"Bầu" Kiên - "ông trùm" của các Ngân hàng Việt Nam
Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long, Đại Á (được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank và Sacombank.
Bầu Kiên - tâm điểm cúa bóng đá Việt Nam trong năm 2011
Cướp diễn đàn, đánh tơi tả VFF
Là doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá, nhưng tên tuổi của bầu Kiên khá “chìm” so với bầu Thắng hay bầu Đức. Sở dĩ có điều trên là bởi ông trùm ngân hàng này có đặc tính không thích lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm bóng đá một cách khá căn cơ chứ không vung tiền quảng bá thương hiệu rầm rộ.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kẻ từ sau buổi hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Trong buổi hội nghị ấy, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quyết định “cấm cửa” giới truyền thông, thế nhưng bất ngờ bầu Kiên thông qua chánh văn phòng VFF Lê Hoài Anh đã gửi cho ông Hỷ một mẩu giấy với nội dung bằng mọi giá phải cho giới truyền thông vào tác nghiệp.
Khi giới truyền thông được tham dự hội nghị, bầu Kiên bất ngờ “cướp diễn đàn”, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của BTC V-League, của đội ngũ trọng tài. Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.
Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước. Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế CT HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất. Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.
VPF được thành lập chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình. PCT HĐQT VPF bất ngờ bỏ qua AVG – đơn vị đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF – để bắt tay hợp tác với VTV và VTC. "Ác liệt" hơn, ông còn làm công văn gửi lên các Bộ và thủ tướng, đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF và AVG đã ký.
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội, nuôi mộng vô địch
Siêu xe bầu Kiên thường dùng để tới sân Hàng Đẫy
Bầu Kiên thuộc hàng đại gia giàu nứt đố đổ vách, nhưng khi bước chân vào làm bóng đá, ông khá căn cơ. Không thiếu tiền nhưng ông bầu tóc bạc này không đổ tiền thực hiện những hợp đồng bom tấn gây xôn xao dư luận, không tung tiền thưởng hàng tỷ đồng cho mỗi trận thắng như bầu Đức, bầu Hiển hay bầu Trường. Thế mới có chuyện Hà Nội ACB cứ lẹt đẹt, luôn lo trụ hạng chứ chẳng mơ gì tới ngôi vô địch.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã rẽ sang một trang khác khi Hà Nội ACB phải xuống hạng vào cuối mùa giải 2011. Bầu Kiên bất ngờ mua lại Hòa Phát Hà Nội, sát nhập hai đội lại để cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội. Tiếp theo, ông trùm ngân hàng gây chấn động dư luận khi chiêu mộ thành công ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Công Vinh. Bầu Kiên luôn miệng khẳng định ông không phá giá, nhưng ai cũng hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Công Vinh lật kèo Hà Nội T&T để về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội.
Với những cầu thủ chất lượng như Công Vinh, Thành Lương, Timothy…CLB Hà Nội sở hữu lực lượng hùng hậu thuộc hàng số một Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên đội bóng mà bầu Kiên nắm được liệt vào danh sách ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch.
Bầu Kiên: Bí ẩn đại gia đầu bạc
Khác với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), hay bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T), bầu Kiên không làm chủ tịch một tập đoàn nào. Về khả năng lãnh đạo, thông tin về công việc điều hành của doanh nhân này càng mù mờ hơn. Mặc dù ông Kiên có cổ phần trong các ngân hàng, từng tham gia Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, rồi có chân trong Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, chưa có thông tin nào cho thấy ông là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp. Thậm chí, với thương vụ đình đám đầu năm 2011 khi Thiên Minh bỏ ra 45 triệu USD, trong đó Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) rót khoảng 12 triệu USD, để mua lại chuỗi resort Victoria, thì cũng không ai nhắc đến vai trò lãnh đạo của ông. Theo Nhịp cầu Đầu tư |
Theo Lâm Thỏa
Infonet