Báo động sự “biến tướng” của hàng Tàu gắn mác hàng Việt

(Dân trí) - Như căn bệnh trầm kha chưa có thuốc đặc trị, hàng Trung Quốc gắn mác Việt không chỉ lừa phỉnh người tiêu dùng, đe dọa doanh nghiệp Việt mà nguy cơ những mặt hàng này sẽ giả hàng Việt để xuất khẩu. Đây là hệ quả khôn lường đối với kinh tế…

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam. Tại Tọa đàm Xây dựng và Bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được tổ chức mới đây, thống kê bước đầu, các cơ quan chức năng cho biết, 5 tháng đầu năm,  đã có 8.800 vụ hàng giả bị bắt giữ. 

M
Một số mặt hàng trong lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đều mang các thương hiệu sản xuất trong nước với dòng chữ "Made in Vietnam"

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đáng quan ngại nhất, ngoài các vụ hàng giả được sản xuất trong nước, hàng giả các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài thì có rất nhiều hàng giả từ Trung Quốc có in tem, bao bì, nhãn mác và xuất xứ tại Việt Nam.

Các mặt hàng bị làm giả đa dạng, từ hoa quả, thịt động vật, bánh kẹo, phụ liệu chế biến món ăn, thuốc đến các sản phẩm mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng công nghiệp như máy lọc nước, thép tôn, inox không gỉ…. của các thương hiệu trong nước.

Chỉ riêng trong tháng 1/2015 ba địa phương là Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn, các lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều hàng hóa Trung Quốc đưa về Việt Nam. Khi kiểm tra các kiện hàng được đóng gói bằng chữ Trung Quốc, lực lượng chức năng đã phát hiện các thương hiệu bột ngọt, vàng, phụ tùng xe đạp đều ghi được sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam). Các mặt hàng này đang trên đường vận chuyển về tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

Đầu tháng 3/2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da mang các thương hiệu ngoại như Nike, Gucci, Versace… được ghi rõ sản xuất tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống hàng giả cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, nguy cơ hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc tuồn về Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc ngày một nhiều. Đặc biệt, xu hướng hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt không suy giảm mà còn gia tăng do có sự cấu kết của các cá nhân, tổ chức từ Việt Nam, khiến các lực lượng chống buôn lậu, truy quét hàng giả gặp nhiều khó khăn.

Hay như mới đây nhất, ngày 21/6, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam bị can Nguyễn Huy Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo bản cáo trạng, Thọ sang Trung Quốc đặt sản xuất các Bếp từ; bếp điện từ, bếp điện hồng ngoại, lò vi sóng… mang thương hiệu “Romal” hoặc “Kucy” của Italy, Đức và Malaysia… Sau đó, đối tượng này nhập hàng, bóc tem, nhãn của ghi sản xuất tại Trung Quốc - “Made in China” để thay bằng dòng chữ "Made in Italy" hay "Made in Germany", "Made in Maylaysia" để bán với mức giá cao gấp 5 lần giá nhập từ Trung Quốc

Ngày 17/6, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 6.076 ván gỗ sàn được làm giả hàng nhập khẩu từ Đức nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc ở 1 công ty tại Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng cũng thu giữ 2.500 tem nhãn giả mạo để chuyên “phù phép” hàng giả mạo.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ngoài đánh lừa người tiêu dùng Việt, phá hoại thị trường trong nước, có hiện tượng móc nối của các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc với các cá nhân Việt Nam để đưa các mặt hàng này trở thành hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường thế giới, nơi mà Việt Nam đang được ưu đãi thuế suất 0%.

Với xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp những đơn hàng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín chất lượng của hàng Việt trong mắt người tiêu dùng nước ngoài. Nguy cơ bị kiện và mất thị trường rất cao.

“Khả năng và công nghệ làm giả, Trung Quốc là số 1 thế giới. Thế giới từng rất e sợ khả năng làm hàng nhái, hàng giả của Trung Quốc. Hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc còn ra đời nhanh hơn cả hàng thật. Hàng Việt bị làm giả đa phần là những mặt hàng có thị trường, có thương hiệu. Bên cạnh đó, là những mặt hàng người tiêu dùng quan tâm, mua nhiều như các mặt hàng xách tay của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Sống trong hoàn cảnh như vậy, nếu hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc vào nhiều hơn, DN Việt Nam khó sống lắm”, ông Cẩn nói.
 
Đứng về góc độ kinh tế, theo các chuyên gia hiện có hai mặt trận hàng giả, hàng lậu mà Việt Nam phải chống là: hàng lậu được sản xuất tại Trung Quốc và hàng giả Trung Quốc nhái Việt Nam hoặc thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Chúng ta đã thành công khi cảnh báo người tiêu dùng về chất lượng và uy tín của hàng chất lượng thấp, giá rẻ của Trung Quốc đến sức  khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Người tiêu dùng, thị trường Việt Nam đã cảnh giác với hàng chất lượng kém xuất xứ từ Trung Quốc và chuyển sang tin vào hàng Việt, chất lượng Việt. Chính vì tâm lý “bài” hàng Trung Quốc khiến các tư thương nước này quay sang chú trọng hơn vào làm hàng giả mang thương hiệu Việt để tranh thủ thị trường và phá hoại nền sản xuất trong nước”.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”