Gia Lai:

Bán hoa Tết như “đánh bạc với trời”

(Dân trí) - Chỉ sau một ngày, thậm chí là nửa ngày, giá hoa đang ở đỉnh cao đã “chạm đáy”, khiến các tiểu thương bán hoa ngày cận Tết rơi vào tình trạng thua lỗ, phải thốt lên “chả khác gì đánh bạc với trời”.

Chiều 29 Tết, giá các loại hoa trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai) bỗng dưng tăng mạnh. Một số loại hoa được người dân ưa chuộng cắm bình vào dịp Tết cứ thế được “đẩy” lên theo từng giờ, giá mỗi bó hoa dơn từ 100 - 170 nghìn đồng (tùy từng loại), giá hoa ly lên tới trên dưới 300 nghìn đồng/bình, giá các loại hoa cúc… cũng được “đẩy” lên theo.

Giá hoa ngày 29 tăng mạnh, nên sang ngày 30 Tết, các tiểu thương bỏ tiền ra để tiếp tục mua hoa về bán khá nhiều. Nhưng đến chiều cùng ngày, giá hoa hỗng “đảo chiều”, giảm giá mạnh. Hoa ly còn dưới 100 nghìn đồng/bình, dơn từ 15- 40 nghìn đồng/bình (tùy từng loại), các loại hoa khác như cúc mâm xôi, hoa cẩm chướng… cũng giảm theo.

Giá hoa giảm mạnh một cách “ngoạn mục” khiến các tiểu thương buồn méo mặt. Tối 30 Tết, họ vẫn còn loay hoay với đống hoa có nguy cơ ế.

Hoa cười người khóc ngày cuối năm
Hoa cười người khóc ngày cuối năm

Chị Hòa, một tiểu thương bán hoa tại chợ phường Hoa Lư (TP Pleiku) buồn rầu thốt lên “bán vào mấy ngày này như đánh bạc với trời”! Lượng hoa dơn, hồng, các loại cúc… của chị Hòa còn lại rất nhiều. Chị Hòa cho biết, ngày 29 Tết, giá cao là do giá nhập vào cao, chị cứ nghĩ giá của ngày 30 vẫn giữ ổn định nên chị mua vào rất nhiều. Ai ngờ, giá rớt xuống thê thảm, giá bán ra không bằng giá mua vào, trong khi đó hoa để dưới nắng suốt ngày bắt đầu héo.

Chiều tối 30 Tết, do lượng hoa còn rất nhiều, giá lại giảm theo thời gian nhưng chị Hòa vẫn chưa dọn đồ để về chuẩn bị giao thừa cùng gia đình. “Mình ngồi bán ở đây cho đến khi nào hết người thì dọn về, sáng mai, mình lại tiếp tục bán vì hàng còn tồn quá nhiều. Bán được đồng nào hay đồng ấy. Bán mấy ngày này giống như đánh bạc với trời, lúc giá đang cao vút, mình lấy hàng của các nhà vườn cũng cao, chỉ sang ngày hôm sau giá đã giảm mạnh”, chị Hòa buồn rầu nói.

Chỉ sau 1 ngày, giá hoa dơn rớt xuống thê thảm mặc dù sức mua vẫn còn
Chỉ sau 1 ngày, giá hoa dơn rớt xuống thê thảm mặc dù sức mua vẫn còn

Bên cạnh hàng chục bó hoa ly vẫn chưa bán được, chị Vân cho biết, mới ngày hôm qua giá hoa ly chị bán 300 nghìn đồng/bình, nhưng đến chiều tối giá đã tụt xuống dưới 100 nghìn đồng/bình. Thời gian lại sắp hết ngày, để sang ngày mai cũng không ai mua nữa mà hoa sẽ nở mạnh hơn.

Chị Vân buồn rầu: “Tôi mua hoa thấy các nhà vườn tăng giá bán hơn năm trước, tôi hỏi thì họ nói do hoa mất mùa, giá cao nên tôi cũng bán ra thị trường cao. Ngày hôm qua, tôi thấy giá cao, lượng mua cũng nhiều nên tôi bạo gan lấy nhiều về bán, ai ngờ giá hôm nay lai rớt mạnh đến vậy. Tôi bán ở đây cho đến khi nào hết người thì tôi về, số hoa này cũng bỏ đi hoặc tặng cho các chị lao công về chơi Tết chứ để sang ngày mai cũng không làm gì”.

Bán hoa ngày cuối năm như đánh bạc với trời
Bán hoa ngày cuối năm như "đánh bạc với trời"

Ngoài những người bán hoa cắm bình, tối 30 Tết, tại chợ hoa phố núi Pleiku, các tiểu thương bán quất, cúc chậu cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều người đã phá bỏ những chậu hoa, chậu quất mà họ đã bỏ hàng trăm triệu đồng tiền vốn để đi buôn, phải thức đêm thức hôm, chăm sóc cây cối trong cảnh màn trời chiếu đất. Họ không chỉ mất tiền bạc, mà còn phải hy sinh niềm vui đón giao thừa cùng với gia đình.

Chợ hoa Tết Pleiku thê thảm tối 30 Tết
Chợ hoa Tết Pleiku "thê thảm" tối 30 Tết

“Chúng tôi phải bỏ ra 300-400 triệu đồng tiền vốn, thức khuya cả tuần nay để canh hoa, chăm hoa, vậy mà giờ đành phải đập bỏ”, một tiểu thương nói trong xót xa.

Thiên Thư