Vẫn lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi
(Dân trí) - Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong chăn nuôi là vô cùng quan trọng nhưng kết quả kiểm tra tại 6 tỉnh trọng điểm chăn nuôi cho thấy gần 20% mẫu thức chăn chăn nuôi không đảm bảo chất lương, vi phạm chỉ tiêu an toàn và có chất cấm...
Năm 2014 đươc coi là một năm khởi sắc của ngành chăn nuôi Việt Nam: Được mùa, được giá và người chăn nuôi có lãi. Trong quý I/2015, ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng 4,85%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn hiện hữu như: vấn đề chất lượng và VSATTP, giá thành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và giá thành sản phẩm vẫn cao….
Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 11,69 triệu tấn nguyên liệu TĂCN gia súc, gia cầm và thủy sản với tổng trị giá 4,87 tỷ USD, trong đó nguyên liệu giàu đạm là 5,38 triệu tấn, nguyên liêu giàu năng lượng là 5,91 triệu tấn.
“Vẫn còn hiện tượng lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định tại Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 06/4 tại Hà Nội.
Theo ông Dương, trong năm 2014, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra chất lượng TĂCN tại 6 tỉnh trọng điểm gồm 88 cơ sở sản xuất TĂCN, 71 cơ sở kinh doanh TĂCN, 256 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, 33 cơ sở giết mổ lợn, 14 cơ sở kinh doanh thịt lợn.
Các cơ quan chức năng đã lấy 329 mẫu TĂCN, 311 mẫu nước tiểu lợn thịt, 346 mẫu thịt, gan, thận lợn. Kết quả kiểm tra cho thấy: 11,6% mẫu TĂCN vi phạm các chỉ tiêu chất lượng như protein thô, axit amin, khoáng…vv; 2,4% mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn, 5,2% số mẫu dương tính với chất cấm.
Có 3,86% số mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm; 17,7% số mẫu thịt, gan, thận có tồn dư kháng sinh, không có mẫu dương tính với chất cấm.
Các cơ quan liên quan đã xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm tổng số tiền là 545,55 triệu đồng.
Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất TĂCN không đạt chất lượng
Trong năm 2015, Cục Chăn nuôi đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, gia công, nhập khẩu TĂCN, tập trung vào các cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; cơ sở sản xuất TĂCN bổ sung, cơ sở xếp loại C, cơ sở không có địa chỉ rõ ràng.
Đồng thời kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh TĂCN, thuốc thú y, tâp trung vào các cơ sở kinh doanh TĂCN bổ sung và thuốc thú y, cơ sở xếp loại C, cơ sở ko có địa chỉ rõ ràng.
Đối với cơ sở chăn nuôi, công tác kiểm tra sẽ tập trung vào nhóm có nguy cơ cao như các cơ sở tự phối trộn thức ăn, sử dụng thức ăn tận dụng từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khu công nghiệp; kiểm tra các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt lợn.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Việt Nam xác định khâu giống và TĂCN là hai khâu đột phá để giám giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng cường năng lực chuẩn bị cho việc Việt Nam chính thức tham gia cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Theo Thứ trưởng Tám, việc phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN nhằm tăng cường kiểm tra với tần suất cao hơn với các cơ sở loại C trong điều kiện nhân lực hiện có. Tuy nhiên, mức độ kiểm tra các cơ sở sản xuất TĂCN loại C ở các địa phương mới đạt khoảng 50%, trong tỷ lệ tái phạm lên tới 60-70% do việc xử lý chưa nghiêm.
Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguyên liệu chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bởi người chăn nuôi, nhất là hộ nhỏ lẻ cũng rất quan trọng vì nhiều nông dân vẫn sử dụng vật tư kém chất lượng và trôi nổi.
Nguyên An