Bất thường ở Nhà máy giấy tỷ USD: Chỉ tham vấn cộng đồng 20 người
Dự án Nhà máy giấy Lee & Man rộng 80 ha, bên bờ sông Hậu, khởi công năm 2007, sau đó do khó khăn tài chính nên dừng lại nhiều năm mới tái khởi động, nay sắp đi vào hoạt động.
Sau khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét lại dự án, ngày 23/6, Cty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đưa một số phóng viên tham quan dự án. Dự án Nhà máy giấy Lee & Man rộng 80 ha, bên bờ sông Hậu, khởi công năm 2007, sau đó do khó khăn tài chính nên dừng lại nhiều năm mới tái khởi động, nay sắp đi vào hoạt động.
Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam Chung Wai Fu khẳng định, công nghệ và thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhập từ châu Âu. Ông cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008. Tuy nhiên, quy định sau 2 năm phải đánh giá lại nên hiện các hạng mục được làm báo riêng và “đang gom lại để thống nhất”, ông nói.
Ông Chung Wai Fu không cho biết các báo cáo riêng lẻ hiện nay được tiến hành như thế nào, có tiến bộ hơn trước đây hay không? Còn báo cáo trước kia, riêng việc tham vấn các tổ chức và cộng đồng thực hiện rất sơ sài. Việc tham vấn tổ chức được gửi văn bản cho UBND và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A. Hai cơ quan này không có năng lực xem xét nên ngày 24/9/2007, gửi văn bản ủng hộ dự án với lưu ý “thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường”.
Phần tham vấn cộng đồng dân cư, do Trung tâm Công nghệ Môi trường thực hiện, khảo sát đúng 20 người dân. Khảo sát chỉ đặt vấn đề ảnh hưởng tới đất, nhà, hoa màu, không cho người dân biết nguy cơ tác động tới nguồn nước, thủy sản. Cho nên, 20 người dân kiến nghị “giải tỏa đền bù thỏa đáng”.
Chuyên gia nghiên cứu sông Mê Công và ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết, quy định của pháp luật, tham vấn các tổ chức và cộng đồng dân cư nhằm hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, sức khỏe con người.
Do hệ thống kênh rạch chằng chịt và chế độ thủy triều lên xuống mỗi ngày của sông Hậu, nếu nước thải không đạt chuẩn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng cửa sông và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. Nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng.
“Tham vấn chỉ với 20 người dân ở xã Phú Hữu A là hoàn toàn không có ý nghĩa, khó chấp nhận”, ông Thiện khẳng định.
Ông Thiện còn cho biết, dự án khổng lồ (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, xả thải mỗi ngày 20.000-50.000m3 chứa nhiều chất độc hại) nhưng kinh phí giám sát 15 chỉ tiêu chất lượng nước thải trong giai đoạn hoạt động, mỗi năm chỉ 43.960.000 đồng với tần suất giám sát 4 lần.
Theo Sáu Nghệ
Tiền Phong