"Bất thường" ngay những ngày đầu, vì sao ROS vẫn thuận lợi lên HoSE?
(Dân trí) - Hành trình tăng vốn "khủng" từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng của FLC Faros vốn đã có những điểm bất thường, thậm chí ngay từ khi cổ phiếu này được chấp thuận niêm yết trên HoSE.
Không cần tới khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) thông tin ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung và 2 em gái ông Quyết bị điều tra bổ sung về hành vi nâng khống vốn FLC Faros, nhà đầu tư vẫn có thể thấy được những điểm bất thường trong hành trình tăng vốn "khủng" của doanh nghiệp này.
Những điểm bất thường trong báo cáo tài chính
Nhìn vào báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán ASC có thể thấy tổng tài sản FLC Faros là 7.972 tỷ đồng. Chỉ tiêu này hồi đầu năm 2016 là 4.522 tỷ đồng. Phần lớn trong tổng tài sản của FLC Faros khi đó là các khoản đầu tư.
Cụ thể, ở mục tài sản ngắn hạn, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 1.169 tỷ đồng còn ở mục tài sản dài hạn, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 3.038 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền công ty mang đi đầu tư (nhưng vẫn được hạch toán vào chỉ tiêu tài sản thể hiện trên báo cáo tài chính) lên tới 4.207 tỷ đồng.
Nếu nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ROS và xem kỹ báo cáo tài chính cũng sẽ thấy đây là những khoản đầu tư ra sao.
Chiếm phần lớn trong danh sách nhận đầu tư của FLC Faros là các công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC cùng hàng loạt cá nhân khác. Trong đó, có những cá nhân là cổ đông của doanh nghiệp, góp tiền tăng vốn và có thỏa thuận ủy thác đầu tư với công ty.
Phụ lục thuyết minh báo cáo cho thấy các cá nhân này là ông Nguyễn Quang Trung, được FLC Faros ủy thác 99,4 tỷ đồng (số tiền gốc đầu năm lên tới 225 tỷ đồng) và ông Trần Văn Toản, được ủy thác 400 tỷ đồng. Hai người này góp tiền giúp FLC Faros tăng vốn, mặt khác nhận tiền chính công ty ủy thác để đầu tư.
Điểm bất thường này cũng được thể hiện ở "vấn đề cần nhấn mạnh" trong lưu ý của kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán ASC.
Về vốn chủ sở hữu, báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2016 cho thấy vốn chủ sở hữu của FLC Faros là 4.624 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu lên tới 4.300 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 3.037 tỷ đồng hồi đầu kỳ. Trong 1.262 tỷ đồng tăng thêm ở chỉ tiêu này có 800 tỷ đồng là từ việc chào bán cổ phần riêng lẻ và 462,5 tỷ đồng thu được từ 3 cổ đông góp vốn.
"Tại đợt tăng vốn điều lệ quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016", công ty kiểm toán lưu ý.
Điều này có nghĩa 3 cổ đông góp vốn từng phần thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra dưới dạng ủy thác đầu tư. Quy trình này lặp lại 18 lần chỉ trong một ngày, góp sức vào việc tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng và nâng tổng số tiền FLC Faros ủy thác đầu tư cho các cá nhân tại ngày 30/6/2016 là 1.417,2 tỷ đồng, cho các tổ chức là 2.149,2 tỷ đồng.
Công ty kiểm toán cho biết thêm, tổng số tiền lãi phải thu từ các hợp đồng ủy thác này được hạch toán trên tài khoản doanh thu tài chính là 92,9 tỷ đồng.
Tại sao ROS vẫn niêm yết thuận lợi?
Với những giao dịch tăng vốn bất thường và băn khoăn về chất lượng tài sản, tại sao FLC Faros vẫn vượt qua quy trình đăng ký niêm yết và hoàn tất thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán?
Theo quy định tại Điểm 6.4 Khoản 6 Điều 5 về Hồ sơ đăng ký niêm yết tại Quyết định 346 về quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ.
"Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không phải là các khoản ngoại trừ liên quan đến các khoản mục: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp và các khoản mục trọng yếu khác như: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả và khoản ngoại trừ do không hợp nhất công ty con", quy định nêu rõ.
Còn trong trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ đối với các khoản mục khác không phải các khoản mục nêu tại Điểm 6.4 Khoản 6, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.
Quy định là vậy, song FLC Faros, không rõ vì lý do gì, vẫn thuận lợi niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE nhiều năm và công phá các kỷ lục thị trường chứng khoán. Phải đến hôm 11/8 vừa rồi, ROS mới kết thúc hành trình tại HoSE ở mức 2.510 đồng/cổ phiếu.
Ngược dòng quá khứ, HoSE thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của FLC Faros vào ngày 18/7/2016. Một tháng sau đó, ngày 18/8/2016, báo cáo kiểm toán bán niên 2016 của FLC Faros mới được Công ty TNHH Kiểm toán ASC phát hành. Ngày 24/8/2016, ROS được chấp thuận đăng ký niêm yết trên HoSE. Tổng giám đốc HoSE khi đó là ông Trần Văn Dũng. Đến ngày 1/9/2016, ROS chính thức "chào sàn" HoSE, trở thành "tân binh" khuynh đảo thị trường suốt nhiều năm.
Chưa kể, những điểm bất thường trong tình hình tài chính của FLC Faros không chỉ được thể hiện ở báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016 mà tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 - năm trước khi ROS niêm yết trên HoSE - cũng đã xuất hiện những điểm đáng để lưu tâm.
Theo đó, mục "Lưu ý người đọc Báo cáo tài chính" được Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CFA HANOI) nêu: Trong năm 2015, FLC Faros ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với tổng số tiền là 3.332 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến hết năm 2015, tổng tài sản của FLC Faros là 4.522 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, số tiền FLC Faros dùng ủy thác đầu tư chiếm tới 73,6% tổng tài sản. Vốn góp cổ phần của FLC Faros thời điểm đó cũng chỉ có 3.037 tỷ đồng, nhỏ hơn so với tiền công ty mang đi ủy thác đầu tư.
Phần phụ lục thuyết minh tài chính thể hiện 12 hợp đồng ủy thác đầu tư, với nhiều cá nhân và tổ chức. Lãi suất ủy thác đầu tư của các hợp đồng thường giao động từ 4% đến 6% một năm cho đến ngày kết thúc thời hạn ủy thác. Nhưng như CFA HANOI chỉ ra một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn, chứ không phải thông qua giao dịch ngân hàng. Điều này có nghĩa rất có thể các hợp đồng ủy thác không có thật, mà chỉ "neo" dưới dạng tiền mặt giữa công ty với các nhà đầu tư, như hình thức để tạo tài sản "ảo".
Dòng tiền ra - vào của công ty cũng thể hiện điều này, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Dù là doanh nghiệp về xây dựng, quy mô lưu chuyển tiền của FLC Faros năm 2015 vẫn ghi nhận lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính là lớn nhất, lên tới 2.813 tỷ đồng. Công ty cũng thu 2.812 tỷ đồng từ việc tăng vốn, nhưng chi ra 2.673 tỷ đồng để cho vay dưới dạng đầu tư.
Năm 2015 cũng là thời điểm FLC Faros có bước tăng vốn "khủng", từ 225 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng, tương ứng 13,4 lần trong một năm. Bà Hương Trần Kiều Dung - một trong 4 người bị điều tra hành vi nâng khống vốn của FLC Faros - đã góp 103,5 tỷ đồng, tương ứng 3,41% vốn vào bước tăng đột biến này.
Điểm bất thường xoay quanh các hợp đồng ủy thác đầu tư "phát sinh bằng tiền mặt với giá trị lớn" cũng đã được CFA HANOI nêu rõ trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 trước đó.
Ai chịu trách nhiệm?
Trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty kiểm toán là dấu hỏi lớn đặt ra trong việc bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân, khi những điểm bất thường dù đã hiển hiện qua những con số, song ROS vẫn có thể đi một chặng đường dài.
Sau chiêu tăng vốn "ảo" để đưa 430 triệu mã ROS lên sàn giao dịch, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác do ông nhờ đứng tên, thu hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Nhìn vào những đợt vượt đỉnh, lao dốc của ROS trên sàn, có thể nhận ra những nhà đầu tư không kịp thoát hàng trước đợt "rơi tự do" của ROS từ năm 2017 tới nay đã có một bài học "xương máu".
Sau cùng, ông Quyết cùng đồng phạm sẽ có thể phải trả giá cho những sai phạm mắc phải. Song, với những nhà đầu tư trong quá khứ, lỡ "lướt sóng" ROS và mất tiền, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm vẫn là câu hỏi lớn, dù quyết định mua bán cổ phiếu vẫn là do nhà đầu tư.
Sau khi nhận "án" hủy niêm yết bắt buộc, FLC Faros có động thái triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào sáng 15/9 tại trụ sở chính tòa nhà Bamboo Airways. Bên cạnh các vấn đề xoay quanh việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên trong HĐQT, cổ đông ROS kỳ vọng ban lãnh đạo sẽ giải đáp những lùm xùm của "màn ảo thuật" tăng vốn bất thường trong quá khứ.