Bản lĩnh doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN- PTNT) cho rằng, không ngành nào ở Việt Nam “ăn trộm” kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài nhanh như ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nói không ngoa, khoảng 90% giám đốc điều hành các nhà máy thức ăn gia súc hiện nay từng có thời gian “đầu quân” cho doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp nội… vùng dậy

Điều đó cho thấy tuy đi sau nhưng các doanh nghiệp thức ăn trong nước đã nắm bắt rất nhanh các công nghê, công thức vốn là bí kíp của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, do tiềm lực còn yếu, nhất là tài chính nên các doanh nghiệp nội địa thường bị chèn ép, đôi khi thất thế ngay trên sân nhà.


Cán bộ kỹ thuật của Hồng Hà luôn song hành, tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Cán bộ kỹ thuật của Hồng Hà luôn song hành, tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nội lực của doanh nghiệp Việt còn rất to lớn. Bằng chứng là người Việt đã âm thầm mua đứt cám Con cò, một biểu tượng của ngành chăn nuôi Pháp quốc. Cuộc mua bán này khiến ngay cả các tập đoàn đa quốc gia cũng bất ngờ.

Những ngày này, chúng tôi tìm về “rốn” lợn Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) mới thấy không khí chăn nuôi đuổi tết gấp gáp như thế nào. Xã này có số đầu lợn nhiều gấp đôi số lợn cả huyện Bình Lục gộp lại. Đi một vòng “vương quốc lợn”, mới để ý gần như hàng quán nào ở đây cũng bán những thứ liên quan đến nghề chăn nuôi lợn. Nào đại lý cám lợn, đại lý thuốc thú y, đại lý thiết bị chuồng trại, đại lý chở lợn, rồi đại lý phối giống lợn. Nhưng nhiều nhất vẫn là các của hàng bán cám lợn.

Nói bán cám lợn cho dân dã, chứ dân Ngọc Lũ, ai đã làm chủ đại lý bán thức ăn gia súc đều có lưng vốn cỡ dăm bảy tỷ. Bởi riêng việc lấy vài trăm tấn cám của nhà máy đã phải có đôi tỷ. Hiện nhà máy nào ít tên tuổi mới bán chịu, còn hầu hết các hãng cám danh tiếng cứ “tiền trao cháo múc”, tức giao tiền mới chở cám ra khỏi cổng. Thế nên chuyện chủ đại lý bán cám đi ô tô xịn, nuôi con đi du học nước ngoài là không ít.

Làm một phép tính nhỏ, mỗi tháng Ngọc Lũ tiêu thụ trên 2.000 tấn cám lợn, tức tương ứng với công suất nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cỡ nhỏ. Có nghĩa là, nghề nuôi lợn xã này nuôi sống 1 nhà máy cám. Con lợn ở đây sống được thì nhà máy cám mới sống được. Đó là mối quan hệ hữu cơ, sống còn giữa người chăn nuôi với nhà máy.

Tôi ghé đại lý chị Du Thị Định, vừa là đại lý bán cám cho Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà, vừa tiêu thụ lợn giống, vừa trực tiếp chăn nuôi. Thật khó hình dung, người phụ nữ bé nhỏ này cùng gia đình và công nhân đang quản lý tới 1.500 đầu lợn, tương đương 1 trại chăn nuôi quốc doanh thời bao cấp. Có lúc đàn lợn tăng lên 1.800 con, chị Định vẫn chăm sóc chúng ổn thỏa. 6 năm qua, chung thủy với cám Hồng Hà, tuy không nói ra nhưng mỗi năm chị lời cả tỷ đồng.

Chị Định cho rằng, không nhất thiết cứ hàng ngoại mới chất lượng cao. Thực tế chị Định đã có dạo chuyên sử dụng thức ăn của một công ty rất lớn của Mỹ. Dĩ nhiên mác ngoại, nên giá cũng trên trời. Ngược lại, cám Hồng Hà giá khá mềm, chất lượng ổn, tính ra vẫn có lời cao hơn.


Hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn VLAS của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà

Hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn VLAS của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà

Xã chị có 4- 5 đại lý bán cám Hồng Hà, làm đã lâu nhưng rất thủy chung, chưa bao giờ họ có ý định chuyển sang bán cho hãng khác dù luôn nhận được những lời mời… có cánh như chiết khấu cao, cho nợ hàng lâu, đi du lịch châu Âu.

Tạt qua vài đại lý khác đều bán hàng nội địa nhưng ai cũng khen cám Hồng Hà rất ổn. So với các nhãn hiệu châu Âu, châu Mỹ không hề thua kém, nhưng hơn hẳn cám của các công ty Trung Quốc. Nhất là qua các “cơn bão” Melamin (2011), rồi Salbutamol, Vàng ô, người chăn nuôi trong nước đã nâng cao nhận thức, biết phân biệt đâu là hàng thật, đâu hàng rởm.

Bứt phá Hồng Hà

Hồng Hà có một quy trình sản xuất cực kỳ chặt chẽ, từ khâu nhập khẩu nguyên liệu (ngô, bã đậu nành, bột xương, bột thịt, bột cám…), từ đầu vào sản xuất đến khi ra thành phẩm. Mỗi khâu đều có máy móc kiểm tra kỹ lưỡng, bất kỳ một thành phần lạ nào xuất hiện trong thức ăn đều bị phát hiện, loại bỏ.

Phòng thí nghiệm của công ty được đầu tư năm 2012 với các trang thiết bị có thể “đọc” được hầu hết các chỉ tiêu mà công ty công bố theo tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi của Bộ NN- PTNT. Tiếp đó, Phòng phân tích đã tiến hành áp dụng hoạt động quản lý chất lượng theo ISO 17025.


Trao xe đạp điện cho đại lý và người chăn nuôi trúng thưởng.

Trao xe đạp điện cho đại lý và người chăn nuôi trúng thưởng.

ISO/IEC 17025 (phiên bản mới nhất hiện nay là ISO/IEC 17025:2005) có tên gọi đầy đủ là “yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn”, là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, do tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ISO ban hành.

Năm 2013, Phòng phân tích của Hồng Hà cũng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và được cấp số VLAS 024. Có thể nói hiện Hồng Hà đã có trong tay khá đồng bộ những “công cụ đắc lực” từ con người, máy móc để có thể kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm.

Sau 10 năm nỗ lực phát triển, từ chỗ công suất của nhà máy chỉ là 48.000 tấn/năm và năng lực bán hàng trong năm đầu tiên chưa đến 13.000 tấn/năm, năm 2011 Hồng Hà đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất mới hiện đại với mức độ tự động hóa cao để mở rộng nhà máy nâng tổng công suất lên 400.000 tấn/năm, trở thành doanh nghiệp trong nước sản xuất thức ăn chăn nuôi tầm cỡ. Sản lượng tiêu thụ năm 2011 đã đạt gần  200 ngàn tấn, hiện nay khoảng gần 300 ngàn tấn. Được biết, doanh thu của Hồng Hà đã vượt qua mốc 2.300 tỷ đồng, nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500).

Có cơ hội ngồi với những người chèo lái con thuyền Hồng Hà mới thấy khát vọng và quyết tâm của người Việt. Ông Đỗ Đức Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà là người không những có tầm mà còn hết sức có tâm với doanh nghiệp, với bà con nông dân.

Thấu hiểu, người chăn nuôi một nắng hai sương, vất vả với nghề nhưng không phải lúc nào cũng cầm chắc phần thắng. Hơn nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam còn nhỏ bé, chịu không ít va đập từ thị trường bên ngoài, giá cả liên tục trồi sụt, ngoài ra còn dịch bệnh, thiên tai. Chính vì vậy, ông Tiến luôn xác định người chăn nuôi là người bạn của công ty. Các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ cho bà con chăn nuôi của công ty cũng không nằm ngoài mục đích ấy.

Thời gian gần đây, Hồng Hà đã đẩy mạnh việc chăm sóc, hỗ trợ người chăn nuôi. Đầu năm ngoái, Hồng Hà thực hiện chương trình tặng quà, tri ân người chăn nuôi, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5/2015 với 500.000 phiếu khuyến mại, 88 xe đạp điện Nhật Bản. Tổng giá trị của chương trình lên đến 6 tỷ đồng.

Chương trình được bà con chăn nuôi hưởng ứng mạnh mẽ, tạo được tiếng vang lớn, hứa hẹn sẽ là tín hiệu khởi đầu cho “phong trào” tri ân khách hàng. Có thể sau Hồng Hà sẽ có nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI sẽ thi đua mở hầu bao dành tặng các chương trình cho người chăn nuôi.

Vĩnh Khang