1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất ngờ sau "nước cờ lớn" của VinFast, pha cứu nguy ngoạn mục từ VIC

Mai Chi

(Dân trí) - Trong bối cảnh áp lực xả hàng diễn ra trên diện rộng, tài khoản nhiều nhà đầu tư "bốc hơi" mạnh thì VIC đã "cứu" thị trường một cách ngoạn mục với mức giá áp trần sau thông tin về VinFast.

Bất ngờ sau nước cờ lớn của VinFast, pha cứu nguy ngoạn mục từ VIC - 1

Sau thông tin dự kiến IPO VinFast trên thị trường Mỹ, cổ phiếu VIC có lúc tăng trần đã kéo chứng khoán "thoát hiểm" (Ảnh: VF).

Cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục là mã "gánh" thị trường trong phiên 13/4. 

Theo đó, trong phiên 13/4, áp lực chốt lời rất mạnh khiến có tới 641 mã giảm giá trên toàn thị trường, 12 mã giảm sàn so với 329 mã tăng giá, 52 mã tăng trần. Sắc đỏ bao trùm. Hầu hết chỉ số chính đều mất điểm.

Bất ngờ sau nước cờ lớn của VinFast, pha cứu nguy ngoạn mục từ VIC - 2

Thị trường "đỏ lửa", hơn 1 tỷ USD đã được giải ngân để mua cổ phiếu (Ảnh chụp màn hình).

VN-Index mất 4,12 điểm tương ứng 0,33% còn 1.248,33 điểm trong khi VN30-Index giảm 0,84 điểm tương ứng 0,07% còn 1.277,35 điểm. Điều đáng nói là do vẫn có một số mã tăng giá như VIC, VNM, VHM, VPB, NVL nên mức giảm của chỉ số không lớn. Riêng VIC đã giảm thiệt hại cho VN-Index tới 7,8 điểm.

VIC tăng 6,6% lên 140.700 đồng và ở thời điểm đầu phiên tăng trần lên 141.200 đồng. Diễn biến tăng trần rất hiếm khi gặp ở VIC, tuy nhiên đã xảy ra ngay chính trong phiên thị trường điều chỉnh trên diện rộng. Nhờ đó, tâm lý thị trường đã ổn định hơn và "cứu" thị trường tránh được hoảng loạn bán tháo.

Với diễn biến này, vốn hóa VIC trên sàn HSX tăng mạnh lên 457.908 tỷ đồng, vượt xa các mã còn lại. VCB hôm qua giảm về 97.500 đồng/cổ phiếu, theo đó, vốn hóa cổ phiếu cũng sụt còn 361.615,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, theo ghi nhận của Forbes, tăng nhanh. Chỉ trong 1 ngày đã tăng 596 triệu USD, nâng giá trị khối tài sản ròng của người giàu nhất Việt Nam lên 9,6 tỷ USD.

VIC tăng giá mạnh sau khi có thông tin trên Bloomberg cho hay Vingroup đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD.

VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Nếu thành công, hãng xe này sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ. 

Bất ngờ sau nước cờ lớn của VinFast, pha cứu nguy ngoạn mục từ VIC - 3

VIC đang bỏ xa các mã cổ phiếu còn lại về giá trị vốn hóa (Ảnh chụp màn hình).

Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bluechip giảm sâu. TCH giảm 5%; STB giảm 3,2%; POW giảm 2,8%; CTG giảm 2,7%; BVH giảm 2,6%; SSI giảm 2,5%; BID giảm 2,5%; GAS giảm 2,2%; HPG giảm 2,1%...

Nhóm penny và midcap lập tức cũng bị chốt lời hàng loạt. VNSML-Index giảm tới 14,37 điểm tương ứng 1,06% còn VNMID-Index giảm 24,49 điểm tương ứng 1,59%.

Trong đó, FLC giảm mạnh 5,7%; FRT giảm 4,4%; HBC giảm 4,2%; HCM giảm 4%; DXG giảm 3,8%; ASM giảm 3,7%; QBS giảm 6,2%; CTI giảm 6,1%; TSC giảm 5,7%; TCD giảm 5,7%; VID giảm 5,3%...

Trên sàn HNX, chỉ số giảm khá mạnh 3,35 điểm tương ứng giảm 1,13% còn 292,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,97 điểm tương ứng 1,16% còn 83,13 điểm.

Đáng chú ý là trong phiên này sàn HSX vẫn tái diễn tình trạng "đơ", nghẽn ngay từ phiên buổi sáng. Nhiều nhà đầu tư phản ánh họ không thể sửa lệnh hoặc thực hiện bán cổ phiếu khi cổ phiếu trong tài khoản giảm để chốt lãi, hiện thực hóa lợi nhuận.

Giữa bối cảnh đó, thanh khoản thị trường vẫn lên rất cao. Khối lượng giao dịch trên HSX hôm qua tăng đột biến lên hơn 1 tỷ cổ phiếu giao dịch, giá trị giao dịch cũng cán mốc tỷ USD, đạt 23.470,48 tỷ đồng.

HNX có 227,36 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.911,36 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 114,56 triệu cổ phiếu tương ứng 1.556,16 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh trong một vài phiên trước khi quay lại đà tăng điểm ngắn hạn.

Về tổng thể, chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.275-1.300 điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường.

Còn nhóm phân tích tại AseanSC cho rằng, trong bối cảnh thị trường không có thông tin gì xấu, và báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang đến gần, thì việc VN-Index rung lắc trong phiên gần 20 điểm là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm