Bất chấp nắng nóng đỉnh điểm, tiểu thương mở bán bánh trung thu sớm
(Dân trí) - Còn 2 tháng nữa mới đến rằm tháng 8 nhưng bánh trung thu đã được rao bán rầm rộ trên khắp chợ mạng, sàn thương mại điện tử.
Không còn phải chờ đến Tết trung thu, ngay từ tháng 6 âm lịch, người tiêu dùng đã có thể đặt mua bánh trung thu về ăn sớm. Năm nay, giá bánh vẫn ở mức ổn định, dao động 35.000 - 50.000 đồng/chiếc với đủ các vị từ truyền thống cho đến hiện đại.
Chị Nguyễn Dung Nhi (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, nhà chị mới mua cặp bánh trung thu về thắp hương. Do là vụ bánh sớm nên chị phải đặt hàng với chủ quán trước một tuần. Chị chọn 2 vị nhân bánh là thập cẩm và đậu xanh. Trong đó, bánh nướng vị thập cẩm là 40.000 đồng/chiếc, bánh dẻo đậu xanh là 35.000 đồng/chiếc.
"Các tiệm bán bánh trung thu sớm thường mở đơn vào ngày mùng một hoặc ngày rằm để mọi người tiện mua về thắp hương. Dòng bánh này đa phần là làm handmade, không có chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn. Do đó, sau khi xin lộc, nhà tôi thường ăn luôn hoặc bỏ tủ lạnh" - chị kể.
Chị Nhi tiết lộ, năm nào nhà chị cũng đặt mua bánh trung thu sớm vì cảm thấy ăn trước sẽ ngon hơn. Ngoài mua về thưởng thức, chị còn làm quà biếu tặng cho 2 bên gia đình, bạn bè, khách hàng.
Là thợ làm bánh chuyên nghiệp ở Hà Nội, chị Thu Thủy cho biết, để chuẩn bị cho Tết trung thu, ngay từ tháng 5, tháng 6 âm lịch là chị đã phải đi đến các cửa hàng chọn hộp, chọn nguyên liệu. Đồng thời, chị cũng mở đơn, nhận làm bánh trung thu sớm.
"Nếu làm bánh sớm, tôi chỉ nhận đơn cho khách đặt trước. Trung bình mỗi tháng, tôi làm 2 mẻ, mỗi mẻ 80 - 100 chiếc. Bánh có 2 vị là truyền thống và hiện đại, tùy vào nguyên liệu mà mỗi chiếc sẽ có giá 60.000 - 80.000 đồng/chiếc" - chị nói.
Theo chị Thủy, trên thị trường hiện nay dù có nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng, được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nhưng nhiều người vẫn thích tìm đến các loại bánh handmade, truyền thống. Tuy dòng bánh này không để được lâu nhưng ăn an toàn, không sợ có chất bảo quản, phù hợp cho nhà có người già và trẻ nhỏ.
"Làm bánh trung thu thì khâu nào cũng quan trọng cả nhưng quan trọng nhất vẫn bước chọn nguyên liệu. Nguyên liệu có chuẩn, sạch thì lên bánh mới chuẩn vị, thơm ngon" - chị khẳng định.
Ngoài ra, chị Thủy tiết lộ, chính vụ trung thu năm ngoái, mỗi ngày, nhà chị bán ra thị trường hàng trăm chiếc bánh. Để kịp tiến độ, chị còn phải thuê thêm thợ, liên tục tăng ca, làm hàng trả khách.
Không nằm ngoài cuộc đua, nhiều khách sạn 5 sao, nhà hàng lớn ở Hà Nội cũng bắt đầu mở dịch vụ, nhận đặt làm bánh trung thu sớm. Đơn cử, một khách sạn hạng sang trên đường Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội) đưa ra 6 gợi ý về bộ sưu tập bánh Trung thu năm 2021 cho khách hàng.
Tùy vào kích thước, số lượng bánh, mỗi hộp bánh mà khách sạn này làm ra sẽ có giá từ 800.000 đồng/hộp đến 3,5 triệu đồng/hộp. Theo quảng cáo, hộp bánh trung thu trị giá 3,5 triệu đồng sẽ bao gồm một chai rượu, 4 bánh lớn, 4 bánh nhỏ với các vị đặc trưng là hạt sen, khoai môn, trà xanh, đậu đỏ.
Theo tiết lộ của nhân viên khách sạn, bánh trung thu hiện đã được mở bán, với khách mua từ 10 - 40 hộp sẽ được giảm 10% trên tổng hóa đơn, 41 - 80 hộp sẽ giảm 15%, 81 - 200 hộp là giảm 20%.
Ngoài ra, hiện nay, trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử, nhiều tiểu thương còn rao bán loại bánh trung thu mini có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá siêu rẻ, chỉ với giá 5.000 đồng/chiếc. Thậm chí, ở nhiều nơi, có người còn bán loại bán này theo cân, từ 100.000 đồng/kg.
Một tài khoản facebook có tên Linh Hân rao: "Năm nay, bánh trung thu mini nhà em về nhiều mã mới. Quy cách đóng thùng 5 kg, hạn dùng 5 tháng. Bánh chỉ từ 130.000 đồng/kg mix đủ các vị".
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, loại bánh trung thu mini được đóng gói sơ sài, trên bao bì chỉ có chữ Trung Quốc, không có tem phụ, nhãn mác bằng tiếng Việt.
Thế nên, trước khi mua hàng, người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận để tránh mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.