Bán hàng đa cấp: Vì đâu biến tướng?
Bán hàng đa cấp (BHĐC) hay còn gọi là Bán hàng trực tiếp (BHTT) là một mô hình kinh doanh mới và tiên tiến trên thế giới. Nhưng khi áp dụng tại Việt Nam lại xuất hiện những vấn đề phức tạp do hành vi sai trái của một số công ty kinh doanh lĩnh vực này để trục lợi, lừa đảo, khiến cộng đồng bức xúc, xã hội lên án.
Hội thảo khoa học “Bán hàng đa cấp tại Tp.HCM: Thực trạng & Giải pháp” diễn ra đầu tháng 11 vừa qua đã đưa ra cái nhìn tổng quan về lĩnh vực này
Ra đời trên thế giới từ năm 1934 và có thâm niên phát triển hơn 11 năm ở Việt Nam. Tuy nhiên, BHĐC vẫn là một ngành hàng còn mới mẻ với phương thức bán hàng đặc biệt mang lại nhiều lợi nhuận cho người tham gia và tiết giảm chi phí quảng bá cho doanh nghiệp sản xuất. Đây cũng là ngành được xem là có nhiều tiềm năng phát triển trên thế giới và tại Việt Nam trong thời gian tới đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức và phải tiết giảm chi phí như hiện nay.
Các công ty BHĐC thường được thành lập ở Việt Nam theo cách liên kết với đối tác nước ngoài, thành lập doanh nghiệp trong nước hoặc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 4000 sản phẩm.
Hiện nay, theo báo cáo của Hiệp hội Bán hàng đa cấp năm 2015, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng với quy mô trên 2000 sản phẩm (Thực phẩm chức năng: 14%, Mỹ phẩm: 71%, Đồ gia dụng: 6,5% và các mặt hàng khác: 8,5%. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đến hết năm 2014 đã hơn 1 triệu người và tổng doanh số đạt hơn 6.000 tỷ đồng, đóng góp gần 600 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước
Sự phát triển của các doanh nghiệp BHĐC tại Việt Nam, còn thể hiện được việc hình thành Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, tạo ra một sân chơi chung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài như Amway, Oriflame, Herbalife, Nuskin,… đã tham gia Hiệp hội với tư cách là các hội viên liên kết. Trong thời gian tới số lượng các thành viên mới sẽ được kết nạp thêm và sự tham gia của các hội viên này sẽ tạo nên một sức mạnh mới cho Hiệp hội riêng và ngành BHTT/BHĐC tại Việt Nam nói chung.
Mặc dù ngành BHTT mang lại nhiều tiện ích, tạo nên một môi trường kinh doanh mới, bán hàng đa cấp lại là loại hình kinh doanh mang nhiều tai tiếng, gây sự nghi ngờ và thậm chí sự kỳ thị của xã hội. Khi nói đến từ “đa cấp” dư luận nghĩ đó là mô hình không tốt: sản phẩm đắt, dụ dỗ lôi kéo, lừa đảo...
Những sai lầm trong kinh doanh BHĐC
Vậy đâu là những vấn đề, nguyên nhân và tác động tiêu cực của loại hình kinh doanh này, tại buổi hội thảo, TS. Phạm Thị Bích Hoa, Nguyên Giảng viên Học viện HCQG, đã chỉ ra những lý do cụ thể khiến BHĐC hiện đang gánh chịu những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.
Trên thị trường hiện có 2 loại công ty BHĐC: chân chính và bất chính. Công ty BHĐC chân chính là những công ty có lịch sử phát triển lâu năm, đã trải qua những thử thách của thị trường, đã có thương hiệu và quy mô phát triển ngày càng rộng lớn trên toàn cầu. Những công ty này đang chiếm một thị phần rộng lớn tiêu dùng của toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp. Tuy nhiên sự nghi ngờ, kỳ thị của cộng đồng lại do những công ty BHĐC bất chính gây ra và tạo ra dư luận đánh giá không tốt về tất cả các công ty BHĐC.
Một trong những lý do khiến BHĐC bị biến tướng là do thiếu tính kiểm soát. Xuất phát từ nguyên lý “truyền miệng”, nhiều công ty BHĐC bất chính ra đời nhằm dựa trên việc khích lệ “lòng tham”, đưa ra những “bức tranh, hứa hẹn” về một tương lai giàu có bằng con đường đơn giản, nhằm bán những sản phẩm chất lượng thấp với giá cao hoặc lôi kéo nhiều người tham gia để hưởng hoa hồng; khiến nhiều người tham gia thiếu hiểu biết bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ và tìm cách lôi kéo người khác để gỡ lại tiền đã đầu tư.
BHĐC là một trong những loại hình kinh doanh không mới tại Việt Nam, nhưng do những biến tướng xuất hiện trong thời gian qua đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực của công luận đối với lĩnh vực này.
TS. Phạm Thị Bích Hoa kết luận: “BHĐC đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, sự kỳ thị của cộng đồng nếu không có sự tương thích về văn hóa, nhận thức về những giá trị cốt lõi của BHĐC và những đóng góp to lớn của BHĐC trong nền kinh tế hội nhập, đặc biệt là nhận thức từ chính quyền và các cơ quan chức năng”
M.Linh