Bất động sản Đồng Nai: Dự án nhiều, rủi ro lớn
(Dân trí) - Khi đầu tư bất động sản ở Đồng Nai, cần chú ý đến vị trí dự án; kết nối vùng và cơ sở hạ tầng. Đầu tư không phải vì hiện trạng bây giờ mà là tiềm năng tương lai. Nhà đầu tư hãy thận trọng, rà soát pháp lý thật kỹ để tránh rủi ro.
Đó là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế tại buổi toạ đàm "Thị trường bất động sản Đồng Nai - Nhận diện cơ hội và rủi ro" diễn ra tại TPHCM hôm qua (14/9).
Cấm tách thửa vì... "cò" thổi giá?!
Ông Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có 300 dự án đã và đang làm bồi thường. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang vay ngân hàng với lãi suất cao dẫn đến rủi ro lớn.
Ông Lâm cũng lý giải về việc tỉnh Đồng Nai hạn chế cho tách thửa. Theo ông Lâm, BĐS Long Thành gần đây có sốt ảo do một số cò mồi thổi giá, đất thì chưa có quy hoạch, đất nông nghiệp… nên chưa làm sổ đỏ được.
Đối với vấn đề cầu cơ, ông Lê Hoàng Châu, CHủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, ai cũng có thể là nhà đầu tư, kể cả là mua đi bán lại. Tuy nhiên, nạn đầu cơ đang hoành hành thị trường bất động sản. Đầu cơ là hành vi thu gom lượng lớn sản phẩm đủ để chi phối giá, sau đó làm giá theo ý mình và khống chế thị trường.
"Nếu hành vi đầu cơ đơn lẻ, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng thì còn chấp nhận được, nhưng đầu cơ theo quy mô làm lũng đoạn thị trường thì vô cùng nguy hiểm", ông Châu nói.
Luật sư Lâm Đăng Phúc cho biết, mua bán thông qua giấy viết tay có thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa. Nếu chưa là sai luật, vì luật quy định chỉ được mua bán bất động sản khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, khách hàng sẽ gánh chịu thiệt hại hết.
Ở góc độ là doanh nghiệp, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs cho rằng, thị trường BĐS Đồng Nai tiềm năng nhưng đầy rủi ro. Theo đó, bà Tú khuyên khi đầu tư, cần để ý đến yếu tố: vị trí dự án; kết nối vùng và cơ sở hạ tầng...
"Đầu tư không phải vì hiện trạng bây giờ mà là tiềm năng tương lai. Tôi có lời khuyên cho nhà đầu tư hãy chậm lại, rà soát pháp lý thật kỹ để tránh rủi ro", bà Cẩm Tú nói.
Cơ hội từ hạ tầng
Ông Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đối với BĐS thì bài toán cơ sở hạ tầng, giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tiếp đó, mới chính là năng lực tài chính của chủ đầu tư.
“Một căn nhà có giá trị khi giao thông nội đô đầy đủ. Thị trường bất động sản Đồng Nai đang hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng giao thông, nhất là việc dự án sân bay Long Thành sắp được triển khai”, ông Lâm nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, giao thông là vấn đề then chốt, nếu không được giải quyết, khu đô thị sẽ bị cô lập.
Theo ông Khương, hạ tầng giao thông mang lại sinh lực cho bất động sản Đồng Nai. Bên cạnh đó, dựa trên khung phát triển giao thông vùng, tỉnh Đồng Nai còn định hướng phát triển các trục hướng tâm, các trục vành đai để đảm bảo kết nối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, vùng Tây nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.
Chính định hướng này đã giúp tỉnh Đồng Nai có được sức hấp dẫn cụ thể đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi quỹ đất tại TPHCM đang ngày càng thu hẹp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, Đồng Nai nổi bật là thị trường đất nền, nhất là vị trí địa lý tự nhiên của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là sát cạnh TPHCM. Sắp tới, khi nối tuyến cao tốc từ ngã ba Dầu Giây ra Phan Thiết thì bất động sản thị xã Long Khánh sẽ phát triển hơn.
Tuy nhiên, ông Châu cũng cảnh báo về những “quả lừa” trong quá khứ. “Ngày xưa có “bánh vẽ” thành phố mới Nhơn Trạch cho nhà đầu tư, người mua. Ngay cả Nhơn Trạch hiện nay vẫn chưa là thị trấn, thì làm sao có thể nói đến câu chuyện đô thị loại 1, loại 2", ông Châu nói.
Công Quang