“Bánh ngon” chưa đến doanh nghiệp trong nước
KFC, Lotteria, Jollibee, rồi Gloria Jean’s Coffees... liên tục mở cửa hàng ở những địa điểm đẹp tại TP.HCM và có nhiều dự đoán về sự hiện diện tiếp theo của McDonald’s và Starbucks - hai thương hiệu hàng đầu của Mỹ. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước vẫn đứng ngoài cuộc.
KFC đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng tại Việt Nam - 13-15 cửa hàng/năm. Hiện đã có 38 cửa hàng thức ăn nhanh KFC tại Việt Nam, và 3 năm nữa sẽ là 100 cửa hàng.
Những cửa hàng hoành tráng
Cùng với thương hiệu Mỹ này, tốc độ mở rộng mạng lưới của Lotteria - một thương hiệu thức ăn nhanh khác của Hàn Quốc - cũng đang chiếm những vị trí “chiến lược” ở TP.HCM. Cho đến nay, Lotteria đã có 35 cửa hàng trên cả nước.
Lotteria vẫn còn chịu lỗ để mở rộng mạng lưới, còn KFC đã có lãi sau 8 năm chờ đợi thói quen tiêu dùng người Việt thay đổi. Giá thấp nhất một phần gà rán combo cũng đã 33.000 đồng, cao hơn một tô phở đến 10.000 đồng, nhưng không ít người vẫn đồng ý móc hầu bao.
Sức hấp dẫn này khiến Pizza Hut - một “đại gia” nhà hàng của Mỹ - không thể bỏ qua. Hai nhà hàng đầu tiên của Pizza Hut, mỗi nhà hàng được đầu tư khoảng nửa triệu USD, đã lần lượt xuất hiện ở TP.HCM. Kế hoạch của “nhà hàng không chỉ có bánh pizza” này là đến năm 2010 sẽ có 20 nhà hàng tại VN, trong đó chủ yếu ở TP.HCM.
Không chỉ kinh doanh thức ăn nhanh và nhà hàng, các công ty nước ngoài cũng bắt đầu nhượng quyền thương mại vào các lĩnh vực khác. Gloria Jean’s Coffees, một thương hiệu cà phê của Úc chỉ đứng sau Starbucks (Mỹ), cũng đã mở một điểm ở TP.HCM, một ở Hà Nội và vừa nhượng quyền thứ cấp cho Tập đoàn nhà hàng Khải Silk 2.
Trong lĩnh vực sản phẩm thể thao, World of Sport - thương hiệu lớn nhất nhì Singapore - cũng đã vào Việt Nam được 2 năm, với 6 cửa hàng. Chủ doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu này cho biết, dự kiến ban đầu là phải chịu lỗ 2 năm, nhưng mới sau một năm đã thu lãi.
LJ Hooker, một gương mặt khá lạ lẫm của Úc, chuyên nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực địa ốc, cũng vừa mới mở văn phòng tại TP.HCM.
Hai thương vụ gây chú ý khác là tập đoàn siêu thị bán lẻ điện tử hàng đầu Nhật Bản Best Denki, nhượng quyền thương mại cho hệ thống siêu thị điện máy Carings (Công ty Thương mại tiếp thị Bến Thành) và hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Walt Disney của liên doanh Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam và Tập đoàn East Media Holdings Incorporation.
Trong khi đó, một chuyên gia tư vấn đầu tư cho biết thương hiệu nổi tiếng về thức ăn nhanh của Mỹ là McDonald’s sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào cuối năm nay tại Hà Nội.
Chủ nhà đứng ngoài cuộc, vì sao?
Cho đến nay, có rất ít công ty trong nước mua được nhượng quyền trực tiếp từ các thương hiệu lớn. KFC hay Pizza Hut đều nhượng quyền lại cho các công ty Singapore hay Malaysia. Riêng Lotteria (Hàn Quốc), do chính công ty mẹ đầu tư. Bà Nguyễn Phi Vân - Giám đốc điều hành Gloria Jean’s Coffees tại Việt Nam - cho rằng vì giới hạn về năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý trong ngành nhượng quyền thương mại, nên các công ty trong nước khó lọt vào “mắt xanh” của những thương hiệu toàn cầu như McDonald’s, Starbucks hay KFC.
Theo phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, với mỗi địa điểm kinh doanh McDonald’s đầu tư không dưới 1 triệu USD, Pizza Hut khoảng nửa triệu USD, Lotteria khoảng 300.000-400.000 USD, KFC khoảng 200.000 USD... Chưa kể phí nhượng quyền và những chi phí quản lý khác, khoản đầu tư trên là khá lớn đối với đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn kinh doanh lĩnh vực này.
Cũng theo chuyên gia này, doanh thu một điểm kinh doanh phải trên 20 triệu đồng/ngày mới sinh lãi. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là cách thức quản lý, giám sát chất lượng, phong cách phục vụ đúng chuẩn mực của công ty mẹ. McDonald’s chưa có mặt tại Việt Nam là do chưa tìm được đối tác ngang tầm để nhượng quyền, theo giới tư vấn đầu tư. Tương tự, Lotteria chưa nhượng quyền cho bất kỳ doanh nghiệp nào tại Việt Nam dù dự định ban đầu của công ty này là sau khi hoàn tất 30 cửa hàng sẽ bắt đầu nhượng quyền.
Nhượng quyền hấp dẫn nhưng khó sống. Các chuyên gia trong ngành thường đề cập đến sự xuất hiện như “vũ bão” của hệ thống Chicken Town (của một doanh nghiệp trong nước) vào cuối thập niên 1990, để rồi rút lui khỏi thị trường một cách lặng lẽ, như một ví dụ cho thấy kinh doanh nhượng quyền thương mại thức ăn nhanh là không dễ.
Ngày đó, Chicken Town thành công với món gà rán, nhưng về sau vì đưa thêm một số món khác vào bán như một cách làm đa dạng hóa ngành hàng đã phá vỡ mô hình chuẩn của nhượng quyền thương mại. Tình trạng khan hiếm mặt bằng kinh doanh cũng đang là nỗi đau đầu của các công ty và họ ví cuộc đua tìm kiếm mặt bằng là “cuộc chiến khốc liệt nhất”. Các công ty kinh doanh thức ăn nhanh chuyên nghiệp hóa đến mức mỗi công ty đều có một đội ngũ nhân viên chuyên đi tìm kiếm mặt bằng bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực của các công ty môi giới địa ốc.
Theo Minh Nhật
Tuổi trẻ