1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bàn về EVFTA: “Đây không phải là cái chợ mà muốn bán gì thì bán!”

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - EVFTA tạo áp lực để nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp. “Đây không phải là cái chợ mà muốn bán gì thì bán!”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.

Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”.

EVFTA được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Bộ trưởng Công Thương - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đây là giây phút chúng ta đã mong chờ từ lâu - giây phút đưa Hiệp định EVFTA đi vào cuộc sống.

“Nếu ví EVFTA như con đường cao tốc thì hôm nay chúng ta tự tin thông xe trên con đường này", ông Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Bàn về EVFTA: “Đây không phải là cái chợ mà muốn bán gì thì bán!” - 1

Để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, với EVFTA, cơ hội là rất lớn nếu chúng ta biết khai thác một cách hiệu quả nhưng cơ hội cũng luôn song hành cùng thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.

“Chính vì vậy mà chúng ta tổ chức hội nghị ngày hôm nay để bàn về việc thực thi Hiệp định như thế nào cho thực sự mang lại hiệu quả”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Trên cơ sở 6 nội dung lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể trong vấn đề tận dụng hiệu quả EVFTA.

Thứ nhất theo ông Tuấn Anh, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng.

"Mặc dù trong thời gian chúng ta đã làm khá mạnh, quyết liệt và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta có thể làm tốt hơn và kết quả thu được có thể tích cực hơn nữa để làm sao các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này theo hướng đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng cụ thể và đặc biệt cần xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kiến thức sâu về các FTA và EVFTA. 

Để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đây không phải là vấn đề mới. Đây là thực trạng và bài toán hóc búa mà chúng ta đã nhận thấy và gặp phải từ rất lâu rồi. Tuy vậy, với việc tham gia các FTA thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, chúng ta cần phải nhanh chóng có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực”, ông Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương cũng đề cập đến những cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ đã xác định 3 trụ cột cần khai thác lợi thế khi tham gia EVFTA.

Thứ nhất là các sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Theo Bộ trường Cường, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang EU ở mức 5 tỷ USD, chiếm 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chiếm 4% giá trị nhập khẩu về nông sản của EU. “Họ nhập khẩu 160 tỷ USD/năm, đây chính là thị trường rất tiềm năng”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.

Bàn về EVFTA: “Đây không phải là cái chợ mà muốn bán gì thì bán!” - 2

Tham gia sân chơi EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sẽ tạo áp lực buộc phải tự nâng cao chính mình đối với cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.

Điểm đáng lưu ý theo Bộ trưởng Cường, nông sản của Việt Nam - EU là các mặt hàng bổ trợ cho nhau. Việt Nam cũng rất cần ngô, đậu tương, hoá chất phục vụ cho cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp từ EU.

Thứ hai, ông Cường cho biết công nghệ của EU rất tốt, từ máy móc chế biến đến các khâu khác. “Việt Nam rất cần, khâu yếu nhất của chúng ta là khâu chế biến”, ông Cường nói.

Trụ cột thứ 3 ông Cường nhắc tới là nâng cao hiệu lực quản lý chính ngành nông nghiệp. Tham gia sân chơi EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sẽ tạo áp lực buộc phải tự nâng cao chính mình đối với cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cường, toàn bộ kế hoạch hành động khi tham gia EVFTA phải được triển khai cả ở khu vực quản lý nhà nước, doanh nghiệp, khu vực người dân.

Trong đó, khai thác hết hiệu lực hiệu quả doanh nghiệp là vấn đề quan trọng. “Chúng ta phải vượt lên chính mình. Áp lực là rất cần thiết buộc ta phải làm. Đây không phải là cái chợ mà muốn bán gì thì bán”, ông Cường nhấn mạnh, muốn tận dụng hiệu quả EVFTA phải nâng cao, hoàn thiện chính mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm