Bán cành đào dân bản có tiền ăn Tết, không thể ách tắc vì 1 con tem

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết, trong 20 - 21/1 sẽ tham mưu cho tỉnh có văn bản hướng dẫn người dân mua bán cành đào nhà trồng theo quy trình đơn giản, không gây phiền hà cho bà con.

Liên quan đến việc cấm chặt đào rừng bán Tết Tân Sửu, ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn đã ký công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, công văn của Bộ NN-PTNT nêu rõ, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương. Thời gian trước mắt, có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Bán cành đào dân bản có tiền ăn Tết, không thể ách tắc vì 1 con tem - 1

Nhiều tỉnh quyết định cho người dân mua bán đào bình thường bởi qua kiểm tra xác định không có đào rừng tự nhiên

Sau khi công văn của Bộ NN-PTNT phát đi, nhiều tỉnh như Nghệ An, Lào Cai,... khẳng định người dân được tự do buôn bán đào rừng trồng, bởi tại những địa phương này không có đào rừng tự nhiên.

"Nếu có đào rừng chúng tôi sẽ lên phương án triển khai ngay. Tuy nhiên, Nghệ An không có đào rừng nên người dân có thể chặt, buôn bán đào nhà bình thường, không cần xin giấy tờ chính quyền địa phương. Phải khuyến khích cho người dân làm ăn, phát triển kinh tế", ông Đặng Xuân Minh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho hay.

Tương tự, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết, tỉnh này sẽ không dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào. Vì khái niệm "đào rừng" là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi. Ông khẳng định, Lào Cai không có đào rừng, chỉ có đào trồng ở vườn nhà. Bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.

Việc này khiến bà con ở có đào trồng ở các tỉnh vùng cao thở phào nhẹ nhõm vì chuyện mua bán dịp Tết Nguyên đán này không bị ảnh hưởng.

Song, tại Sơn La, người dân trồng đào vẫn như ngồi trên đống lửa, bởi đến nay hoạt động mua bán gần như bị tê liệt. Bà con ở các bản làng chưa rõ thủ tục xin xác nhận như thế nào, còn dân buôn vẫn nằm im chờ đợi dù đang là mùa cao điểm buôn bán cành đào.

Đáng chú ý, chiều 18/1, một xe chở gốc đào mua của người dân ở Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La) đã bị lực lượng chức năng huyện giữ lại để truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với PV. VietNamNet về vấn đề trên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La Trần Dũng Tiến cho biết, đã xử lý xong sự cố đầu tiên để xe đào này được lưu thông bình thường.

Bán cành đào dân bản có tiền ăn Tết, không thể ách tắc vì 1 con tem - 2

Sơn La sẽ sớm có văn bản hướng dẫn người dân xác nhận nguồn gào đào trồng để tiện cho việc mua bán dịp Tết Tân Sửu này

Ông Tiến nói thêm, việc dán tem truy xuất nguồn gốc tỉnh mới triển khai thí điểm tại huyện Vân Hồ. Tem dán do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh làm, Sở NN-PTNT chỉ phối hợp thực hiện.

Cụ thể, ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho hay, có 2 mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng, với số lượng 11.000 chiếc, trên nền in dòng chữ "Hoa đào Vân Hồ" và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN-PTNT huyện. Căn cứ nhu cầu của người trồng đào trên địa bàn, các xã đăng ký số lượng tem để cung cấp cho nhân dân (xã hội hóa nguồn kinh phí in). UBND các xã thành lập tổ cấp phát và kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, đảm bảo cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn, tránh tình trạng tem bị cấp phát tràn lan, sai đối tượng.

Theo ông Tiến, các hộ gia đình có nhu cầu bán cành đào trồng thì khai báo với bản, với xã để được cấp tem luôn. Khi có tem thì chứng nhận nguồn gốc đào trồng chứ không phải đào rừng tự nhiên thì chuyện mua bán diễn ra bình thường. Còn ở những địa phương khác chưa thực hiện dán tem truy xuất thì tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

"Thực ra hôm 19/1, phía Sở NN-PTNT mới nhận được công văn của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán này", ông nói.

Trong ngày 20 - 21/1, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh văn bản hướng dẫn các thủ tục xác nhận nguồn gốc cành đào trên tinh thần đơn giản, không gây phiền hà cho bà con nông dân bán đào dịp Tết này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm