1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bất bình vì doanh nghiệp toàn người xăm trổ, dùng đao kiếm, bạo lực

(Dân trí) - “Tôi ủng hộ cấm. Vì không có doanh nghiệp nào như các công ty đòi nợ thuê lại có lực lượng lao động toàn người xăm trổ, phương tiện lao động là đao kiếm, phương pháp hoạt động là bạo lực”.

Ông Mai Văn Bộ - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn An Giang - nêu quan điểm về dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê trong phiên thảo luận về dự án Luật đầu tư sửa đổi, chiều nay (26/5).

Cấm hay không cấm?

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1: Quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.  

Phương án 2: Không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

Lý giải về phương án này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Bất bình vì doanh nghiệp toàn người xăm trổ, dùng đao kiếm, bạo lực - 1
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Đoàn Bắc)

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

Báo cáo nêu rõ: Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội.

Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội.

Hoạt động kiểu xã hội đen

ĐB Mai Văn Bộ (đoàn An Giang) nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ cấm. Vì không có doanh nghiệp nào như các công ty đòi nợ thuê lại có lực lượng lao động toàn người xăm trổ, phương tiện lao động là đao kiếm, phương pháp hoạt động là bạo lực. Hoạt động của loại hình dịch vụ này không những gân bất ổn đối với xã hội, còn làm mất miềm tin của nhân dân đối với cơ quan chức năng”.

Cùng ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắc) cho hay: “Tôi rất băn khoăn về loại hình dịch vụ này vì các số liệu cho thấy rất nhiều công ty hoạt động đòi nợ thuê đều có câu kết hoạt động với các băng nhóm tội phạm”.

Dẫn chứng số liệu chứng minh, nữ ĐB đoàn Đắk Lắk cho hay: Năm 2019 trong 125 doanh nghiệp trên toàn quốc hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê thì có tới 80 doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử lý vì có dấu hiệu hoạt động kiểu xã hội đen. “Đây là con số đáng suy nghĩ, đề nghị các ĐB lưu tâm” - ĐB Xuân nhấn mạnh.

Bất bình vì doanh nghiệp toàn người xăm trổ, dùng đao kiếm, bạo lực - 2
Hình ảnh bị đòi nợ của một gia đình (ảnh: Lao động)

ĐB Xuân cũng cho biết trước tính chất phức tạp của loại hình dịch vụ đòi nợ thuê, TP.HCM từng có văn bản kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ về việc cấm loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo đánh giá tác động cho thấy loại hình này không có sự đóng góp vào ngân sách, không đóng góp nhiều cho xã hội.

“Tại sao chúng ta không hướng đến thiết chế thu hồi nợ lành mạnh, văn minh khác như giải quyết qua toà án. Tôi kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính của ngành toà án để việc xử lý nợ, thu hồi nợ được tiến hành nhanh hơn” - ĐB Xuân nêu ý kiến.

Không cấm, đổi tên cho… nhẹ nhàng

Ủng hộ phương án 2, ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị đổi tên gọi loại dịch vụ này là thu hồi nợ, để cho “nhẹ nhành” hơn.

“Nếu thực hiện theo phương án 1 thì nghe có vẻ hợp lý, nhưng không thể ngành nào nhà nước quản lý khó thì cấm kinh doanh. Vì thực tế cấm nhưng xã hội có nhu cầu thì vẫn tồn tại trá hình dẫn đến chúng ta rất khó quản lý” - ĐB Hoà nói.

Vị đại biểu này đề nghị pháp luật cần quy định chặt chẽ, ràng buộc hơn nếu cho phép loại hình kinh doanh này, trong đó quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu tổ chức xã hội đen, đồng thời xử lý nghiêm minh nếu hoạt động đòi nợ vi phạm pháp luật.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cũng cho rằng không nên cấm loại hình kinh doanh này và cần đổi tên nếu giữ phương án này. Ông dẫn chứng Luật của Thái Lan, Mỹ và Hàn Quốc dùng từ “thu hộ nợ” nghe nhẹ nhàng hơn là “đòi nợ”.

“Vừa qua, cá nhân đi vay có nhu cầu lớn. Người cho vay không thu hồi được thì hạn chế cho vay. Để khuyến khích mở rộng tín dụng cá nhân thì nên để dịch vụ này. Luật của nhiều nước như Thái Lan, Mỹ… đã quy định rất chuẩn mực để loại hình này hoạt động trong đó quy định cả thời gian đòi nợ, hay không được tiếp cận với người quen của người nợ để đảm bảo cả uy tín của người đi vay” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trước khi trình Quốc hội, Chính phủ cũng đã cân nhắc rất kỹ, công phu. Quá trình thảo luận, Chính phủ đã làm rất công phu, tổ chức lấy ý kiến, tổ chức hội thảo, xem xét đánh giá thận trọng, sau đó các ý kiến trong Chính phủ đã thống nhất đưa ra phương án cấm loại hình dịch vụ đòi nợ thuê.

“Tôi xin khẳng định phương án Chính phủ đưa ra là đầy đủ cơ sở, tha thiết đề nghị các ĐB ủng hộ phương án 1” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trước Quốc hội.

Châu Như Quỳnh