Bất hợp lý đường cong lãi suất
(Dân trí) - Thị trường ngân hàng đã tồn tại đường cong lãi suất trong một thời gian dài. Khi nền kinh tế đi dần vào ổn định, tính thanh khoản hệ thống được cải thiện, cũng là lúc các ngân hàng nên điều chỉnh đường cong này trở về quy luật vốn có của nó.
Những đường cong phá vỡ quy luật
Trong những tháng đầu năm, lạm phát tăng cao, huy động vốn của các ngân hàng chậm lại, tình trạng căng thẳng nguồn vốn và tính thanh khoản đã làm đau đầu không chỉ các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo ngân hàng, mà còn tạo nỗi lo cho người dân.
Lúc này hàng loạt các ngân hàng đã vào “cuộc đua” lãi suất huy động với mức lãi suất tiền gửi tăng gần hết khả năng cho phép theo trần thỏa thuận giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng đều điều chỉnh mức lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn cao hơn nhiều so với kỳ hạn dài.
Cá biệt, có những ngân hàng còn tung ra thị trường chương trình lãi suất linh hoạt với kỳ hạn cực ngắn như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 9 đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi quyết định áp lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn lên đến 9%/năm - một sự vượt trội so với mức 3% - 3,6%/năm thường thấy ở các ngân hàng khác đối với kỳ hạn này. Sau đó, vào ngày 14/5, ngân hàng này lại tiếp tục “gây sốc” khi áp dụng sản phẩm “Đầu tư qua đêm hưởng lãi suất cao” lên đến 11%/năm.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đưa ra sản phẩm “Tiết kiệm qua đêm 24h” với lãi suất lên tới 10%/năm. Các ngân hàng: Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… cũng điều chỉnh biểu lãi suất đối với các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tuần, từ 10% - 10,5%/năm.
Còn thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế đi dần vào ổn định, nguồn vốn vay của ngân hàng dư cung, tính thanh khoản của các hệ thống được cải thiện, những sản phẩm gây sốc một thời đã không còn.
Nhưng đường cong lãi suất bất hợp lý vẫn tồn tại ở bảng lãi suất huy động VND, các kỳ hạn ngắn vẫn cao hơn nhiều so với kỳ hạn dài ở hầu hết các ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, ACB, Oceabank, ABBank, LienVietBank, SHB…
Điển hình như ACB, lãi suất tiền gửi VND lĩnh lãi tháng của kỳ hạn 1 - 2 - 3 tháng là: 15,7% - 15,5% - 15,75%; 6 tháng 15,5%; đến 24 tháng chỉ còn 10,95% và kỳ hạn 36 tháng là 10,2%. Hay như Vietcombank, kỳ hạn 1 - 2 - 3 tháng là 15% - 15,5% - 16,8%; còn các kỳ hạn 24 - 36 - 48 - 60 tháng chỉ là 13,5%...
Theo đánh giá của chính đại diện các ngân hàng, thì những mức huy động này không đúng với bản chất hoạt động của ngân hàng, bởi người gửi tiền kỳ hạn dài phải được hưởng lãi suất cao hơn kỳ hạn ngắn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tuần qua, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức: nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước không kỳ hạn là 3,43%/năm, 3 - 6 tháng là 16,98%/năm, 12 tháng là 17,07%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có các mức lãi suất tương ứng như: 3,73% - 17,7% - 17,39% - 16,7%/năm.
Kêu gọi để có đường cong chuẩn
Với những bất cập trên, hôm qua 14/10, Hiệp hội Ngân hàng có công văn kêu gọi các hội viên điều chỉnh đường cong lãi suất từng bước trở lại như thông lệ, sau khi các thành viên hiệp hội tại hai miền Bắc - Nam nhóm họp vào tuần trước.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bà Dương Thu Hương: “Các thành viên dự họp đã tham gia đóng góp rất sôi nổi về nhiều vấn đề có tính thời sự hiện nay liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, trước tình hình thanh khoản của các ngân hàng đảm bảo tốt, các tổ chức hội viên đều thống nhất cao là đã đến lúc các ngân hàng phải nghiên cứu để điều chỉnh lãi suất huy động”.
Tuy nhiên, về huy động vốn theo tuần, các hội viên phía Bắc thống nhất bỏ huy động vốn tuần vì tình hình vốn khả dụng không còn căng thẳng như trước đây, thậm chí có lúc biểu hiện dư thừa, nên chỉ huy động vốn không kỳ hạn và các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Ngược lại, hội viên các tỉnh phía Nam lại đề nghị giữ nguyên loại huy động vốn theo tuần như hiện nay, vì do yêu cầu thị trường và để đa dạng các sản phẩm huy động vốn.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng thấy cần thống nhất một số vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, tuỳ theo nhu cầu của thị trường và tình hình thực tế của mỗi Tổ chức Hội viên để từng tổ chức Hội viên tự quyết định các kỳ hạn huy động vốn;
Thứ hai, các tổ chức hội viên tuỳ theo tình hình thực tế của đơn vị mình mà quyết định các loại sản phẩm huy động vốn và giá của từng loại sản phẩm đó. Tuy nhiên, mỗi tổ chức hội viên phải tự xây dựng lộ trình điều chỉnh đường cong lãi suất để từng bước hướng tới thông lệ: vốn huy động có thời hạn dài thì lãi suất cao hơn vốn huy động có thời hạn ngắn để khuyến khích người gửi tiền dài hạn, giúp các ngân hàng thương mại có nguồn vốn ổn định để chủ động kế hoạch đầu tư, góp phần phục vụ nền kinh tế có hiệu quả.
Bà Dương Thu Hương nhấn mạnh: “Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và sự điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà Nước, có chính sách ưu tiên vốn cho vay các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần phát triển sản xuất, ổn định an sinh xã hội”.
Và một khi đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường vốn được tái lập sẽ giúp cho chính bản thân các ngân hàng thương mại xác định được lãi suất huy động dài hạn ở mức hợp lý; khuyến khích người dân và ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu (tín phiếu) kho bạc.
Nguyễn Hiền