Báo động tình trạng tăng nhập sắt thép thành phẩm về Việt nam

(Dân trí) - Tỷ lệ nhập khẩu phôi thép về Việt Nam ngày càng giảm, trong khi đó sắt thép thành phẩm đang chiếm gần như tuyệt đối. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 98% lượng nhập sắt thép trong ba tháng qua là sắt thép thành phẩm: thép ống, thép cây, cuộn... thuộc danh mục thép xây dựng.

Theo số liệu hết 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập hơn 4,6 triệu tấn sắt thép, kim ngạch đạt 1,67 tỷ USD, ba tháng đầu năm 2017, Việt Nam giảm nhập chỉ còn 4,2 triệu tấn, nhưng giá trị nhập khẩu tăng lên 2,36 tỷ USD.

Lượng giảm nhưng giá tăng mạnh

Hiện tượng giảm về lượng nhập nhưng tăng về kim ngạch theo lý giải của giới chuyên gia là do phần giảm về lượng nhập phôi thép được thay thế bằng tăng về lượng nhập sắt thép thành phẩm. Đều này khiến cho kim ngạch nhập khẩu sắt thép dù giảm hơn 400.000 tấn nhưng đã làm tăng hơn 700 triệu USD. Bên cạnh đó, giá thép trên thế giới trong tháng 3/2017 cũng đã nhích tăng so với thời điểm đầu năm do nền kinh tế bước vào sản xuất.

Thay vì tăng nhập phôi thép về sản xuất trong nước, hiện hơn 98% lượng sắt thép nhập khẩu là thép thành phẩm
Thay vì tăng nhập phôi thép về sản xuất trong nước, hiện hơn 98% lượng sắt thép nhập khẩu là thép thành phẩm

Về tỷ trọng, nhập khẩu phôi thép về Việt Nam đang giảm đi trông thấy, từ 600.000 tấn 3 tháng năm 2016 (chiếm 13% tổng lượng sắt thép nhập khẩu); nay chỉ còn hơn 110.000 tấn (chỉ chiếm 2% tổng lượng sắt thép nhập khẩu). Đây là minh chứng cho thấy, lượng sắt thép thành phẩm (nhiều nhất là thép cây, cuộn, thép thanh...) thuộc danh mục thép xây dựng và các kim loại hợp kim khác đang được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam.

Hiện tượng nhập khẩu ngày càng nhiều sắt thép về Việt Nam không còn là nhập phôi thép, quặng sắt để cung cấp cho các nhà máy luyện sắt thép nữa. Việt Nam đã và đang trở thành thị trường tiêu thụ thép của nước ngoài, trong đó lớn nhất là Trung Quốc. Đáng lo hơn, hiện sắt thép nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam đang tăng giá, tính trung bình, 3 tháng đầu năm 2016, giá thép nhập về chỉ đạt 8,2 triệu đồng/tấn, nhưng nay là 12,8 triệu đồng/tấn.

Điều đáng nói, hiện tỷ lệ sắt thép nhập khẩu về Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn chiếm đa số. Ba tháng đầu năm, trong hơn 4,2 triệu tấn sắt thép nhập khẩu từ các thị trường về Việt Nam, sắt thép các loại nhập từ Trung Quốc đã chiếm 50%. Về kim ngạch, sắt thép từ Trung Quốc cũng chiếm hơn 70% các thị trường thép nhập khẩu về Việt Nam.

Từ năm 2015, sắt thép Trung Quốc bắt đầu đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam do Việt Nam bắt buộc phải thực hiện cơ chế xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do song phương ASEAN và Trung Quốc. Mặt hàng thép và phôi thép Trung Quốc nằm trong hơn 3.600 mặt hàng mà Việt Nam và nhiều nước ASEAN phải dỡ bỏ thuế ngay từ năm 2015 đến 2018.

Thép xây dựng Trung Quốc đổ bộ Việt Nam

Cụ thể, tại Thông tư số 166/2014 của Bộ Tài chính, thuế đối với nhiều mặt hàng sắt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 2015 bị cắt bỏ từ 55% và 25% (trước 2010) xuống mức thấp nhất là 0%. Trong đó thép thanh không hợp kim có mức thuế cao nhất là 20%, phôi thép, quặng có mức thuế 5% và đặc biệt thép cuộn cán nóng của Trung Quốc được bỏ thuế khi vào Việt Nam.

Trên thực tế, sắt thép Trung Quốc hiện rẻ hơn so với giá thép sản xuất trong nước bởi công suất các nhà máy thép của Trung Quốc hiện vào khoảng 1 tỷ tấn/năm, trong khi đó nhu cầu trong nước năm 2017 theo dự báo chỉ khoảng 700 đến 705 triệu tấn, số còn lại bắt buộc phải xuất khẩu.

Hiện thông qua Ngân hàng Eximbank Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi cho các đối tác nước ngoài vay để mua thép của nước này với lãi suất trả chậm. Nhiều công trình đầu tư hình thức ODA sang các nước khác cũng được nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng chiêu thức này để tiêu thụ sản phẩm dư thừa trong nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận: Với công suất thép của Trung Quốc như hiện nay, ngay cả cường quốc sản xuất thép lớn là Nga và Hàn Quốc cũng thua nếu cạnh tranh về giá. Trước đây, Việt Nam thường xuyên nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc nhưng hiện tại mặt hàng này đã giảm do sản xuất trong nước đã đáp ứng được. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thép thành phẩm lại gia tăng, đây là quan ngại lớn bởi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của thép trong nước.

Trong quý I/2017, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản lượng thép của các nhà máy thép trong nước đạt 2,2 triệu tấn, tăng hơn 355.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Giá sắt thép từ đầu năm đến nay tăng so với cùng kỳ năm trước từ 8 -12%. Hiện, giá thép tấm có xuất xứ Trung Quốc có giá giao tại cảng nước xuất khẩu (FOB) là 10,5 - 10,7 triệu đồng/tấn, giảm từ 5 - 10USD/tấn. Giá thép cuộn xây dựng Trung Quốc là 11,5 -12 triệu đồng/tấn, thấp hơn 10 - 12 USD/ tấn so với mặt hàng cùng loại trong nước và thấp hơn so với mức giá nhập khẩu chung 3 tháng đầu năm (12,8 triệu đồng/tấn).

Nguyễn Tuyền