tương ứng 34,7%) so với 2016.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 18/4, cổ phiếu KLB giảm 4% sau chuỗi tăng mạnh 5 phiên liên tục, đóng cửa tại mức 11.900 đồng/cổ phiếu.
Bích Diệp