1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất thường một chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa: Dự án BĐS Du lịch không được chuyển nhượng?

(Dân trí) - Theo tin của Dân trí mới nhận được, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có một công văn chỉ đạo các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh không được chuyển nhượng và thay đổi cổ đông. Văn bản này ngay lập tức nhận được phản ứng từ các chuyên gia kinh tế và pháp luật.


Giới đầu tư, kinh doanh bất động sản ở Nha Trang bất ngờ và bức xúc với chỉ đạo ngừng giao dịch dự án BĐS của tỉnh Khánh Hòa (Ảnh minh họa)

Giới đầu tư, kinh doanh bất động sản ở Nha Trang bất ngờ và bức xúc với chỉ đạo ngừng giao dịch dự án BĐS của tỉnh Khánh Hòa (Ảnh minh họa)

Bất thường một nội dung chỉ đạo

Cụ thể, tại công văn số 12143/UBND-KGVX do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh ký ngày 27/11/2018 gửi một số sở, ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa

về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các dự án không được chuyển nhượng và thay đổi cổ đông được phản ánh là có nội dung trái luật.

Trong văn bản trên yêu cầu: Về việc cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương dự án đầu tư và xử lý vi phạm, UBND tỉnh giao các sở đơn vị, địa phương kiểm tra rà soát các quy định hiện hành và các vướng mắc trong thực tế để nghiên cứu tham mưu bãi bỏ các quy định liên quan không còn phù hợp và xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện.

Cũng trong văn bản trên, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, việc quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi chủ trương quyết định đầu tư tỉnh này lưu ý đến 4 nội dung cơ bản như: Cơ sở pháp lý, trình tự thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với hồ sơ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Biểu mẫu, nội dung của quyết định chủ trương đầu tư; Xử lý, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp về giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh dự án và cuối cùng là nội dung theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm.

Đáng nói nhất, đề cập việc ngăn ngừa chuyển nhượng dự án không đúng quy định, tại khoản a trong văn ban UBND tỉnh Khánh Hòa ghi: “Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách”.

Giới chuyên gia, doanh nghiệp: Tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo trái luật

Gần như ngay lập tức, giới doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, pháp lý đã có những phản ứng tức thì với văn bản này nhất là ở khoản a, điều 2 của văn bản nêu trên. Theo một số chuyên gia pháp lý, nếu quy định trên được thực hiện sẽ gây khó khăn lớn, trực tiếp đến các doanh nghiệp đã và đang hoạt động kinh doanh lâu dài tại Khánh Hoà

Trao đổi với báo chí , ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam khẳng định ngay: “Khoản a, điều 2 trong văn bản của tỉnh Khánh Hòa là trái với tinh thần và quy định của Luật Doanh nghiệp”.

"Chủ đầu tư các dự án hầu hết là pháp nhân doanh nghiệp không phải cá nhân. Luật Doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp tăng vốn, cho phép thay đổi người đại diện, sang nhượng cổ phần... Vì vậy, chỉ nên quy định như khoản b của điều 2 thực hiện khoanh đối tượng dự án là các dự án có vi phạm quy định pháp luật", ông Nam nói.

Một doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại Nha Trang (giấu tên) nêu ý kiến: “Trong bối cảnh tình hình thị trường BĐS năm vừa qua không thuận lợi như những năm trước, thì tỉnh Khánh Hoà giao Sở Kế hoạch Đầu tư kiểm tra và xây dựng quy chế cơ chế không để doanh nghiệp chuyển nhượng và thay đổi cổ đông như thêm một “giấy phép con” dồn sức ép lên doanh nghiệp trong thủ tục hành chính trong khi thủ tục hành chính cần được thông thoáng hơn để khuyến khích nhà đầu tư”.

Luật sư: Cấm chuyển nhượng cổ phần là sai Luật Doanh nghiệp

Theo Luật sư Lương Ngọc Đinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí, việc UBND tỉnh Khánh Hoà cho rằng hành vi thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa việc chuyển nhượng dự án không đúng quy định là trái luật.


Văn bản được cho là trái luật của UBND tỉnh Khánh Hòa

Văn bản được cho là "trái luật" của UBND tỉnh Khánh Hòa

"Quyền tự do chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, vốn góp của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp là một trong những quyền cơ bản mà mỗi cổ đông, thành viên sở hữu vốn góp đã được pháp luật cho phép. Điều này được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp năm 2014", Luật sư này nói.

Theo phân tích của Luật sư Lương Ngọc Đinh, khi nhận chuyển nhượng, mua bán cổ phần, vốn góp thì bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông, thành viên góp vốn mới, ta gọi đây là các chủ sở hữu của doanh nghiệp.

"Dự án đầu tư cũng là một loại tài sản như các tài sản khác của doanh nghiệp. Các chủ sở hữu muốn phát triển dự án thì phải có nguồn lực tài chính để thực hiện. Hay nói cách khác đi, doanh nghiệp nào kinh doanh cũng mong muốn có lợi nhuận, muốn có lợi nhuận thì các chủ sở hữu phải tìm cách tạo ra tài sản của doanh nghiệp có giá trị để bán đi", ông nói.

"Hoặc trong thời gian phát triển dự án, các chủ sở hữu của doanh nghiệp theo nhu cầu riêng của mình không muốn tiếp tục điều hành doanh nghiệp nữa và họ có nhu cầu bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của mình. Vậy cơ sở nào để nhận định và đánh giá việc thay đổi cổ đông sáng lập, thành viên vốn góp doanh nghiệp là việc chuyển nhượng dự án không đúng quy định?", Luật sư Đinh nêu câu hỏi.

Theo vị Luật sư này, quy định trên của tỉnh Khánh Hòa sẽ làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân, hệ quả sẽ phát sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều dự án treo khi các chủ sở hữu của doanh nghiệp sở hữu dự án không đủ nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án nhưng lại không thể chuyển nhượng, mua bán cổ phần, vốn góp của mình để bên nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án.

Luật sư Lương Ngọc Đinh cho rằng, UBND tỉnh Khánh Hoà cần đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, cụ thể cần xem xét lại văn bản trên, không nên ngăn ngừa việc chuyển nhượng dự án thông qua việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, thành viên vốn góp khi họ có nhu cầu chuyển nhượng, mua bán cổ phần, vốn góp trong doanh nghiệp. Trường hợp cần kiểm soát tiến độ thực hiện dự án, cơ quan nhà nước cần căn cứ theo quy định của pháp luật về ký quỹ thực hiện dự án để có mức chế tài hợp lý khi nhà đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Hà Nguyễn

Bất thường một chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa: Dự án BĐS Du lịch không được chuyển nhượng? - 3