1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất cập vì 2-3 Bộ ngành cùng kiểm tra 1 mặt hàng

(Dân trí) - Chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành với 1.501 mặt hàng, thậm chí 2-3 Bộ ngành cùng kiểm tra 1 mặt hàng.

Chiều 19/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Đề án “Đối mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019.

Hiện nay, phần lớn các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã chuyển về giai đoạn sau thông quan, tập trung vào một đầu mối.

Thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn, từ mức trung bình 7 ngày xuống mức phổ biến 1 - 3 ngày; dài nhất là 10 - 25 ngày đối với mặt hàng xe ô tô, xe máy chuyên dùng, sản phẩm công nghệ thông tin.

Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan giảm từ mức gần 26% năm 2015 xuống 19,1% hiện nay.

Bất cập vì 2-3 Bộ ngành cùng kiểm tra 1 mặt hàng - 1
Cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Đề án “Đối mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, chiều 19/2

Theo Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính), đến tháng 12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm rất thấp với mức 12.600 mặt hàng, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ là phải cắt giảm 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019. Nhiều hàng hóa phải kiểm tra nhưng chưa được các bộ ban hành đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật.

Đáng chú ý là còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành với 1.501 mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạn việc giao cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu trừ một số mặt hàng liên quan đến quốc phòng-an ninh và các lĩnh vực hàng hóa nhạy cảm khác.

Ông Mai Tiến Dũng đánh giá, thời gian qua, công tác kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành có nhiều tiến bộ. Thay vì có những mặt hàng nhiều cơ quan kiểm tra như trước đây, đến nay số mặt hàng chồng chéo đã giảm đáng kể.

Hàng hóa kiểm tra chuyên ngành áp dụng hình thức hậu kiểm thay vì tiền kiểm. “Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại cần được nhận diện, cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa” - ông Dũng nêu rõ.

Hiện tỷ lệ lô hàng không bảo đảm chất lượng được phát hiện trong số các lô hàng được kiểm tra ở mức rất thấp. Các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm tra hàng hóa, dẫn đến cách làm mò mẫm, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro không triệt để, áp dụng công nghệ chưa hiệu quả.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng vẫn còn tình trạng chồng chéo, 2-3 Bộ kiểm tra một mặt hàng, dẫn đến kéo dài thời gian, tăng chi phí, hiệu quả thấp. Nhấn mạnh cải cách hành chính là dư địa cho tăng trưởng, cần ủng hộ tư tưởng cải cách.

“Kiểm soát chất lượng hàng hóa phải đi liền với bảo đảm sức khỏe người dân, trật tự xã hội, quốc phòng an ninh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Châu Như Quỳnh