Bán vốn Nhà nước, cần ưu tiên doanh nghiệp nội

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với Dân trí dịp cuối năm, GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: Sang năm 2018, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá nhà nước. Trong đó việc bán vốn DNNN cần ưu tiên cho doanh nghiệp Việt thay vì để nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh.

Nhìn lại năm 2017, một trong những điểm nổi bật, có ý nghĩa đối với nền kinh tế đó là việc tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%. Không chỉ là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua của Việt Nam, GDP năm 2017 còn ấn tượng bởi sự bứt phát ngoạn mục.

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho biết đây quả là kết quả hết sức bất ngờ. Nếu hồi đầu năm 2017, sau khi công bố mức tăng trưởng 5,15% trong quý I, không ít nhận định cho rằng mục tiêu 6,7% là khó khả thi.


GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

GS. TSKH. Võ Đại Lược nói:

Năm 2017, kinh tế thế giới có sự phục hồi tốt nhưng vẫn chậm trễ. Trong khi đó tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở đạt được tốc độ có thể nói rất cao. Việt Nam là nước có môi trường đầu tư tốt, kinh tế vĩ mô ổn định. Minh chứng số vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục.

Trong năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỷ USD (tăng 44,4% so với năm 2016), giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nền kinh tế tăng trưởng cao những vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào FDI. Thống kê cho thấy, FDI chiếm tới hơn 72% tổng giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng FDI chi phối tăng trưởng quốc gia, trong khi đó giá trị gia tăng họ mang về nước họ.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế năm qua, trong đó 3 trụ cột là tái cơ cấu DNNN, ngân hàng, đầu tư công vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Nếu cổ phần hóa không cẩn thận thì các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hết, họ nắm quyền chi phối và rồi doanh nghiệp Việt vốn đã yếu thế lại càng yếu hơn.

Chủ trương của Chính phủ đó Nhà nước không đi bán bia, bán sữa là rất đúng. Nhưng trong cổ phần hóa có một vấn đề rất lớn đó là nhiều khi người ta nhắm vào giá trị đất đai chứ không phải giá trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Hiện nay chúng ta mới chỉ có nghị định, trước nhiều vấn đề phức tạp của tiến trình cổ phần hóa tôi cho rằng cần phải có luật riêng để đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước trong việc bán vốn.

Trong khi đó, nợ công mặc dù Bộ Tài chính khẳng định đã đỡ áp lực và có xu hướng giảm nhưng tôi cho rằng đây vẫn là vấn đề rất thách thức trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Nếu nợ công tiếp tục cao, chạm ngưỡng cho phép thì nền kinh tế khó có thể tăng trưởng tốt, bền vững. Bởi chỉ tính riêng tiền lãi vay đã lớn rồi. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam chi hơn 238 nghìn tỷ trả nợ gốc và lãi vay năm 2017, trong đó chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng.

Nợ công thì chưa kiểm soát được, nợ xấu thì vẫn còn là ẩn số. Nó đang được xử lý như thế nào, con số thực chất là bao nhiêu. Đó vẫn là câu hỏi mà chưa có lời giải đáp tin cậy. Khi nợ xấu cao thì lãi suất cho vay khó có thể giảm. Lãi suất cứ tiếp tục cao thế này thì doanh nghiệp lấy sức đâu cạnh tranh.

Nếu đi sâu vào các căn bản, khía cạnh của nền kinh tế sẽ thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đầu tư công kém hiệu quả, vốn giải ngân rất thấp; đã kém hiệu quả lại còn chậm trễ mà giải ngân càng chậm thì chịu lãi càng cao.

Ông vừa có nhắc tới cổ phần hoá. Cuối năm 2017, thị trường chứng kiến thương vụ thoái vốn có thể nói là đình đám nhất trong lịch sử, đó là thương vụ Sabeco. Ông đánh giá như thế nào về thương vụ này, qua đó có thể rút được kinh nghiệm gì?

Nếu cổ phần hóa mà để nước ngoài nắm quyền chi phối thì tôi cho rằng cần lo nhiều hơn mừng. Mừng vì chúng ta bán thành công và thu được về lượng tiền lớn cho vào ngân sách, nhưng lo là doanh nghiệp nước ngoài làm chủ thì thương hiệu Việt Nam sẽ như thế nào. Trong khi đó, FDI đã chi phối tới nền kinh tế rất lớn rồi.

Do vậy tôi cho rằng khi cổ phần DNNN cần ưu tiên trước hết cho các doanh nghiệp Việt, để doanh nghiệp Việt được làm chủ. Phải ưu tiên cho doanh nghiệp Việt chứ. Lúc đầu có thể họ chưa mạnh, nhưng sau đó họ sẽ mạnh. Chúng ta có thể ưu đãi về giá. Đáng bán DNNN đó 4.000 tỷ nhưng DN trong nước thì chỉ cần 3.500 tỷ thôi.

Tất nhiên phải có những tiêu chuẩn, điều kiện chứ không phải ai cũng được. Sau này những cái doanh nghiệp mang về lớn hơn rất nhiều. Điều này tôi nghĩ cũng chính là thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trước đây rất nhiều xí nghiệp quốc doanh ở Đông Đức họ chỉ bán giá 1 USD thôi. Tôi có hỏi tại sao các ông lại bán như cho không vậy thì các vị này có nói: Quan trọng là chúng tôi tìm được những quản lý giỏi. Năm nay có thể chỉ bán 1 USD nhưng năm sau nộp về ngân sách cả 1 triệu USD.

Do vậy tôi cho rằng cổ phần hóa phải theo hướng ưu tiên doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, cổ phần hóa phải trên mức 50%. Nếu cổ phần hóa dưới mức này thì Nhà nước vẫn nắm quyền quyết định, trong khi đó lại thu hút thêm được vốn tư nhân, Nếu sử dụng không hiệu quả, tiếp tục làm ăn trì trệ thì còn nguy hiểm hơn nhiều so với không cổ phần hoá.

Liệu có lo ngại về lợi ích nhóm khi chúng ta ưu ái doanh nghiệp trong nước như vậy không thưa ông? Và theo ông, số tiền sau khi bán vốn nhà nước thì nên sử dụng như thế nào?

Có chứ. Tất cả đều có thể có nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nếu chúng ta không có cơ chế quản lý tốt. Vậy nên tôi mới cho rằng cần có luật riêng về cổ phần hoá. Luật với những quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ xử lý được các vấn đề này. Qua đó chúng ta sẽ quy định ưu tiên cho ai, ưu tiên như thế nào?

Không thể hạn chế tới mức tối đa nhưng tôi cho rằng nếu có luật cũng sẽ hạn chế được tương đối. Nhưng cá nhân tôi cho rằng thà để lợi ích nhóm cho doanh nghiệp Việt còn hơn lợi ích dâng cho người nước ngoài.

Số tiền sau khi bán vốn DNNN thu về tôi cho rằng nên lập một cái quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, qua đó cho vay với lãi suất ưu đãi bất kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Đồng thời số tiền đó cũng nên để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt hai tuyến Hà Nội – Hải Phòng và TP.HCM – Vũng Tàu.

Nếu nhà nước có tiền nên mua lại 2 tuyến quan trọng nhất này rồi sau đó thu lại với mức phí rất thấp hoặc miễn phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Thu phí BOT quá cao thì doanh nghiệp không chịu nổi.

Ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế năm 2018?

- Tôi cho rằng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Có thể đạt được mức 6,5 – 6,7%. Nhưng nếu Chính phủ ráo riết thực hiện tái cơ cấu 3 chương trình tôi nói trên, đó là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, ngân hàng thì có thể sẽ không được như vậy.

Tăng trưởng cao chưa chắc đã là tốt, đặc biệt nếu tăng trưởng đó không đi kèm với chất lượng. Cần phải chuyển đối, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình khác dựa vào nội lực, công nghệ, nhân lực có chất lượng cao.

Nhận định về bức tranh kinh tế 2018, có nhiều ý kiến cho rằng tốt hơn, cũng có ý kiến cho rằng sẽ đảm hơn năm 2017. Cả 2 đều có cái lý của nó. Nếu tính theo chu kỳ tăng trưởng 10 năm thì dự báo năm 2018 sẽ có khả năng nhiều biến động kinh tế lớn. Bởi thời gian qua nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thực hiện nới lỏng tiền tệ, sau một thời gian nới lỏng thì sẽ phải thắt chặt lại. Nếu kinh tế thế giới khó khăn, việc các nước gia tăng đầu tư vào những nước có nền kinh tế vĩ mô ổn định như Việt Nam là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên trước nguồn vốn lớn rót vào, việc quản lý, cân đối như thế nào là một bài toán khó.

Bên cạnh đó những thách thức cố hữu của nền kinh tế như nợ công, nợ xấu, gánh nặng chi phí kinh doanh lớn, thủ tục hành chính còn rườm rà… tất cả đều là những lực cản lớn trong năm 2018 đòi hỏi cần tiếp tục được xử lý mạnh mẽ, thực chất.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Khánh (thực hiện)

Bán vốn Nhà nước, cần ưu tiên doanh nghiệp nội - 2