Bất động sản Việt Nam: Giao dịch đang trở lại, dù còn khó khăn
(Dân trí) - Theo Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam khó phục hồi ngay trong năm nay, mà có thể phải đợi tới năm sau, 2015.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Theo CBRE, chỉ có 1.500 căn hộ được bán ra tại Hà Nội trong quý đầu tiên năm 2014. Con số này tuy gấp 5 năm so với lượng bán ra trong cùng kỳ 2 năm trước nhưng vẫn chưa là gì so với đỉnh cao 15.000 căn vào năm 2009. Tại TPHCM, doanh số bán trong quý đầu tiên tăng gấp 3 lên 2.263 căn hộ nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh lên tới 13.000 căn vào năm 2010.
"Vẫn còn nhiều trở ngại", ông Richard Leech, giám đốc điều hành CBRE tại Hà Nội trả lời phỏng vấn trên Bloomberg. "Mặc dù tình hình kinh tế đã ổn định, nhưng người dân vẫn thiếu niềm tin vào thị trường với lo ngại lãi suất sẽ tăng trở lại".
Doanh số bán nhà trong quý đầu đã phản ánh những khó khăn của thị trường bất động sản, đặc biệt là đối với khu vực ngoại ô thành phố, Leech nói. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn gặp trở ngại bởi các khoản nợ xấu, trong đó 1/3 gắn với các khoản vay bất động sản. Các ngân hàng hiện đang lên kế hoạch cho một gói cho vay để kích thích thị trường bất động sản trong khi các nhà hoạch định chính sách thì cắt giảm lãi suất vào tháng trước nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Các gói cho vay
Cuối tháng 5 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phê duyệt gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, rất ít người mua nhà và doanh nghiệp tiếp cận được gói ưu đãi này. Tháng trước, một vài tổ chức tài chính đã công bố về kế hoạch xây dựng một gói tín dụng cho bất động sản lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Thế giới ước tính nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm nay. Đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, kinh tế tăng trưởng dưới 7%. NHNN đã cắt giảm lãi suất trong tháng trước và cho biết đang đẩy mạnh nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả kế hoạch bánđầu giá tài sản nợ xấu của các ngân hàng. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc tới đề xuất nới lỏng điều kiện mua nhà đối với người nước ngoài.
Adam McCarty, kinh tế trưởng tại Hà Nội của Mekong Economics cho biết, tài sản của giới giàu Việt Nam đang giảm dần đi cùng với đà rơi của thị trường bất động sản. Thêm vào đó, khi thị trường bất động sản lao dốc, người dân cắt giảm chi tiêu đã tác động tới nền kinh tế.
"Hầu hết mọi người giàu lên nhờ bất động sản", McCarty cho biết. "Họ đang nhìn thấy tiền của mình mất đi trên giấy khi mà giá nhà đã giảm tới 30% trong vài năm qua. Rất nhiều người có nợ. Thị trường trì trệ".
"Vài năm trước, giới đầu cơ gần như là "đánh bạc" với các căn hộ khi chỉ cần đặt cọc và lên kế hoạch bán lại trong 1 hoặc 2 tháng. Tuy nhiên, khi thị trường giảm mạnh, họ đã không thể bán nhà", McCarty nói thêm.
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài
Tuy vậy, thị trường cũng nhìn thấy sự cải thiện của một vài phân khúc, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển miền Trung và các chung cư cao cấp tại khu vực trung tâm Hà Nội, TPHCM, Leech nói. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy niềm tin vào thị trường nhiều hơn so với người mua trong nước.
Việt Nam đã thu hút được các công ty bất động sản quốc tế, bao gồm cả CapitaLand hay Mapletree.
Theo Leech, giá nhà chung cư tại Hà Nội và TPHCM thường ít biến động trong quý đầu tiên. Về triển vọng trong năm nay, Leech cho rằng ít có khả năng phục hồi.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thị trường bất động sản sẽ diễn biến tốt hơn trong dài hạn và sự phục hồi sẽ diễn ra từ từ.
"Phục hồi chậm sẽ từ từ tạo lập lại niềm tin cho thị trường và bền vững hơn", Leech nói.
Phương Dung