1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán lẻ điện cạnh tranh sau năm 2024: Cải cách giá, xóa bỏ bù chéo

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Sau năm 2024, khách hàng lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện sẽ được cải cách theo hướng phản ánh đúng, đủ các chi phí đầu vào, không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

Giá phản ánh đúng, đủ các chi phí đầu vào hợp lý

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây đã ký ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020, phê duyệt Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam.

Theo đề án, khi chuyển sang cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong dây chuyền từ sản xuất đến tiêu thụ điện năng của hệ thống điện sẽ bao gồm 2 phân khúc cạnh tranh mua bán điện, gồm cạnh tranh trong khâu bán buôn điện và cạnh tranh trong khâu bán lẻ điện.

Tùy thuộc vào quy mô và cấp điện áp đấu nối, khách hàng sử dụng điện được lựa chọn mua điện theo mô hình mua điện trên thị trường giao ngay hoặc từ đơn vị bán lẻ điện.

Với từng mô hình, Đề án cũng đã xây dựng các cơ chế nguyên tắc vận hành, cũng như các điều kiện cần đáp ứng để triển khai thực hiện.

Về kế hoạch triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Đề án nêu rõ có 3 giai đoạn.

Bán lẻ điện cạnh tranh sau năm 2024: Cải cách giá, xóa bỏ bù chéo - 1

Từ sau năm 2024, khách hàng lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện. 

Giai đoạn 1 (đến hết năm 2021): Tập trung vào các công tác chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như: triển khai thực hiện chuyển đổi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và các văn bản pháp luật liên quan để thí điểm cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo ký hợp đồng trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện.

Giai đoạn tiếp theo (từ năm 2022 đến năm 2024): Cho phép khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay. Theo đó, về cơ chế vận hành, thực hiện chương trình thí điểm cơ chế khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị phát điện sử dụng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.

Các khách hàng sử dụng điện chưa tham gia thị trường điện tiếp tục mua điện từ các đơn vị phân phối bán lẻ điện theo biểu giá bán lẻ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024): Khách hàng lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện. Lúc này, giá bán lẻ điện đã được cải cách theo hướng điều chỉnh phù hợp phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ, không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

Các khách hàng sử dụng điện được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện theo lộ trình phù hợp với quy mô tiêu thụ điện và cấp điện áp đấu nối của khách hàng sử dụng điện do Bộ Công Thương ban hành trong từng giai đoạn.

Giá điện ra sao khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh?

Như đã đề cập ở trên, sau 2024, các khách hàng sẽ được lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện. Lúc này, giá bán lẻ điện đã được cải cách theo hướng điều chỉnh phù hợp phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ, không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

Trong phiên giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định năm từ 2024, giá điện sẽ có tăng, có giảm, do thị trường quyết định. Trước đó, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc giá điện trước nay chỉ có tăng, không có giảm.

Trao đổi với PV Dân trí, một số chuyên gia đều nhận định, giá điện có thể tăng, giảm trong năm nếu áp dụng điều chỉnh giá điện theo mùa còn nhìn chung giá bình quân sẽ khó rẻ ngay cả khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nói: Khó có thể khẳng định giá điện sẽ rẻ hơn khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Những yếu tố này theo vị chuyên gia là bất định. Ông ví dụ với thuỷ điện, phụ thuộc vào tình hình thời tiết, nước về các hồ chứa... Một số nguồn điện phụ thuộc vào giá các nguyên liệu này trên thị trường thế giới.

Chưa kể, thị trường bán lẻ Việt Nam được vận hành trong bối cảnh dự phòng về nguồn điện không cao, thậm chí liên tục cảnh báo về nguy cơ thiếu điện.

Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng cái được của thị trường bán lẻ không chỉ là vấn đề giá rẻ mà quan trọng hơn là xoá bỏ được độc quyền, tạo lập sự minh bạch, cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư.

“Hiện nay mua bán theo chỉ định. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ngành điện đã được bố trí tổ chức lại. Nhiều người bán rồi muốn kiếm lời thì phải giá cả phải cạnh tranh, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh để làm sao hiệu quả nhất. Người mua được quyền lựa chọn”, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói với Dân trí.

Một điểm đáng lưu ý khiến giá điện cũng sẽ thay đổi đó là vấn đề xoá bỏ bù chéo. Theo các chuyên gia, các hộ gia đình tại Việt Nam đang phải trả giá điện cao hơn để các nhà máy được dùng điện rẻ hơn. Khi xoá bỏ cơ chế này, chi trả ở mỗi nhóm khách hàng có thể sẽ có những thay đổi nhất định.

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh là cần thiết. Tuy nhiên, để xây dựng được thị trường điện bán lẻ thuần thục, trơn tru cần một thời gian khá dài. Theo kinh nghiệm quốc tế, lộ trình này thường kéo dài nhiều năm để đảm bảo sự phát triển ổn định, tránh xáo trộn.

Theo đó, còn rất nhiều việc phải làm để tiến tới thị trường này. Trong số này, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và khung pháp lý là những vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm