Bầu Đức "rót" tiền sang Myanmar

(Dân trí) - Nhằm giảm sự phụ thuộc vào các dự án bất động sản trong nước và phân tán rủi ro, HAGL đang đẩy mạnh đầu tư sang các lĩnh vực khác như cao su, thủy điện... đồng thời chuyển hướng dòng tiền chuyển hướng ra nước ngoài.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG), ngày 30/11 vừa rồi, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Myanmar  U Soe Thane đã trao Giấy phép đầu tư dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê “Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre” cho CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) thuộc HAGL.

Bầu Đức đang dời dòng tiền sang thị trường nước ngoài thứ 3 là Myanmar.
Bầu Đức đang "dời" dòng tiền sang thị trường nước ngoài thứ 3 là Myanmar.

Dự án có tổng diện tích 8 hecta, nằm tại trung tâm Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Thời gian hoàn thành dự án được Tổng Giám đốc HAGL Land, ông Lê Hùng, cho biết sẽ kéo dài từ 6 đến 7 năm.

Phía HAGL Land đang bàn bạc với một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với mục đích đưa hàng hóa Việt Nam sang thị trường Myanmar và thông qua Trung tâm thương mại, cạnh tranh với hàng nội địa tại Myanmar.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm cho thấy, HAGL đang sở hữu 90,74% vốn tại HAGL Land.

Tính đến cuối quý III/2012, tiền mặt của HAGL đã giảm còn 1.598,46 tỷ đồng so con số 2.578,56 tỷ đồng đạt được 3 tháng trước đó. Tồn kho giảm 1.843,27 tỷ đồng, tương ứng 35,8% so với cuối quý II. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 100 tỷ đồng lên 176,53 tỷ đồng.

Ngoài Myanmar, công ty bầu Đức còn đang rót vốn đầu tư tại thị trường Lào và Campuchia với các dự án mía đường, cao su, khai khoáng, thủy điện. Lúc phát triển tại hai thị trường này, ông chủ HAGL cho biết định hướng của công ty là thực hiện chiến lược "3 chân 3 nước".

Riêng tại Lào, vừa rồi Bộ Công thương của nước này đã có đề xuất với Bộ Công thương Việt Nam cấp hạn ngạch nhập 80.000 tấn đường của HAGL, trong khi tổng hạn ngạch nhập khẩu đường cả năm của cả nước được giao chỉ ở mức 70.000 tấn. Như vậy, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ nhập khẩu hoàn toàn khối lượng đường đồ sộ của công ty bầu Đức.

Mức thuế áp với sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai khi nhập về Việt Nam sẽ là 2,5%, chỉ bằng một nửa so mức thuế đối với doanh nghiệp ở các nước khác trong ASEAN là 5%.

Trong một báo cáo phát hành hồi tháng 7/2012, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors dự báo, tình hình kinh doanh của HAGL sẽ còn gặp khó khăn trong 12 tháng tới do tính thanh khoản vẫn ở mức yếu. Tuy nhiên, do những phản ứng từ phía HAGL cho rằng các đánh giá của S&P cũng như của một số tổ chức xếp hạng khác là chưa sát thực tế và không có sự thông báo với công ty, hiện S&P và các hãng xếp hạng tín nhiệm nước ngoài đều đã rút lui.

Mai Chi