1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đỉnh cao và vực sâu của cổ phiếu ROS dưới thời ông Trịnh Văn Quyết

Thảo Thu

(Dân trí) - Không tính thuế, phí giao dịch, nếu một nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu ROS năm 2016, đến tháng 11/2017, số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng. Nếu giữ đến hiện tại, số vốn chỉ còn… gần 20 triệu đồng.

Trước khi biến thành mã "trà đá" với giá 2.510 đồng/cổ phiếu như hiện tại, ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từng là mã đình đám trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 với những bước tăng giá khiến giới đầu tư lúc bấy giờ phải choáng ngợp.

Sức tăng bền bỉ 

Không khó để tìm trong các hội nhóm chứng khoán trên facebook những nhà đầu tư trong quá khứ từng "tàu lượn" cùng cổ phiếu ROS. Với người từng xuống tay mua ROS, những thăng trầm cùng các đợt vượt đỉnh, lao dốc của mã này là trải nghiệm khó quên.

Quay lại thời điểm năm 2016, chỉ cần gõ cụm từ "cổ phiếu ROS", Google sẽ lập tức cho ra tới hàng trăm nghìn kết quả chỉ chưa tới một giây, với hàng loạt thông tin, bình luận và cả nghi vấn về mã này. Không chỉ thu hút sự chú ý của giới đầu tư Việt Nam, ROS còn gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế như The Wall Street Journal thời điểm đó. Khi đó, tờ này nhận định Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất châu Á nhưng lại có "cổ phiếu nổi bật" là của một công ty xây dựng "ít được biết đến trước đây", đồng thời nhắc chuyện giá ROS đã tăng hơn 10 lần kể từ đầu tháng 9/2016. 

Sức tăng bền bỉ của ROS trên sàn HoSE sau thời điểm niêm yết ngày 1/9/2016 cũng được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn là một trong 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2016.

Đỉnh cao và vực sâu của cổ phiếu ROS dưới thời ông Trịnh Văn Quyết - 1

Cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từng là cái tên đình đám trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 (Ảnh: IT).

ROS đã có mức tăng nhanh bất thường, từ 12.600 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết trên sàn lên mức 126.000 đồng vào ngày 25/11/2016, tương ứng tăng giá gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn. Khi đó, mã này đưa FLC Faros lọt danh sách 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thời điểm đó, bên cạnh những nhà đầu tư kịp "lướt sóng", nhiều quỹ ngoại cũng từng thắng lớn với ROS. ROS cũng từng là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất.

Năm 2016, thực tế không chỉ ROS mà còn nhiều mã thuộc các tập đoàn lớn khác cũng "chào sàn" HoSE. Có thể kể đến một số cái tên như ADS của Công ty cổ phần Damsan, DAH của Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á, SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)... 3 cổ phiếu kia vẫn đang được giao dịch bình thường trên HoSE cho tới nay.

Còn ROS, ngay cả khi bị HoSE công bố đình chỉ giao dịch từ ngày 5/9 thì đây vẫn được cho là cổ phiếu "lạ thường" bậc nhất sàn chứng khoán.

Với nhiều kỷ lục...

ROS từng tạo kỷ lục trên sàn chứng khoán, khi sở hữu đà tăng 35 phiên liên tiếp. Xen giữa chu kỳ tăng giá phi mã này là những phiên mua vào liên tiếp để tăng sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, khi chỉ là cổ đông lớn.

Đến tháng 5/2017, khi ông Trịnh Văn Quyết chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, ROS liên tục được "thổi giá" và lập kỷ lục lên tới trên 187.000 đồng/cổ phiếu sau điều chỉnh.

Chuỗi tăng gần như bất tận đó đã giúp ông Trịnh Văn Quyết - nhân vật sở hữu gần 290 triệu mã ROS, tương ứng 67,34% vốn FLC Faros thời điểm đó - trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt, với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá cổ phiếu nắm giữ trên sàn chứng khoán, ông Quyết thậm chí vượt Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Đỉnh cao và vực sâu của cổ phiếu ROS dưới thời ông Trịnh Văn Quyết - 2

Chuỗi tăng "bất tận" đó đã giúp ông Quyết - nhân vật sở hữu gần 290 triệu mã ROS, tương ứng 67,34% vốn FLC Faros thời điểm đó - trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.

ROS cũng từng lập kỷ lục thanh khoản của thị trường. 6 đợt thoái vốn khỏi FLC Faros trong vòng 2 tháng tại thời điểm năm 2020 của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 23,7 triệu mã ROS, tương ứng 4,17% vốn như hiện tại, đã đẩy thanh khoản ROS lên mức cao.

Trong đó, ngày 10/4/2020, ROS ghi nhận kỷ lục về thanh khoản khi 82,3 triệu cổ phiếu được sang tay. Gần 54 triệu cổ phiếu trong số này được bán ra từ ông Trịnh Văn Quyết. Trước đợt thoái vốn 3 ngày, ông Quyết đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT nên không còn nghĩa vụ báo cáo trước khi giao dịch. Thời điểm đó, cổ phiếu này vẫn giữ biên độ dao động lớn, thường tăng trần hoặc giảm sàn mỗi phiên, cùng lượng sang tay lên đến vài chục triệu cổ phiếu. Mã này cũng hay góp mặt ở top đầu các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn trên sàn.

ROS thậm chí lập kỷ lục ngay từ khi… chưa bắt đầu chính thức được giao dịch. FLC Faros thành lập từ năm 2011, với vốn điều lệ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm, vốn điều lệ của công ty đã tăng "khủng" lên 4.300 tỷ đồng.

Mức tăng tới hơn 2.860 lần so với số vốn ban đầu gây ra nhiều ngạc nhiên và cả hoài nghi, nhưng phải vài năm sau, việc này mới dần sáng tỏ. Cụ thể, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) đã thông tin ông Trịnh Văn Quyết cùng bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC và 2 em gái bị điều tra bổ sung về hành vi nâng khống vốn FLC Faros. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS và niêm yết số cổ phiếu này trên sàn chứng khoán.

Cơ quan này thông tin thêm, tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác do ông Quyết nhờ đứng tên, thu hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Rồi giảm sốc

Sau khi "dẫn dắt" sàn HoSE trong suốt năm 2016 và 2017, ROS nhường "sân khấu" cho các cổ phiếu khác. Kết thúc những pha tăng điểm bất chấp mọi quy luật thị trường, mã này bứt phá ấn tượng bao nhiêu thì hành trình giảm cũng gây "sốc" bấy nhiêu.

Lịch sử giao dịch của HoSE chưa có doanh nghiệp nào thay đổi chóng mặt đến mức chỉ 12 phiên "bốc hơi" gần 50% giá trị cổ phiếu. Diễn biến thị giá ROS "lật mặt" thậm chí không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mã cổ phiếu từng hút lượng tiền lớn tới mức lập kỷ lục thanh khoản bất ngờ mất hút lệnh đặt mua. Cổ phiếu giảm sàn liên tục. Cổ phiếu từng được "thổi phồng" bỗng thành "xẹp lép", cổ đông muốn tháo chạy cũng khó khăn khi lượng dư bán sàn nhiều phiên lên tới hàng chục triệu đơn vị. ROS quay về vùng giá "trà đá" dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, "im hơi lặng tiếng" trong suốt cả giai đoạn năm 2021 khi VN-Index liên tục thiết lập đỉnh mới cùng loạt nhóm ngành như ngân hàng, thép, bất động sản, chứng khoán… "làm mưa, làm gió" trên thị trường.

Đến đầu năm 2022, ROS leo lên mệnh giá khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng điều này không tạo xung lực tăng cho ROS. Sau vụ việc thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui, mã này lại lặp lại kịch bản cũ.

Đỉnh cao và vực sâu của cổ phiếu ROS dưới thời ông Trịnh Văn Quyết - 3

Cổ phiếu ROS từng hút lượng tiền lớn tới mức lập kỷ lục thanh khoản, bất ngờ mất hút lệnh đặt mua, cổ phiếu giảm sàn liên tục (Ảnh: Hải Long).

Vậy tại sao một "tân binh" từng khuynh đảo thị trường này không được nhà đầu tư chú ý trở lại dù thị giá đã liên tục giảm mạnh trong hơn 2 năm qua?

Thực tế, cổ phiếu "tạo sóng", song trên thị trường, không có nhiều công ty chứng khoán định giá, phân tích ROS.

Đơn vị tích cực nhất đưa ra các khuyến nghị mua ROS trong quá khứ là Công ty Chứng khoán Artex. Sau này, công ty đã đổi tên thành Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART) - nơi "thân hữu" với các doanh nghiệp hệ sinh thái FLC.

Thời điểm ROS mới lên sàn HoSE, Công ty Chứng khoán Artex nhận định cổ phiếu này có thể lên tới 85.000 đồng/cổ phiếu. Khi ROS tăng giá, công ty chứng khoán này liên tục điều chỉnh giá mục tiêu lên 115.000 đồng, 160.000 đồng… Công ty luôn nhanh chóng cập nhật các tin tức nóng sốt liên quan đến ROS trong các báo cáo.

Hồi giữa tháng 12/2016, khi ROS ở vùng đáy của đợt điều chỉnh, Công ty Chứng khoán Artex đã đưa ra giá mục tiêu ngắn hạn của ROS lên tới 150.000 đồng và mục tiêu trung, dài hạn lên 250.000 đồng/cổ phiếu, gắn với các thông tin tích cực như ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua cổ phiếu hay công ty ký loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược đầu tư. Những dự báo trên đã đưa định giá vốn hóa của ROS lên cao nhất sàn HoSE lúc bấy giờ.

Dù nằm trong rổ VN30 (30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường), ROS vẫn bị nhiều chuyên gia nhận định là "cổ phiếu rác". ROS lọt vào rổ VN30 trong đợt đánh giá tháng 7/2017. Sau này, khi vào giai đoạn rơi tự do và các quỹ như FTSE Vietnam Index (FTSE ETF), Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) loại tại đợt review quý I/2020, ROS vẫn "trụ hạng". Trải qua thời gian dài nằm ở vùng đáy, đến tháng 1/2021, HoSE mới chính thức loại ROS ra khỏi VN30, chấm dứt 3,5 năm trong rổ này.

Hay ROS cũng bị các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC và ông Trịnh Văn Quyết dùng để cầm cố tài sản vay ngân hàng. Tháng 5/2019, 3 triệu cổ phiếu ROS của Công ty TNHH MTV Quản lý Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC (FLC Hotels & Resorts) được bảo đảm cho khoản vay của chính FLC Faros tại PVComBank.

Đỉnh cao và vực sâu của cổ phiếu ROS dưới thời ông Trịnh Văn Quyết - 4

Lịch sử giá của ROS (Biểu đồ: FireAnt).

Trong quý I/2020, các công ty FLC Land, FLC Hotels & Resorts, SIP sử dụng hơn 19 triệu cổ phiếu ROS để bảo đảm cho khoản tín dụng của Tập đoàn FLC tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China - ICBC) chi nhánh Hà Nội.

Ông Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến cuối 2019 cũng sử dụng cổ phiếu ROS để thế chấp tại nhiều nhà băng như OCB, HDBank, PVComBank, NCB…

Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 5/9, theo thông tin HoSE phát ra chiều 25/8, một ngày sau khi đơn vị này gửi văn bản cho FLC Faros để cảnh báo về khả năng hủy niêm yết bắt buộc.

Hành trình thăng trầm của ROS tại HoSE sẽ chính thức tạm kết thúc. Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. ROS có thể đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM. Tại sàn có biên độ dao động lên tới 15%, chặng đường mới của ROS khiến không ít nhà đầu tư tò mò.

Mã này đã đóng cửa tại mức 2.510 đồng/cổ phiếu hôm 11/8, chịu áp lực bán tháo mạnh trước khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 12/8.