“Báo động tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động”
(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, bên cạnh kết quả tích cực thì chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp.
Các thành viên Ủy ban Kinh tế lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu và vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.
Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng. Xuất siêu doanh nghiệp FDI đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
“Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay” – ông Giàu cho biết.
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.
Ngoài ra, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Việc thực hiện một số chính sách mới như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp.
Đây là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn nhưng mức độ đi vào cuộc sống còn hạn chế, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và đưa ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.
Bích Diệp