Bất chấp khủng hoảng giá heo, lợi nhuận Masan vẫn tăng mạnh

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm cho thấy Masan Consumer, Masan Resources, và Techcombank đều đạt được kết quả xuất sắc giúp lợi nhuận hợp nhất của Masan tăng 3 lần…

Bất chấp khủng hoảng giá heo, lợi nhuận Masan vẫn tăng mạnh - 1

Chia cổ tức 0%, giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018 thông qua 18 nội dung mà HĐQT trình, trong đó có kế hoạch kinh doanh, phát hành cổ phiếu và chia cổ tức.

Một trong 18 nội dung được cổ đông thông qua là kế hoạch kinh doanh hợp nhất 2018. Theo đó, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 54.000-47.000 tỷ đồng (2 mức dự báo thấp và cao), tỷ lệ tăng trưởng 20-25% so với 2017; lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty là 3.400-4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10-30% so với 2017; lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty sau khi trừ các khoản thu nhập bất thường là 3.400-4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 55-80% so với 2017.

Bất chấp khủng hoảng giá heo, lợi nhuận Masan vẫn tăng mạnh - 2

Theo chỉ tiêu kinh doanh 2018, Masan Group đã trở lại chu kỳ tăng trưởng và với dự báo tăng trưởng ở mọi công ty thành viên bao gồm: Masan Consumer Holdings (MCH), Masan Nutri-Science (MNS), Masan Resources (MSR), Tecombank và các công ty liên kết.

Cổ đông của Masan cũng thông qua phương chia cổ tức 2017 bằng tiền ở mức 0%. Như vậy, Masan đang giữ lại lợi nhuận, tập trung phân phối cho các quỹ và tăng dòng tiền tái đầu tư cho các hạng mục đầu tư của công ty.

Cũng tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Masan Group cho biết, ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) thôi vị trí quản lý này cũng như thành viên HĐQT nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng. Điều này cũng tương tự với nhiều doanh nhân đang giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng và doanh nghiệp khác.

Dự báo tăng trưởng trên 20% nhờ Masan Consumer Holdings và Masan Resources

Theo báo cáo, doanh thu thuần của Masan Group ổn định ở mức 8.274 tỷ đồng trong Quý 1/2018 dù khủng hoảng giá heo kéo dài đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Masan Nutri-Science. Ban Điều hành kỳ vọng vào tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018 do giá heo đã tăng trở lại lên 40.000 đồng/kg vào tháng 4/2018 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, Masan Consumer Holdings và Masan Resources đều đạt kết quả kinh doanh vượt trội.


Doanh thu thuần hợp nhất của Masan được dự báo tăng trưởng trên 20% nhờ Masan Consumer Holdings và Masan Resources

Doanh thu thuần hợp nhất của Masan được dự báo tăng trưởng trên 20% nhờ Masan Consumer Holdings và Masan Resources

EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hợp nhất tăng trưởng 39,9% lên 2.606 tỷ đồng trong Quý 1/2018 so với mức 1.863 tỷ đồng trong Quý 1/2017 do việc quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng. Ngoài ra, mức tăng trưởng EBITDA cao nhờ vào tăng trưởng từ các lĩnh vực kinh doanh với biên lợi nhuận cao, và Techcombank tiếp tục đạt tăng trưởng ấn tượng.

Với Techcombank, Quý 1/2018, Techcombank đạt tăng trưởng Tổng lợi nhuận hoạt động (“TOI”) 26,8% lên 4.660 tỷ đồng trong Quý 1/2018 so với 3.675 tỷ đồng trong Quý 1/2017 theo đà tăng trưởng mạnh trong năm trước nhờ vào phương châm “đặt khách hàng vào trung tâm”. Lợi nhuận trước thuế tăng lên 2.569 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 1.325 tỷ đồng trong Quý 1/2017. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng giảm trong cùng kỳ, xuống 1,87% từ 1,89% trong Quý 1/2017…

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng 3,4 lần trong Quý 1/2018 so với Quý 1/2017 lên mức 816 tỷ đồng, và biên lợi nhuận thuần tăng lên 9,8% trong Quý 1/2018 từ mức 2,8% trong Quý 1/2017 chủ yếu nhờ vào việc vận hành hiệu quả và giảm chi phí tài chính thuần.

“Kết quả kinh doanh Quý 1/2018 đã cho thấy sự thận trọng khi chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2018. Masan Consumer, Masan Resources, và Techcombank đều đạt được kết quả xuất sắc. ”Khủng hoảng giá heo” dường như đã ở phía sau, nhưng quan trọng hơn, chúng ta đã vượt hơn nữa chặng đường trong hành trình mang đến sản phẩm thịt có thương hiệu trong Quý 4/2018”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Masan Group chia sẻ.

Với kết quả Quý 1/2018 và giá hàng hoá hiện tại, Ban Điều hành đang hướng đến mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông Công ty tương ứng là 7.300 – 8.000 tỷ đồng và 600 – 1.000 tỷ đồng.

Doanh thu thuần hợp nhất được dự báo sẽ tăng trưởng trên 20% do tăng trưởng hai chữ số của Masan Consumer Holdings và Masan Resources

Trong đó, MCH được dự báo sẽ tăng trưởng trên 30%, nhờ vào chiến lược chuyển đổi sang các sản phẩm cao cấp và phát kiến cho các sản phẩm mới trong ngành gia vị và thực phẩm tiện lợi, kết hợp với đà tăng trưởng tốt của lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến.

Phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MNS được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức khoảng 19.500 – 19.950 tỷ đồng trong năm 2018 do thị trường thức ăn chăn nuôi cần khoảng 6 tháng (từ nái đến heo con) để phục hồi hoàn toàn.

Còn MSR được dự báo sẽ tăng trưởng trên 30% do giá vonfram phục hồi và hiệu quả hoạt động được cải thiện. MSR sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội nhằm đạt được tầm nhìn là trở thành một công ty chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu.

Sáng kiến của công ty là nhằm tối ưu hoá nhà máy chế biến hoá chất vonfram, giúp thu mua và chế biến thêm gần 3.000 tấn, tương đương gần 50% lượng hoá chất Núi Pháo có thể cung cấp. Sáng kiến này là một phần chiến lược của MSR nhằm gia tăng thị phần hoá chất vonfram toàn cầu và cải thiện lợi nhuận. Trong năm 2017, công ty liên doanh, vốn đang sở hữu nhà máy chế biến hoá chất vonfram, đạt EBITDA là 398 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 195 tỷ đồng. Trong năm 2018, lợi nhuận của công ty liên doanh được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi.

Thu Vân